Thị trường

Phó Chủ tịch QH đề nghị đánh thuế môi trường, tài nguyên cao hơn

11/01/2018, 17:07

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam chiều 11/1.

phung-quoc-hien-thue-bao-ve-moi-truong-thue-tai-ng

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất "đánh" cao hơn thuế tài nguyên và thuế bảo vệ môi trường tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam chiều 11/1

Theo ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, dưới sự đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã tiến hành thông qua 5 dự án Luật - nền tảng khuôn khổ pháp lý để xây dựng nền tài chính ngân sách lành mạnh như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, Sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp... góp phần tăng cường hiệu quả nguồn lực, nâng cao chất lượng sử dụng nguồn lực.

Đặc biệt lần đầu tiên, trong lịch sử Quốc hội thông qua 2 nghị quyết: Nghị quyết tài chính 5 năm xác định khuôn khổ thu, chi, nợ, bội công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Chính nhờ điều này, việc sử dụng tài sản công, đầu tư công đã hiệu quả hơn.

Có những thời điểm chỉ số ICOR (chỉ số cho biết dể tạo ra một đơn vị sản lượng trong một khoảng thời gian thì phải bỏ ra bao nhiêu đơn vị vốn đầu trong tư) của Việt Nam là 8%, nhưng giai đoạn 2010-2015 xuống 6,9%, 2017 còn 4,9%. Ông Hiển cho rằng, con số này nếu so với nước phát triển là 3-4% thì còn cao nhưng đây là bước tiến vô cùng tích cực của Việt Nam.

“Điều này cho thấy, Chính phủ đang tiến tới cơ cấu lại toàn bộ thu, chi, vay nóng, tập trung cơ cấu ngân sách”, ông Hiển nói.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Việt Nam đã tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) nên thuế suất thuế nhập khẩu giảm sâu theo lộ trình cam kết. Do vậy, sắp tới Việt Nam phải dựa chính vào thu nội địa.

Ông Hiển cũng cho rằng, thu ngân sách từ nội địa phải nâng lên 85% tổng số thu. Cùng với đó là là phải điều chỉnh lại chính sách thu như giữ ổn định thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân để tạo điều kiện thu hút đầu tư. Nhưng với các loại thuế như thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường…thì phải “đánh” cao hơn để bảo vệ môi trường, điều chỉnh phù hợp với sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế.

Do đó, muốn tăng trưởng nhanh và bền vững phải ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia. "Đó là phải xây dựng chính sách tài khoá, vận hành nền tài chính đi theo hướng tích cực, lành mạnh, từng bước cân đối thu chi ngân sách, giảm bội chi và nợ công, nhất là trong bối cảnh nợ công Việt Nam hiện đang ở mức cao", ông Hiến kiến nghị.

Đi kèm chi tiêu hiệu quả, giảm chi thường xuyên, tinh giảm bộ máy biên chế, Nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia để nhường dư địa cho các thành phần khác.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam tăng nhanh và bền vững. Điều ước ao của tôi là tăng trưởng kinh tế trên 6% trong 3 năm tới thì chúng ta sẽ có thay đổi căn bản”, ông Hiển nói.

Trước đó, Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường. Trong đó, Bộ Tài chính trình tăng khung thuế suất đối với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít lên mức từ 3.000-8.000 đồng/lít; khung thuế suất với túi ni lông được đề nghị điều chỉnh từ 30.000-50.000 đồng/kg lên mức 40.000-200.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại cho rằng, trong tình tình kinh tế đất nước hiện nay thì việc tăng thuế suất nhìn chung là không thuận. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đối với mặt hàng xăng dầu thì với khung thuế suất hiện hành vẫn chưa áp mức tối đa, do đó cần cân nhắc lại việc đề nghị tăng lên nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.