Trả lời Báo Giao thông, ông Phạm Tuấn Long- Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết chưa nhận được phản ánh tiêu cực nào sau hơn 3 tuần đầu tiên triển khai khu phố đi bộ trên 6 tuyến phố với nhiều hoạt động mới mẻ.
Ông Phạm Tuấn Long- Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội: "Việc tổ chức các tuyến phố đi bộ tại khu phố cổ sẽ quảng bá những giá trị di sản đặc trưng của Hà Nội". |
Ý tưởng tổ chức tuyến phố đi bộ được xuất phát từ đâu, thưa ông?
Việc tổ chức tuyến phố đi bộ đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân phố cổ và du khách với mục tiêu tạo sự hấp dẫn, thu hút cho di sản văn hoá phố cổ đồng thời lưu giữ những nét đặc trưng của Hà Nội và quảng bá du lịch cho địa điểm này.
Trước mắt, chúng tôi tạo ra một không gian đi bộ tại 6 tuyến phố thí điểm là Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ vào thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật, bắt đầu từ 19h đến 24h.
Du khách tấp nập trong khu phố đi bộ |
Khi triển khai kế hoạch tổ chức tuyến phố đi bộ, người dân có được đóng góp ý kiến?
Việc triển khai kế hoạch này đã được đặt ra và nghiên cứu cho đến nay cũng đã được 4 năm, bây giờ mới đủ điều kiện thực hiện. Trong quá trình triển khai, chúng tôi có tiếp thu và lắng nghe ý kiến của người dân để có các biện pháp điều chỉnh cho phù hợp.
Tính đến thời điểm này, người dân sinh sống trong phường Hàng Buồm là khu vực diễn ra 6 tuyến phố đi bộ đều đồng tình. Tuy nhiên, còn ý kiến của một vài cá nhân khác chưa thực sự hài lòng, chúng tôi vẫn phải tiếp tục lắng nghe, rút kinh nghiệm và tiếp tục điều chỉnh.
Tuyến phố đi bộ hấp dẫn nhưng thực sự đã làm xáo trộn cuộc sống của bà con phố cổ?
Việc tổ chức một tuyến phố đi bộ trong một khu vực có dân cư đang sinh sống đúng là rất khó khăn, bởi sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Nhưng chính điều này lại đem đến sự hấp dẫn cho du khách khi họ vừa được vui chơi, lại vừa được cảm nhận sinh hoạt hàng ngày của người dân sở tại hơn là đến những nơi chỉ có đi bộ không, hay là những tuyến phố cổ được tạo dựng nên nhưng mọi thứ không thật sự diễn ra đúng bản chất của nó.
Du khách đến đây, ngoài việc được ngắm cảnh quan, không gian cổ kính của phố cổ Hà Nội còn được trải nghiệm văn hóa nghệ thuật dân gian, nghệ thuật đương đại, kết hợp mua sắm và thưởng thức những món ăn truyền thống, đặc trưng của đất Hà thành.
Người dân cũng sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh các mặt hàng truyền thống hơn và giới thiệu tới du khách những bản sắc riêng biệt về sản phẩm buôn bán của họ.
Hoạt động nghệ thuật dân gian trên tuyến phố đi bộ |
Thực tế thì việc không được đi xe máy về nhà hay sự ồn ào do các ban nhạc đường phố gây ra khiến trẻ con không học được bài... đang là bức xúc của không ít người. Ban quản lý có hướng giải quyết như thế nào?
Nhìn chung, mọi hoạt động diễn ra đều có tính hai mặt, ở đây chúng ta nên nhìn nhận ở góc độ tổng thể, những ảnh hưởng đối với một vài trường hợp cá biệt thì không thể tránh khỏi và chắc chắn là sẽ ảnh hưởng tới nhiều mặt khác với đời sống của người dân tại đây.
Cho nên chúng tôi đã có tính tới một số giải pháp, ví dụ như đối với các hộ dân sinh sống trong này, di chuyển từ nơi khác về nhà đúng vào giờ tổ chức đi bộ, chúng tôi đã bố trí một khu vực để xe riêng miễn phí và an toàn, như vậy là sáng hôm sau họ có thể ra lấy xe về nhà. Còn vấn đề ảnh hưởng tới việc học hành, công việc riêng tư nào đó của mỗi cá nhân thì tôi cho rằng ta nên nhìn nhận một cách khách quan hơn vì lợi ích chung mà mỗi người có thể chịu thiệt thòi một chút và cố gắng tìm cách thích nghi.
Còn vệ sinh môi trường thì sao, thưa ông, ngay trong những ngày đầu, nhiều rác đã vương vãi trên mặt đường, quán xá chật hẹp, tràn xuống lòng đường cũng khiến du khách ái ngại vì lộn xộn và vệ sinh không đảm bảo?
Trước tiên tôi phân loại có hai đối tượng ảnh hưởng tới vấn đề vệ sinh môi trường, đó là du khách và những hộ kinh doanh, buôn bán ở hai bên đường. Ngay khi bắt đầu tổ chức tuyến phố đi bộ, chúng tôi cũng đã triển khai các kế hoạch tuyên truyền tới chủ cửa hàng, nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra chúng tôi còn tăng cường các giải pháp đảm bảo vệ sinh như bố trí thêm nhiều thùng rác công cộng, huy động thêm nhân công thu gom rác và đặc biệt hơn nữa là yêu cầu các chủ hàng quán nhắc nhở chính khách hàng vứt rác đúng nơi quy định.
Ông có thể chia sẻ những kế hoạch triển khai các tuyến phố đi bộ khác trong tương lai không?
Cách đây 10 năm, phố đi bộ đầu tiên được triển khai trên các là tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào -Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy.
Đến nay, chúng tôi đã tiếp tục mở rộng tuyến phố đi bộ sang khu bảo tồn di tích cấp 1 của khu phố cổ với rất nhiều di sản và di tích đồng thời tạo nên một không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc với âm nhạc đường phố.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá quy hoạch tổng thể để từng bước mở rộng các tuyến phố đi bộ khác sao cho phù hợp với đặc điểm du lịch của thành phố cũng như cuộc sống của người dân.
Nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc đang được trình diễn, nhiều người thắc mắc những nghệ sỹ đường phố này có được Ban quản lý hỗ trợ kinh phí?
Rất nhiều thể loại âm nhạc từ cổ điển đến hiện đại được các nghệ sĩ thể hiện hết mình, mang đến cho khán giả những giá trị nghệ thuật ngay trên đường phố, trong một không gian hết sức mới lạ.
Tôi phải hết sức cảm ơn các nghệ sĩ âm nhạc vì chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ một phần kinh phí rất hạn hẹp nhưng họ vẫn biểu diễn hết mình bằng sự say mê yêu nghề, yêu khán giả và trải nghiệm trong một không gian ngoài trời còn khá lạ lẫm.
Đến nay đã được hơn 3 tuần tổ chức tuyến phố đi bộ, du khách phản ánh thế nào?
Đa phần chúng tôi đều nhận được sự ủng hộ, khen ngợi rất tích cực từ phía du khách. Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa hề nhận được bất kỳ phản ánh tiêu cực nào.
Tôi cũng hy vọng mọi người tích cực xây dựng, đóng góp ý kiến để điều chỉnh các hoạt động của tuyến phố đi bộ cho hiệu quả, hấp dẫn và hoàn thiện hơn.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Nam (Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận