80% lái xe jeepney tại Philippines có tiền hiện đại hóa phương tiện
Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), xe jeepney là xe ba bánh thường, được trang trí sặc sỡ từng được coi là “vua đường phố” bởi vô cùng phổ biến trên khắp đường phố tại Philippines. Tuy nhiên, loại phương tiện này không được quản lý chặt chẽ và nhiều phương tiện không được bảo trì.
Năm 2017, Chính phủ Philippines đã ban hành Chương trình Hiện đại hóa Phương tiện Công ích (PUVMP), yêu cầu các lái xe jeepney thay thế phương tiện đã sử dụng từ 15 năm trở lên bằng các mẫu xe thân thiện với môi trường, đồng thời tham gia các hợp tác xã dành cho tài xế.
Tuy nhiên, chương trình này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các lái xe jeepney và nhiều người dân.
Sau cuộc biểu tình vào tháng 3 của nhóm PISTON - liên đoàn của các nhóm hoạt động vì quyền lợi của lao động trong lĩnh vực vận tải công cộng tại Philippines và các nhóm hoạt động khác, Chính phủ Philippines đã chấp thuận hoãn mốc thời gian yêu cầu lái xe jeepney đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường tới ngày 31/12.
Tuy nhiên, theo SCMP, khi thời hạn ngày 31/12 đang đến gần, các lái xe jeepney tại Philippines tiếp tục tổ chức đình công kéo dài ba ngày bắt đầu từ ngày 20/11 do nhóm PISTON tổ chức.
Trong ngày 20/11, cuộc đình công đã làm tê liệt 85% các tuyến xe jeepney tại vùng đô thị Metro Manila và 7 cuộc đình công khác tại các thành phố lớn trên khắp Philippines.
Cục Quản lý và Nhượng quyền Vận tải đường bộ Philippines (LTFRB) đã triển khai 250 phương tiện tại thủ đô Manila để hỗ trợ vận chuyển hành khách.
Ông Mody Floranda - Chủ tịch liên đoàn PISTON cho rằng 80% lái xe jeepney tại Philippines không đủ khả năng xoay xở 2,8 triệu peso (50.440 USD) để thay thế phương tiện cũ bằng các mẫu xe thân thiện với môi trường. Trong khi đó, Chính phủ Philippines chỉ trợ cấp 5,7% chi phí chuyển đổi phương tiện.
“Chúng tôi không phản đối việc sửa chữa, nâng cấp phương tiện nhưng chính phủ không hiểu một điều rằng lái xe jeepney có thu nhập thấp hơn mức lương trung bình. Do đó, làm sao chúng tôi có thể xoay xở được chi phí chuyển đổi phương tiện theo chương trình PUVMP? Chúng tôi sẽ ngập trong nợ nần”, ông Floranda nói.
Gay gắt hơn, ông Floranda chỉ trích: “Bước đi này sẽ dần tước đoạt kế sinh nhai của chúng tôi, đẩy người lao động vào cảnh khó khăn. Chúng tôi đang đấu tranh cho việc duy trì hoạt động của xe jeepney".
Ngoài ra, ông Floranda cũng cho rằng quá trình hiện đại hóa xe jeepney sẽ chủ yếu đem lại lợi ích cho các công ty đa quốc gia nước ngoài như Hino Toyota, Hyundai và Fuso Mitsubishi thay vì các nhà sản xuất địa phương tại Philippines.
Liên quan tới cuộc biểu tình của lái xe jeepney tại Philippines vào tháng 3, thời điểm đó, Tổng thống Ferdinand Marcos Jnr cho rằng, chương trình PUVMP vẫn phải được tiến hành nhưng sẽ được thực hiện theo phương thức khác. Tuy vậy, ông Floranda cáo buộc những quan ngại chính của các lái xe jeepney đã không được chính phủ xem xét.
Chuyển sang xe điện, chi phí đi lại có thể tăng
Trong cuộc đình công đang diễn ra, Chủ tịch LTFRB - ông Teofilo Guardiz III đã lên tiếng kêu gọi các tài xế jeepney cân nhắc tới những ảnh hưởng về việc đi lại của hành khách và dừng đình công.
Ông Guardiz cũng cam kết lái xe jeepney sẽ không mất kế sinh nhai, những xe jeepney đủ điều kiện lưu thông trên đường phố vẫn được chấp nhận trong chương trình PUVMP. Ngoài ra, xe jeepney cũ vẫn được phép lưu thông cho tới khi quá trình thành lập các hợp tác xã hoàn tất.
Tuy vậy, ông Floranda cho biết liên đoàn PISTON rất thất vọng trước việc ông Guardiz và LTFRB chỉ hứa hẹn sẽ tiếp tục “nghiên cứu” vấn đề.
“Chiếc bụng đói của các lái xe không thể đợi LTFRB nghiên cứu”, ông Floranda nói, cho biết cuộc đình công sẽ tiếp tục diễn ra trong hai ngày tới.
Ông Severino Hermoso, một tài xế jeepney 63 tuổi, chỉ có thể làm việc vài ca mỗi tuần để kiếm khoảng 400 peso mỗi ca nhằm trang trải tiền thuốc điều trị cao huyết áp và tiểu đường. Ông Hermoso cho biết đã tìm cách xin gia nhập hợp tác xã nhưng những lái xe cao tuổi lại bị từ chối.
Ông Hermoso cho biết: “Tôi vẫn có thể làm việc và tôi cần làm việc. Nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện chương trình PUVMP thì tôi chỉ còn cách đi bán thuốc lá dạo trên đường”.
Một nghiên cứu năm 2021 của Đại học Philippines cảnh báo việc tài xế gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính để đổi xe jeepney hiện đại có thể làm tăng mức phí vận chuyển hành khách.
Nghiên cứu ước tính mức phí vận chuyển hành khách có thể tăng tới 300% chỉ trong vài năm nếu lái xe buộc phải chuyển sang sử dụng xe jeepney điện với các khoản vay có mức lãi suất 6% mỗi năm.
Theo SCMP, xe jeepney điện hiện được phép thu mức phí cao hơn 20% so với xe jeepney truyền thống tại Philippines.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận