Xã hội

Phía sau những “giọt vàng” cứu mạng nhiều người

03/11/2022, 06:30

Hàng ngày có hàng nghìn bệnh nhân điều trị, duy trì sự sống nhờ những “giọt vàng” - tiểu cầu.

Để có những đơn vị tiểu cầu quý giá đó là những câu chuyện sẻ chia đầy cảm động của những người tình nguyện hiến.

Sống nhờ “giọt vàng” tiểu cầu

img

Bệnh nhân đang điều trị cần truyền tiểu cầu

Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cậu học trò nhỏ Lê Đình Khang (8 tuổi, ở Hà Nội) đang điều trị căn bệnh suy tủy xương mỡ hóa 95%.

Thời điểm mới nhập viện, ngày nào Khang cũng phải truyền tiểu cầu. Cánh tay bé nhỏ đã không biết bao nhiêu lần lấy ven truyền máu, tiểu cầu, thải sắt nhưng các chỉ số máu cũng chẳng duy trì được lâu.

Khi tiểu cầu giảm sâu, Khang thường bị chảy máu chân răng và xuất huyết dưới da. Mỗi lần như vậy, hai mẹ con lại tức tốc đưa nhau nhập viện mặc dù chưa đến ngày hẹn của bác sĩ.

Có lần vào đến viện, chỉ số tiểu cầu của Khang chỉ còn 1 - 2 G/l, trong khi giới hạn bình thường của người khoẻ mạnh từ 150 - 400 G/l. Cậu bé phải truyền tiểu cầu gấp, không thể chờ đợi thêm bởi nguy cơ xuất huyết não.

Chị Đặng Thị Mềm (mẹ của bé Khang) chia sẻ: “Năm nay, đáng lẽ cháu lên lớp 3 nhưng vì đi viện liên tục nên cháu không đi học được nữa”.

Với chị Mềm lúc này, niềm hạnh phúc nhất là khi bệnh tình của con có tiến triển tích cực và luôn có đủ máu, tiểu cầu để truyền ngay khi cần.

Cũng tại đây, đang điều trị tái phát căn bệnh ung thư máu, gần như ngày nào chị Lê Thị Tuyền (30 tuổi, ở Quảng Ninh) cũng phải truyền máu và chế phẩm máu.

Có ngày chị truyền 2 - 3 đơn vị tiểu cầu. Những người bệnh như chị luôn ý thức được rằng, nếu tiểu cầu giảm sâu mà chưa có để truyền, hậu quả sẽ khôn lường.

Bé Khanh, chị Tuyền cùng hàng nghìn bệnh nhân duy trì sự sống, điều trị bệnh nhờ vào những “giọt vàng” - tiểu cầu. Và để có những giọt vàng đó, là sự chung tay, tự nguyện hiến tặng tiểu cầu của cộng đồng.

BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chia sẻ: Tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu.

Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt, được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (3 - 5 ngày).

Điều đáng mừng, hiện tỷ lệ người hiến tiểu cầu thường xuyên đã tăng lên rất nhiều và có xu hướng tăng đều đặn hàng năm.

Những người hiến tiểu cầu thường xuyên chính là những người đem đến những chế phẩm máu an toàn nhất, chất lượng nhất.

“Đi hiến đến khi nào không còn sống nữa”

img

Anh Dũng (ảnh nhỏ) và anh Lâm với hoạt động hiến tiểu cầu

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, anh Đỗ Xuân Dũng (45 tuổi, ở Chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã 12 lần hiến tiểu cầu, còn 2 lần hiến nữa là đạt tối đa số lần có thể hiến tiểu cầu trong 1 năm.

Với anh Dũng, lý do khiến anh tham gia hiến máu tình nguyện chính là khi cô con gái của anh mắc căn bệnh ung thư, bị vỡ khối u và chảy máu trong, cần phải truyền rất nhiều máu.

Trong gia đình đã hiến hết nhưng vẫn không đủ, khi đó rất nhiều người bạn quen có, xa lạ có đều nhiệt tình đến cho máu.

“Đáng tiếc, con tôi mất sau đó 1 năm. Tôi đã hứa với con, sẽ hiến đến khi nào không còn sống nữa”, anh Dũng tâm sự.

Sau nhiều năm hiến máu, anh Dũng mới bén duyên với hiến tiểu cầu khi đợt dịch Covid-19 bùng phát. Khi đó, ít có cơ hội được hiến máu, anh cùng đồng đội trong nhóm Giọt hồng HH Linh Đàm tìm hiểu kỹ hơn về hiến tiểu cầu.

“Tôi nhóm máu B, đây là nhóm máu luôn dự trữ dồi dào, tuy nhiên, lượng tiểu cầu lại luôn thiếu. Chính vì vậy, tôi quyết định hiến tiểu cầu”, anh Dũng chia sẻ.

Từ đó đều đặn đến hẹn sau mỗi 18 ngày, anh Dũng cùng bạn bè có mặt tại Viện Huyết học để hiến tiểu cầu.

Luôn tâm niệm “sống ngày nào ý nghĩa ngày ấy”, anh Dũng cùng các thành viên trong nhóm Giọt hồng HH Linh Đàm ngoài việc đều đặn hiến tiểu cầu, còn lan tỏa rộng khắp tới cư dân các cụm chung cư Linh Đàm hoạt động hiến máu tình nguyện.

Và từ nhiều năm nay, đều đặn 2 lần/năm, nhóm phối hợp cũng Viện Huyết học tổ chức buổi hiến máu, thu về hơn 200 đơn vị máu/năm.

Có mặt tại Viện Huyết học từ sớm tinh mơ, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Lâm (27 tuổi, ở Nam Định) một mình rong ruổi xe máy từ quê nhà lên Viện hiến tiểu cầu.

Lâm cho hay: “Tôi chỉ suy nghĩ một điều, còn sức khỏe, còn giúp được ai, việc gì thì nên làm”.

Nhìn chàng trai trẻ, ít ai biết rằng Lâm đang mang trong mình căn bệnh tự miễn hiếm gặp đa sơ cứng não rải rác.

Đôi mắt Lâm hoe hoe đỏ khi nhắc tới căn bệnh mà bác sĩ chưa có phác đồ điều trị được vì đây là bệnh hiếm gặp, cả triệu người mới gặp 1 ca.

Còn cô Nguyễn Thị Duyên (60 tuổi, ở Hà Nội) từng là bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Máu hay tiểu cầu là nguồn sống rất đặc biệt, nó không to tát như hiến tạng nhưng nó cũng là tế bào sống mà mình hiến tặng. Không có máy móc hiện đại nào điều chế ra được máu. Cho đến nay, tôi đã hiến máu và hiến tiểu cầu 62 lần”.

Xúc động khi nói về những người hiến tiểu cầu, BS. Trần Ngọc Quế chia sẻ: “Dù tiêu chuẩn đòi hỏi khắt khe hơn, thời gian hiến tiểu cầu cũng lâu hơn nhiều so với hiến máu toàn phần (từ 45 - 120 phút với hiến tiểu cầu, thay vì 5 phút khi hiến máu), nhưng nhiều người vẫn bền bỉ, đều đặn trao đi sự sống.

Điều đáng trân trọng nhất là một năm có 12 tháng nhưng có những người hiến tiểu cầu tới 13 - 14 lần trong năm”.

Năm 2021, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được là 33.314 đơn vị tiểu cầu. Năm 2022, tính đến ngày 28/10, đơn vị tiếp nhận 24.920 đơn vị tiểu cầu từ 8.198 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3 lần).

Lượng tiểu cầu gạn tách được tiếp nhận của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã giúp cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.