Các xe tải từ 7 đến dưới 10 tấn phải lắp TBGSHT trước ngày 1/7 - Ảnh: Dương Linh |
Theo lộ trình của Nghị định 86, từ ngày 1/7, xe kinh doanh vận tải hàng hóa từ 7 đến dưới 10 tấn phải lắp thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT). Tuy nhiên đến nay, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn thờ ơ hoặc chỉ lắp theo kiểu đối phó.
Doanh nghiệp vận tải không mặn mà, lắp đối phó
Theo lộ trình của Nghị định 86, trước ngày 1/7 các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) và phù hiệu kinh doanh vận tải (dán tem) cho xe tô tô tải có trọng tải thiết kế từ 7 đến dưới 10 tấn. Đến thời điểm trên, doanh nghiệp nào chưa lắp, đồng nghĩa với việc vi phạm điều kiện kinh doanh, sẽ bị thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải, bị xử phạt theo Nghị định 171.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Phong, Chủ nhiệm HTX Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết: “Hiện, chúng tôi có trên 200 xe đã lắp TBGSHT, nhưng lại của 10 nhà cung cấp thiết bị khác nhau. Điều này rất khó trong công tác quản lý. Lãnh đạo HTX khuyến cáo các thành viên tập trung lắp thiết bị của một nhà cung cấp có uy tín để Sở GTVT, HTX dễ điều hành”.
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm VN, tổng số ô tô tải có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn là 50.726 xe, trong đó có 17.386 xe đăng ký kinh doanh vận tải. |
Ủng hộ chủ trương lắp TBGSHT, nhưng ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Trường Giang cho biết, đơn vị đã lắp TBGSHT cho 20 xe tải chở hàng đi các tỉnh. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, một số thiết bị đã rơi vào tình trạng mất sóng hoặc sóng không ổn định khiến công ty không thể giám sát các phương tiện.
Trong khi đó, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho hay, Hiệp hội chưa có số liệu khảo sát số lượng xe phải lắp TBGSHT nhưng phần lớn các doanh nghiệp đều cam kết sẽ triển khai. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Hiệp hội, dù “giờ G” đã cận kề nhưng một số doanh nghiệp có xe từ 7 đến dưới 10 tấn tỏ ra không mấy mặn mà khi biết có quy định này.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT Bắc Giang, TBGSHT là công cụ quan trọng giúp các nhà quản lý kiểm tra, xử lý chính xác vi phạm. Thế nhưng, ngoài những doanh nghiệp quy mô lớn có nhu cầu lắp TBGSHT để phục vụ hoạt động quản lý, kinh doanh của mình, hiện không ít các hộ kinh doanh cá thể chỉ lắp TBGSHT để đối phó, không quan tâm nhiều đến sử dụng thiết bị để đảm bảo ATGT. “Vai trò của nhà cung cấp thiết bị rất quan trọng. Nếu nhà cung cấp không có trách nhiệm, sẽ không đạt được hiệu quả”, ông Sơn nói.
Loại nhà cung cấp yếu kém, làm ăn chộp giật
“Giờ G” (1/7) đã cận kề, do đó nhu cầu lắp TBGSHT có khả năng sẽ tăng đột biến trong thời gian tới, hàng loạt doanh nghiệp sẽ nhảy vào thị trường này. Nếu không sớm kiểm soát sẽ tái diễn tình trạng doanh nghiệp làm ăn chộp giật, “bỏ của chạy lấy người” như trước đây. Về việc này, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, hiện Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN đã cấp 60 giấy chứng nhận hợp quy cho các nhà cung cấp TBGSHT. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa nhà cung cấp, doanh nghiệp vận tải cũng như đơn vị truyền dẫn dữ liệu và công tác xử lý vi phạm chưa có sự phối hợp nhịp nhàng. Hiện, mới có khoảng 75% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về máy chủ của Tổng cục Đường bộ VN, còn 25% phương tiện không truyền. Nguyên nhân chủ yếu do phương tiện đang trong thời gian nghỉ không hoạt động hoặc đang bảo dưỡng, sửa chữa.
Ông Văn Công Điểm, Phó giám đốc điều hành Công ty Vận tải Phương Trang cho rằng, tỷ lệ truyền mới đạt 75% là thấp. Nguyên nhân do thiết bị và phần mềm của nhà cung cấp có sự can thiệp của doanh nghiệp vận tải mà cụ thể là lái xe. Yếu tố khách quan nữa là do đường truyền viễn thông. “Doanh nghiệp vận tải thì đổ lỗi cho các nhà cung cấp, nhà cung cấp lại đổ cho doanh nghiệp. Theo tôi, cần siết các nhà cung cấp trước, nếu nhà cung cấp nào chỉ đạt 75% tỷ lệ truyền, cần phải chỉ rõ nguyên nhân. Nếu nhà cung cấp không đưa ra được nguyên nhân phải có sự khuyến cáo, thậm chí thông báo chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp không đạt”, ông Điểm nói.
Đề cập vấn đề này, ông Tạ Công Thuận, Giám đốc Công ty TNHH TM Điện tử Vinh Hiển cho rằng, đa số doanh nghiệp vận tải theo dõi hoạt động TBGSHT không thường xuyên, đến khi xảy ra sự cố mới biết thiết bị của mình không hoạt động hoặc tài xế can thiệp vào thiết bị. Để dữ liệu được truyền liên tục cần có sự phối hợp giữa hai bên. Doanh nghiệp vận tải mua thiết bị cần phải khai thác thường xuyên, nếu có trục trặc doanh nghiệp phải yêu cầu nhà cung cấp bảo hành. Nếu thực hiện đúng quy trình thì sẽ hạn chế được tối đa tình trạng hư hỏng thiết bị.
Tương tự, ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ trực tuyến Skysoft cho biết, các nhà sản xuất sẵn sàng cung cấp đủ thiết bị đạt tiêu chuẩn ra thị trường. Tuy nhiên, hiện trên thị trường còn nhiều thiết bị trôi nổi được nhập khẩu từ nước ngoài không rõ nguồn gốc, tìm mọi cách để bán phá giá và khách hàng sẽ là người lĩnh hậu quả khi mua phải loại thiết bị này.
Liên quan đến vấn đề này, ông Triệu Việt Phương, Phó trưởng Phòng Đo lường thời gian và tần số (Viện Đo lường và Chất lượng) cho rằng, cần có biện pháp xử lý, loại bỏ những nhà cung cấp yếu kém. “Doanh nghiệp vận tải không nên tiếp tay cho các nhà cung cấp làm ăn chộp giật”, ông Phương đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận