Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có văn bản chỉ đạo việc giao kinh phí thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định 994.
Phó Thủ tướng đồng ý bố trí vốn để giao TCT Đường sắt VN thực hiện nâng cấp, bổ sung hệ thống tín hiệu đường ngang có gác. Ảnh: Thi công đường ngang có gác tuyến đường sắt Bắc - Nam
Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý ý kiến của Bộ Tài chính về việc bổ sung từ nguồn dự toán chi các hoạt động kinh tế của ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ GTVT để giao cho Tổng công ty Đường sắt VN thanh quyết toán các công trình đường ngang đã thực hiện, hoàn thành từ năm 2017 - 2019 và thực hiện, hoàn thành nâng cấp, cải tạo 82 đường ngang đang thực hiện dở dang từ năm 2020 xong trong năm 2022.
“Bộ GTVT đặt hàng toàn bộ với Tổng công ty Đường sắt VN về việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu theo quy định đối với 566 đường ngang có người gác. Bộ Tài chính bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn để Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện từ năm 2022 và hoàn thành toàn bộ công tác này trong năm 2023”, văn bản chỉ đạo nêu rõ.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN đã báo cáo và trình cấp có thẩm quyền xem xét bố trí nguồn vốn năm 2021 để nâng cấp, cải tạo 82 đường ngang biển báo.
82 đường ngang biển báo này là số đường ngang còn lại thuộc dự án cải tạo, nâng cấp 452 đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động và đường ngang có gác, nhằm gia tăng thiết bị cảnh báo, ngăn chặn; đảm bảo ATGT đường sắt cho người và phương tiện qua đường ngang.
Doanh nghiệp này kiến nghị bổ sung khoảng 96 tỉ đồng và giao tổng công ty triển khai thực hiện. Cùng đó, bổ sung kinh phí để thanh quyết toán dự án hoàn thành đối với các công trình đã thực hiện đầu tư từ năm 2017 - 2019.
Tổng công ty Đường sắt VN cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền cân đối nguồn kinh phí phù hợp để triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư dự án sửa chữa, bổ sung đầy đủ tín hiệu đối với 566 đường ngang có người gác được xây dựng, khai thác từ nhiều năm trước nên chưa đảm bảo yêu cầu so với điều lệ đường ngang và các quy chuẩn mới ban hành.
Trên mạng lưới đường sắt, tổng số điểm giao cắt hiện có là 5.317 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt.
Trong đó, 1.512 đường ngang, chiếm tỉ lệ 28,4% tổng số giao cắt, gồm: 659 đường ngang có gác; 9 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động; 706 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động; 138 đường ngang phòng vệ biển báo.
Mặc dù thời gian qua, các đơn vị đường sắt, địa phương đã triển khai xóa lối đi tự mở qua đường sắt, nhưng số lối đi tự mở vẫn rất cao, hiện có 3.805 vị trí, chiếm tỉ lệ 71,6% tổng số giao cắt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận