Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ân cần hỏi thăm người dân Chư Pưh |
Sáng 24/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát; lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng nhiều bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã đến thị sát tình hình tại vùng “rốn” của hạn hán thuộc hai huyện Chư Pưh và Chư Sê (Gia Lai).
Chống hạn là nhiệm vụ chính trị hàng đầu
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Mỗi tỉnh trong khu vực phải ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về tình hình hạn hán hiện nay với các biện pháp cụ thể đối với địa phương, qua đó hướng dẫn nhân dân nắm được tình hình. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng cộng đồng đối phó với tình hình khốc liệt hiện nay. Về lâu dài, các bộ, ngành, địa phương phải điều tra, quy hoạch việc sử dụng nguồn nước ở Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng tặng hoa Giám đốc sở “trảm tướng” Ngày 24/3, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và tặng hoa cho ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai vì đã có nhiều hoạt động trong lĩnh vực đảm bảo ATGT tại địa phương trong thời gian gần đây. Phó Thủ tướng cho biết: “Đây là tình cảm của tôi đối với ông Nguyễn Hữu Quế, một lãnh đạo ngành Giao thông tại địa phương đã chịu khó, không quản ngày đêm giúp người dân, phát hiện tiêu cực trong lĩnh vực ATGT để chỉ đạo xử lý dứt điểm tiêu cực. Đơn cử như nửa đêm nhắn tin bắt nhà xe trả tiền lại cho hành khách vì thu vượt mức, thức đêm hôm để đi bắt xe quá tải…”. Theo Phó Thủ tướng, ông Quế là một cá nhân điển hình để các lãnh đạo nhìn nhận và noi theo. |
Phó Thủ tướng chỉ rõ: Trước mắt, phải vận động, tuyên truyền nhân dân sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nước cho sinh hoạt, vật nuôi và cây trồng. Các hồ thủy điện, thủy lợi phối hợp với các địa phương để tính toán xả nước. Hệ thống ngân hàng vào cuộc xem xét hoãn, giãn cho dân các khoản vay để vượt qua lúc khó khăn này. Để nhân dân không bị đói, Phó Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 4 tỉnh Tây Nguyên mỗi tỉnh 500 tấn gạo.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị quân đội có giải pháp hỗ trợ người dân, báo cáo Bộ Quốc phòng xem xét nếu vượt quá thẩm quyền của quân khu. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc phòng chống cháy rừng, chủ động kiểm tra, đánh giá thường xuyên, xuống tận cơ sở để nắm bắt tình hình, cuộc sống của người dân để có giải pháp kịp thời.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, mùa khô ở Tây Nguyên kéo dài đến hết tháng 4, hiện nay mực nước sông ở các tỉnh rất thấp. Hạn hán đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, khu vực Tây Nguyên có nhiều con sông lớn nhưng vào mùa mưa năm 2015, trên hầu hết các lưu vực sông ở miền Trung và Tây Nguyên đều không có lũ. Từ đầu năm 2016 đến nay, mực nước trên các sông ở khu vực Tây Nguyên xuống dần và ở mức thấp, nhiều hệ thống sông xuất hiện mực nước thấp lịch sử, lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20-50%, có nơi trên 60%.
Hiện tại, các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn Tây Nguyên có dung tích trữ chỉ còn 30-40% dung tích thiết kế, nhiều hồ đập thấp hơn cùng kỳ năm 2015.
Trên cơ sở kiến nghị của các tỉnh về cấp gạo cho người dân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, Bộ Tài chính sẵn sàng báo cáo Chính phủ cấp ngay cho các tỉnh Tây Nguyên mỗi tỉnh 500 tấn gạo để người dân không đói, khát trong thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, các tỉnh cần có phương án tiếp nhận, cấp phát gạo đúng đối tượng, bảo đảm chất lượng gạo khi cấp cho người dân sử dụng.
Cần xem lại chuyển đổi rừng
Trước đó, tại vùng “rốn” của hạn hán Chư Pưh (Gia Lai), báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo huyện Chư Pưh cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện đang xảy ra tình trạng khô hạn và thiếu nước sinh hoạt. Đã có 431,65 ha/510,5 ha lúa bị thiệt hại mất trắng, với 1.697 hộ bị thiệt hại. Hơn 164,6 ha cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu) của 157 hộ bị thiệt hại do không có nước tưới; 800 ha cây hồ tiêu, 1.000 ha cây cà phê đang khó khăn về nước tưới. Tổng thiệt hại do hạn hán gây ra trên 9,3 tỷ đồng.
Bộ NN&PTNT cho biết, hiện toàn Tây Nguyên đã có đến 95.000 ha cây trồng thiếu nước tưới. Trong khi đó, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn, mực nước chỉ còn 20-40%. Toàn vùng có 7.100 ha cây trồng đã dừng sản xuất do thiếu nước. |
Sau khi lắng nghe nguyện vọng của những hộ dân, khảo sát đập chứa nước Plei Thơ Ga, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị bà con nông dân cùng với chính quyền địa phương, nghiên cứu chuyển đổi cây trồng phù hợp, không nhất thiết cứ phải trồng lúa nước để rồi bị nắng hạn. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương xây dựng đập Plei Thơ Ga với dung tích chứa hơn 6 triệu m3 nước, kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng. Đập chứa nước hoàn thành sẽ giải quyết được lượng nước tưới cho cánh đồng lúa nước 200ha ở đây, hơn 1.000ha cây công nghiệp và nước sinh hoạt của người dân thị trấn Nhơn Hòa.
Sau khi khảo sát, kiểm tra tình hình hạn hán tại huyện Chư Pưh, Phó Thủ tướng đã đến thăm bà con ở xã H’Bông (huyện Chư Sê), một trong những xã khó khăn nhất về nước tưới và nước sinh hoạt của huyện. Trò chuyện với bà con, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ, chính quyền địa phương quyết không để nhân dân bị đói ăn, khát uống, không để xảy ra dịch bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận