Thế giới giao thông

Philippines kêu gọi Trung Quốc đầu tư hạ tầng giao thông

28/07/2016, 05:58

Tổng thống Duterte có thể thúc tiến độ các dự án hạ tầng giao thông nhanh hơn so với người tiền nhiệm.

2

Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) có chiến lược về đầu tư hạ tầng giao thông hoàn toàn trái ngược và được đánh giá cao hơn người tiền nhiệm Benigno Aquino (phải)

Dưới thời tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người ta hy vọng việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ “thay da đổi thịt” so với thời Tổng thống tiền nhiệm.

Thời Duterte là “thời kỳ vàng son” của hạ tầng?

Tờ Bloomberg nhận định, dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) thường bị gọi lái thành các dự án trình bày (Power-Point Presentations); Vì các dự án này được cho là đẹp đẽ về mặt hình thức song trên thực tế không được quan tâm xúc tiến nhanh gọn. Kể từ năm 2010 đến khi rời vị trí Tổng thống năm 2016, ông Aquino chỉ thực hiện được hơn chục dự án PPP trị giá 4,2 tỷ USD, để lại cho người kế nhiệm hơn 50 dự án PPP đang ì ạch cần phải đẩy nhanh tốc độ với chất lượng hạ tầng ở mức thấp nhất trên thị trường mới nổi.

Đến nay, các nhà đầu tư hy vọng, Tổng thống Duterte có thể thúc tiến độ các dự án hạ tầng giao thông nhanh hơn so với người tiền nhiệm. Ông Duterte đang có ý định tăng chi ngân sách cho hạ tầng từ 3,2 - 5% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP = 369,188 tỷ USD). Ngay trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 25/7, ông Duterte cam kết sẽ khắc phục các vấn đề kinh tế, cải tổ hạ tầng, tăng cường xây dựng đường sá, cầu và đường sắt mới.

Thương gia đến từ Tập đoàn Ngân hàng thương mại Rizal trụ sở tại Manila - ông Nescyn Presinede cho biết: “Ông Duterte là con người của hành động, nên nhiều người hy vọng ông sẽ thúc đẩy thực hiện nhanh chóng các dự án hạ tầng”. Trung tuần tháng 7 vừa rồi, Bộ Tài chính (DOF), Bộ Ngân sách và quản lý (DBM) phối hợp với Cơ quan Phát triển và kinh tế quốc gia (NEDA) rút ngắn thời gian làm thủ tục phê chuẩn các dự án PPP từ trung bình 29 tháng xuống còn 20 tháng.

Sử dụng vụ kiện biển Đông kêu gọi đầu tư hạ tầng

Nếu như dưới thời Tổng thống Benigno Aquino, Philippines gây tiếng vang khi lần đầu tiên đưa tranh chấp chủ quyền trên biển Đông lên Tòa Trọng tài, đồng thời luôn thể hiện sự mạnh mẽ, cứng rắn với Trung Quốc thì dưới thời ông Rodrigo Duterte - luôn chú trọng tới lợi ích kinh tế.

Ngay từ khi còn là ứng viên chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống, hồi tháng 2/2016, ông Rodrigo Duterte đã thể hiện quan điểm của mình với Trung Quốc: “Hãy xây dựng cho chúng tôi đường sắt như các bạn đang xây dựng tại châu Phi và tạm gạt các bất đồng (trong đó có tranh chấp trên biển) sang một bên”.

Trang web Numbeo.com - cơ sở dữ liệu lớn nhất do người sử dụng đóng góp về điều kiện sống của các thành phố, đất nước trên thế giới, trong đó giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng - xếp hạng Philippines trong Top 10 nước có tình trạng giao thông tồi tệ nhất thế giới năm 2015.

Trong số 88 nước, Philippines xếp thứ 9 từ dưới lên về tình trạng giao thông dựa trên tính toán “thời gian di chuyển trung bình, sự bất mãn của người tham gia giao thông, sự bất tiện của giao thông và lượng khí thải carbon”.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do Philippines thiếu quy hoạch tổng thể để phát triển đô thị một cách toàn diện và lâu dài.

Ông Rodrigo Duterte tuyên bố, chiến lược của ông là không muốn tranh chấp với Trung Quốc: “Chúng tôi muốn đàm phán. Tôi sẽ chỉ yêu cầu Trung Quốc xây đường sắt như những gì họ đang làm cho châu Phi” - ám chỉ dự án đường sắt cao tốc Nairobi-Mombasa do Trung Quốc cấp vốn, giúp cắt giảm thời gian hành trình từ 13 giờ xuống còn 3 giờ.

Tờ Bưu điện Hoa Nam nhận định, trong quan hệ với Trung Quốc, người được mệnh danh là “Donald Trump” của Philippines thường tập trung thúc đẩy “ngoại giao kinh tế” để kêu gọi nguồn vốn dồi dào từ Trung Quốc đầu tư vào các dự án hạ tầng đang “khát tiền” của Philippines. Ông Chito Sta Romana, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines đánh giá: “Tổng thống Duterte đang nhắm tới xây dựng đường sắt tại Mindanao và đây có lẽ là động lực khiến ông mềm mỏng với Trung Quốc”.

Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle tại Manila nhận định: Ông Duterte coi Trung Quốc như đối tác quan trọng trong phát triển quốc gia, đặc biệt ở lĩnh vực đầu tư hạ tầng. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, khả năng khai thác chung trên biển Đông và đầu tư hạ tầng sẽ là lối thoát cho bế tắc của Philippines - Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.