Thế giới giao thông

Philippines: Đội mũ bảo hiểm "rởm" bị phạt 5 triệu đồng

09/07/2014, 10:29

Do bối rối trong cách xử lý, chính phủ Philippines phải mất gần 4 năm (2009 - 2013) để đưa Luật đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn áp dụng vào đời sống.

Một chương trình tuyên truyền đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy cho trẻ em tại Philippines
Một chương trình tuyên truyền đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy cho trẻ em tại Philippines


Phạt lũy tiến


Theo thống kê do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp với Cơ quan phát triển Vùng đô thị Manila (MMDA) thực hiện, năm 2013, tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy tại Philippines rất cao (98%). Tuy nhiên, số người đội mũ bảo hiểm đúng cách và sử dụng mũ bảo hiểm chất lượng vẫn tương đối thấp. Trong đó, 57% người đi xe máy không cài quai mũ đúng quy cách, 58% mũ bảo hiểm chưa có tem ICC (nhập khẩu hàng hóa thông quan).


Chủ tịch Cơ quan quản lý hoạt động giao thông thành phố Cebu - ông Sylvan Jakosalem, cho biết: “Hiện nay, vẫn còn nhiều chủ xe máy và hành khách chưa hiểu hết tất cả các quy định quan trọng và hướng dẫn thi hành của Luật đội mũ bảo hiểm. Vẫn còn nhiều người chưa biết được đâu là loại mũ bảo hiểm đạt chuẩn vì những chi tiết này chưa được làm rõ trong hướng dẫn luật”.


Theo quy định và chế tài xử phạt của Bộ Giao thông và Truyền thông Philippines sửa đổi bổ sung có hiệu lực ngày 19/6/2014, nếu người lái xe máy và người ngồi sau xe không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn thì sẽ bị xử lý như sau: Lần vi phạm thứ nhất bị phạt 1.500 peso (hơn 700.000 VND); Lần thứ hai: 3.000 peso (gần 1,5 triệu VND); Lần thứ ba: 5.000 peso (gần 2,5 triệu VND); Lần thứ tư trở đi: 10.000 peso (gần 5 triệu VND).

“Vỡ trận” dán tem đạt chuẩn


“Luật đội mũ bảo hiểm” của Philippines đưa ra từ năm 2009 nhưng tới tháng 3/2010 mới được Quốc hội thông qua.

Trên thực tế, luật chưa ảnh hưởng đối với đời sống người dân Philippines ngay lập tức mà chỉ dừng ở việc 2 Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) cùng Bộ Giao thông và Truyền thông (DOTC) thảo Các quy định và luật thi hành (IRR). Quá trình này kéo dài tới một năm rưỡi.

Tháng 12/2011, hai Bộ DTI và DOTC đưa ra Thông tư Liên ngành trong đó nêu rõ trách nhiệm hai bên: Bộ Thương mại chịu trách nhiệm đảm bảo các nhà sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm phải phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của Liên hợp quốc. Bộ Giao thông đảm bảo người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm đúng cách trên mọi tuyến đường và địa hình.

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Philippines, Tiến sĩ Soe Nyunt-U, bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình việc áp dụng các điều luật và quy định mới trong "Luật đội mũ bảo hiểm xe máy" của Philippines giúp cứu sống nhiều mạng người, tránh thương tích, khuyết tật do tai nạn xe cộ.

Theo dữ liệu do WHO cung cấp, khoảng 34% trong số các vụ tai nạn giao thông gây chết người và 37% trong số các vụ tai nạn gây thương tích tại Philippines có liên quan tới xe máy.

Tháng 1/2012, DTI bắt đầu phát hành loại tem dán “PS” (tiêu chuẩn Philippines) và “ICC” (nhập khẩu hàng hóa thông quan) theo dạng 3 chiều giúp dễ dàng phát hiện mũ thật giả.

Văn phòng giao thông đường bộ thuộc Bộ Giao thông và Liên lạc thông báo các quy định đội mũ bảo hiểm và chế tài xử phạt bắt đầu từ ngày 1/8/2012. Theo quy định này, tất cả những người sử dụng mô tô, xe gắn máy phải mang mũ đi kiểm định và dán tem “PS”, ”ICC”; những người bán mũ bảo hiểm không dán tem “PS” hoặc ”ICC” sẽ bị phạt từ 10.000 peso (gần 5 triệu VND) đến 20.000 peso (10 triệu VND). 

Tuy nhiên, 7 ngày trước khi quy định có hiệu lực, hàng trăm nghìn người đổ dồn đến các văn phòng của DTI tại Manila và các khu vực khác để xin xác thực, đóng tem bảo đảm cho mũ bảo hiểm. Do không in đủ lượng tem bảo đảm mũ bảo hiểm, chính phủ Philippines buộc phải thông báo lùi hạn áp dụng Luật đội mũ bảo hiểm sang tháng 1/2013.

Giới chức đổ lỗi cho người dân Philippines quen thói “nước đến chân mới nhảy” không đi đăng ký sớm. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, lỗi lớn thuộc về DTI khi không nghiên cứu thời gian làm thủ tục, ước tính lượng tem cần phát hành, lượng người tới đăng ký và thời gian hoàn thành để sắp xếp cho phù hợp tránh gây nên tình trạng hỗn loạn như trên.

Trang Trần

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.