Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo không được chủ quan khi ứng phó với bão số 4 |
Chiều nay (16/8), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 4 tại Thanh Hoá, nghe báo cáo tình hình triển khai các giải pháp ứng phó trên toàn tỉnh, đặc biệt tại tất cả các hồ, đập, các khu vực ven biển, các khu vực dễ xảy ra lũ ống, lũ quét.
Kêu gọi các tàu thuyền vào nơi tránh bão
Tại cuộc làm việc nhanh giữa Phó Thủ tướng với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng cho biết, tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền, tàu du lịch đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, hoặc không đi vào vùng nguy hiểm; tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để bảo đảm an toàn về người và tài sản.
“Cho đến thời điểm này, tỉnh đã kêu gọi tất cả các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Tỉnh cũng đã sẵn sàng phương án sơ tán hơn 15 ngàn người, trong đó có 8.061 người tại khu vực ven biển và 7.200 người tại các khu vực sạt lở nguy hiểm”, ông Xứng thông tin.
Tỉnh Thanh Hoá cũng đã chủ động tiêu nước đệm, chống ngập úng khu vực đô thị và sản xuất nông nghiệp; triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, khu vực đang xảy ra sự cố đê điều, hồ đập;…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi và phòng, chống ngập úng, chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ có thể xảy ra do ảnh hưởng của bão số 4.
Với các hồ đập, cần rà soát cẩn thận, không tích nước đối với những hồ không bảo đảm an toàn; với riêng Hồ thủy lợi – thủy điện Cửa Đạt, yêu cầu phải xả nước để duy trì cao trình dưới 105/110 m.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đi kiểm tra an toàn tại các hồ, đập |
Theo thứ trưởng bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng, đối với Hồ Cửa Đạt, cần tăng lưu lượng xả nước từ 1.200 lên 1.500 m3 giây để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ chứa.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng đề nghị tỉnh cần tăng cường kiểm tra tất cả các công trình đê, hồ thuỷ lợi – thuỷ điện trên địa bàn.
Phó tư lệnh Quân khu 4 cho biết, Quân khu đã chuẩn bị hàng trăm phương tiện, tất cả các đơn vị đều sẵn sàng cơ động đến các điểm xung yếu để hỗ trợ người dân ứng phó với các diễn biến bất thường của mưa lũ.
Tuyệt đối không chủ quan
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã tập trung chỉ đạo sát sao các phương án ứng phó với bão số 4.
Theo Phó Thủ tướng, đây là cơn bão có tốc độ gió không quá mạnh, nhưng không vì thế mà chủ quan. Đặc biệt, cơn bão này được dự báo sẽ gây mưa rất to sau khi đổ bộ.
“Phải tập trung ứng phó hiệu quả với cơn bão này, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân và nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, trước hết phải tập trung đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBNSD tỉnh trực tiếp chỉ đạo, rà soát các phương án ứng phó, không để bất kỳ tàu thuyền nào trong khu vực nguy hiểm; đảm bảo an toàn cho người dân khu vực ven biển, cửa sông. Tập trung chỉ đạo, sẵn sàng các phương án sơ tán dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4 tại cuộc làm việc nhanh với lãnh đạo tỉnh |
“Các cấp chính quyền, đặc biệt chính quyền cơ sở tuyệt đối không chủ quan, chủ động sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, nếu thấy cần thiết thì kiên quyết cưỡng chế người dân khỏi những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu tập trung đảm bảo an toàn hồ đập. Thanh Hoá có khoảng 600 hồ, đập, trong đó có khoảng 24 hồ không đảm bảo an toàn.
“Trước hết phải trực thường xuyên, kịp thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm để có giải pháp ứng phó kịp thời. Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, tỉnh Thanh Hoá phối hợp chặt chẽ, cân nhắc ý kiến của các cơ quan chuyên môn để chủ động có phương án xả nước phù hợp”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng phải rà soát các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho đê điều, bảo vệ sản xuất. Bảo đảm an toàn cho người dân ở các khu du lịch, các công trình dịch vụ, cơ sở hạ tầng trên địa bàn, công trình nhà ở của người dân… chủ động các giải pháp kịp thời tiêu nước để phục vụ sản xuất.
“Cần tập trung lực lượng, phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Các lực lượng tại chỗ của địa phương, lực lượng vũ trang sẽ là nòng cốt trong xử lý sự cố, tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận