Xã hội

Phó Thủ tướng: Công khai thông tin quy hoạch để người dân giám sát

27/05/2019, 20:45

Chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát sử dụng đất đai, phát triển đô thị theo đúng quy hoạch, công khai thông tin quy hoạch để người dân giám sát.

img
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Chiều 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về báo cáo giám sát thực thi pháp luật về quản lý sử dụng đất đai và quy hoạch đô thị (từ 2013- 2018).

Trục lợi chính sách khiến lòng tin xói mòn

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), điều làm cử tri và nhân dân lo lắng đó là hiện tượng trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật, thậm chí tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý sử dụng đất đô thị của một bộ phận cán bộ công chức có trách nhiệm đã và đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

"Nhiều lĩnh vực được giao quản lý đất đai và sử dụng đất lâu nay được coi là vùng cấm, đó là đất quốc phòng, an ninh thiếu sự giám sát, buông lỏng quản lý, quản lý yếu kém đã xảy ra sai phạm lớn không chỉ gây thất thoát lãng phí về tài nguyên đất mà còn tác động xấu tới uy tín, lĩnh vực của ngành”, đại biểu thẳng thắn nêu vấn đề.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương thì bày tỏ, dù báo cáo đã thể hiện bao trùm nhưng thật khó để tưởng tượng và thống kê đầy đủ những bất cập sai phạm trong lĩnh vực này, từ những vi phạm lớn điển hình như dự án 8B Lê Trực, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (Hà Nội) hay việc “xà xẻo” các mảnh đất vàng tại các đô thị lớn.

“Có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của nó vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn mà không ít trong số đó từng hiện diện trên mặt báo, nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân”, ông Nhân nêu quan điểm.

Vị đại biểu đoàn Bình Dương cũng đặt vấn đề, thay vì quỹ đất sau khi di dời cơ quan, đơn vị được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định thì hầu hết lại được quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu chung cư, nhà cao tầng.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tham mưu, quản lý nhà nước và làm rõ năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ được giao trực tiếp trong lĩnh vực này để làm rõ đâu là năng lực yếu, đâu là có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, đâu là sự buông lỏng trong công tác quản lý.

Dẫn ra thực trạng “giật mình” tại sân bay Bạch Mai tại Hà Nội, như một thí dụ điển hình việc quản lý lỏng lẻo đất quốc phòng, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết “Nói thật với Quốc hội là rất nhiều các công trình dân sinh, dân sự trong đó, sân golf cũng có, sân bóng đá cũng có, vũ trường, sàn nhảy cũng có", ông Nhưỡng nói và nêu quan điểm: “Báo cáo giám sát của Quốc hội ghi rất rõ là nghiêm cấm sử dụng đất quốc phòng để làm kinh tế, đặc biệt là kinh tế thuần túy…Do đó, cần phải xem xét, đánh giá lại, định nghĩa lại cho các cơ quan, đơn vị quốc phòng họ có sơ sở để thực hiện đúng các quy định của pháp luật để tránh tình trạng vi phạm”.

Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường thách thức các đô thị

Phát biểu làm rõ thêm các ý kiến của các đại biểu đã nêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác sử dụng đất đai, quản lý, phát triển đô thị vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và thách thức, cần tiếp tục được khắc phục.

img
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên thảo luận

Xu hướng tập trung hoá đô thị ngày càng gia tăng (do người dân tập trung về các đô thị để tìm kiếm việc làm và tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn), đặc biệt là tại các đô thị lớn. Riêng Hà Nội, TP.HCM mỗi năm tăng khoảng 200.000 người, đã tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng đô thị, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất tại đô thị.

Trong khi đó, việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng còn chậm, thiếu đồng bộ, nên đã dẫn đến quá tải về hạ tầng ở các đô thị lớn. Việc đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị vùng, đô thị vệ tinh còn thiếu nguồn lực và chậm, do đó đã giảm sự hấp dẫn của các đô thị này, từ đó giảm sự chia sẻ đối với các đô thị lớn.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cơ cấu sử dụng đất tại các đô thị còn chưa phù hợp. Cơ cấu nhà ở tại các đô thị còn nhiều bất cập, còn nặng về nhà ở thương mại, phù hợp với người có thu nhập khá, trong khi còn thiếu nhiều nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, đặc biệt là nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn ngày càng gia tăng đang thách thức nghiêm trọng tới phát triển bền vững tại các đô thị.

Đặc biệt là tình trạng sử dụng đất đai còn lãng phí, còn thất thoát (có nơi rất nghiêm trọng) đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng đất đai đô thị, gây thiệt hại cho nền kinh tế, gây bức xúc trong xã hội. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư còn nhiều bất cập, dẫn đến người dân khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, một trong những nguyên nhân chính là do hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng vừa còn những khoảng trống, vừa chồng chéo, thiếu đồng bộ đẫn tới khó khăn trong thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai phát triển đô thị còn nhiều hạn chế như việc kiểm soát tầng cao, mật độ dân cư còn nhiều bất cập; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sử dụng đất đai phát triển đô thị còn thiếu chặt chẽ, chậm phát hiện những sai phạm hoặc phát hiện nhưng không xử lý, để lại những hậu quả nặng nề.

Công khai thông tin quy hoạch để người dân giám sát

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu 9 nhóm nhiệm vụ mà Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Thứ nhất, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế liên quan đến quy hoạch sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng nói chung và phát triển đô thị nói riêng.

Thứ hai, nâng cao chất lượng quy hoạch, thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kịp thời quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính kế hoạch và phát triển phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của từng thời kỳ, bảo đảm đúng quy chuẩn và tiêu chuẩn theo quy định. “Phải thực hiện công khai các thông tin về quy hoạch để người dân biết, tham gia giám sát”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Thứ ba, tăng cường kiểm soát sử dụng đất đai, đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch, có kế hoạch. Các bộ, ngành liên quan và các địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, căn cứ vào nhu cầu của xã hội, yêu cầu phát triển và khả năng đáp ứng của nguồn lực nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo.

Đồng thời, phải lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư xây dựng, khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, phong trào, không có kế hoạch. Kiểm soát bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân.

Thứ năm, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật. Song song với đó, xây dựng cơ chế kiểm soát việc xác định giá đất bảo đảm công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, tránh thiệt hại cho Nhà nước. Có kế hoạch về vốn ngân sách Nhà nước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá đất.

Thứ sáu, có các giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được cử tri quan tâm như đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, khu kinh tế; cải tạo chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm tại các đô thị; chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, cơ sở đông người ra khỏi khu dân cư tập trung ở nội đô.

Thay vào đó bằng cơ cấu sử dụng đất hợp lý để tăng không gian công cộng cho người dân; rà soát quy hoạch, bảo đảm các không gian công cộng cho người dân; rà soát các công trình sử dụng nhiều đất đai để khắc phục tình trạng lãng phí đất đai; quy hoạch sử dụng không gian ngầm; nghĩa trang…; quản lý chặt chẽ việc người nước ngoài sử hữu nhà ở tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ bảy, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát sử dụng đất đai và phát triển đô thị. Trong đó, tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra, các dự án đầu tư phát triển đô thị. Xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ tám, tổ chức bộ máy quản lý đất đai, quản lý phát triển đô thị tinh gọn, hiệu quả. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý đất đai, phát triển đô thị.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, trong đó có vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp tại các địa phương, đặc biệt là vai trò của các vị ĐBQH và Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.