Ngày 10/9, Phó thủ tướng Chính Phủ Hồ Đức Phớc và đại diện các bộ, ngành kiểm tra công tác phòng chống lụt, bão tại Thái Nguyên.
Không cho người dân qua khu vực nguy hiểm
Kiểm tra đập Ba Đa, địa điểm xung yếu nhất của tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị tỉnh Thái Nguyên bảo vệ an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân. Khi nước rút, huy động lực lượng, nhanh chóng làm sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ nhân dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Xúc động đón Phó thủ tướng trực tiếp đến thăm, động viên nhân dân bên chân đập Ba Đa, đại diện người dân bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Phó thủ tướng đã quan tâm, động viên, chăm lo, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân trong mưa lũ.
"Thiên tai là điều không ai muốn, đây là khó khăn chung, bà con sẽ cố gắng đoàn kết, nhường cơm sẻ áo để cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống", người dân chia sẻ.
Tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên, báo cáo với Phó thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết: Đây là trận lụt lịch sử, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã tập trung cả hệ thống chính trị để ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các bộ, ngành cũng kiến nghị với Trung ương xử lý một số vấn đề liên quan đến việc xử lý đê hữu sông Cầu để giúp tỉnh xử lý dứt điểm tình trạng ngập lụt trong tương lai...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang báo cáo tình hình giao thông thủy, bộ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận; đồng thời khẳng định ngành giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh sớm khắc phục tình hình sạt lở, ngập lụt trên các tuyến để khôi phục mạng lưới giao thông trong thời gian sớm nhất.
Qua khảo sát, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy Ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành cho rằng, tình hình vận tải và ATGT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, tỉnh cần hướng dẫn có các đơn vị kinh doanh vận tải và người dân chủ động phòng tránh các điểm ngập lụt để bảo đảm ATGT. Ngay khi lũ rút, cần tập trung rửa đường, khơi thông cống rãnh bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
Phó thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng tổ chức tốt công tác cảnh báo nguy hiểm, tuyệt đối không cho người dân đi qua những khu vực mất an toàn; tổ chức tốt công tác cứu trợ, không để người dân đói, rét vì mưa lũ. Phó thủ tướng cũng yêu cầu thành phố Thái Nguyên chuẩn bị các điều kiện để nhanh chóng xử lý các vấn đề sau mưa lũ.
Phó thủ tướng biểu dương tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt công tác phòng chống lụt bão, nhất là không để gây ra thiệt hại về người.
Phó Thủ tướng đề nghị chủ động thông tin, định hướng người dân, nhất là thông tin trên mạng xã hội, chủ động vệ sinh môi trường sau lũ.
Tiếp tục theo dõi nước dâng, kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở, không để làm ảnh hưởng đến đời sống, tài sản của nhân dân, kịp thời hỗ trợ nhân dân, nếu có khó khăn cần kịp thời báo cáo, đề xuất với Chính phủ, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân.
Tích cực khắc phục thiệt hại sau bão, nhất là hạ tầng lưới điện, viễn thông; tỉnh cần chủ động triển khai dự án nâng cấp thoát lũ sông Cầu bằng nguồn vốn địa phương, trung ương sẽ có hỗ trợ bằng nguồn vốn đầu tư công.
Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm phục hồi sản xuất, nhất là sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất công nghiệp.
Mưa lũ gây ngập úng diện rộng
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lũ, tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khá nghiêm trọng.
Tại TP Thái Nguyên, lực lượng chức năng tạm thời cấm người, phương tiện đi qua cầu Gia Bẩy, cầu Bến Tượng và cầu Mỏ Bạch. Bên cạnh đó, một số khu vực bị ngập sâu, cấm người và phương tiện lưu thông… Đặc biệt, trên địa bàn thành phố có 81 xóm, tổ dân phố của 17 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập sâu, trong đó có 20 xóm, tổ dân phố bị cô lập.
Mực nước sông Cầu dâng cao cũng đã gây ngập lụt trên diện rộng tại 8 xã ven sông ở huyện Phú Bình (gồm: Thượng Đình, Đào Xá, Bảo Lý, Nhã Lộng, Xuân Phương, Úc Kỳ, Nga My và Hà Châu). Tại TP Phổ Yên, khu vực Phú Cốc thuộc phường Tân Phú (gồm 4 tổ dân phố: Bến Cả, Đồng Lẩm, Đình Phú Cốc, Lợi Bến) với khoảng 400 hộ dân cũng bị ảnh hưởng khi mực nước sông Cầu dâng cao, nguy cơ xảy ra ngập lụt vùng ven sông, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân.
Mưa lớn còn gây ngập úng cục bộ, nguy cơ xảy ra sạt lở tại một số khu dân cư ở các xã Văn Lăng, Hóa Trung, Văn Hán, Khe Mo, Nam Hòa, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Mưa to và gió giật mạnh khiến mực nước ở nhiều sông, suối trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương và TP Sông Công dâng cao, gây ngập úng cục bộ; một số xã, thị trấn và trường học bị chia cắt; nhiều hộ dân phải di dời người, tài sản…
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực, các địa phương trong tỉnh đã và đang tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân sơ tán và di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm đến nơi an toàn.
Lãnh đạo các địa phương, các ngành chức năng trực tiếp đi kiểm tra tại những khu vực, công trình trọng điểm, xung yếu, như: Các công trình đê điều, vị trí, khu vực bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở cao; các khu vực bị ngập... để kịp thời chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận