TNGT giảm cả 3 tiêu chí
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh cho rằng, năm 2021, đất nước diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm và các sự kiện lớn, đặc biệt là Đại hội Đảng lần thứ XIII và bầu cử Quốc hội khóa 15, các sự kiện này đều liên quan đến công tác đảm bảo ATGT.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh khai mạc Hội nghị
9 tháng đầu năm, TNGT giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Kết quả này có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó đầu tiên phải kể đến là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, Bộ, ngành trong triển khai các chủ trương của Đảng, Chính phủ, các quy định của pháp luật, nhất là Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm giao thông lĩnh vực đường bộ.
Nguyên nhân khách quan, theo Phó Thủ tướng là do từ tháng 7 đến nay, để phòng chống dịch, nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội, làm giảm mật độ giao thông, qua đó giảm số vụ TNGT.
"Từ nay đến cuối năm, công tác phòng chống dịch có chuyển biến tích cực, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, sản xuất khôi phục, giao thông thông suốt trở lại. Đây chính là thách thức trong giảm TNGT những tháng cuối năm", Phó thủ tướng nói và yêu cầu tập trung bàn các giải pháp tiếp tục giảm TNGT, đặc biệt là giảm TNGT nghiêm trọng.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết 128 đã được Chính phủ ban hành, trong đó Chính phủ yêu cầu triển khai nhiều giải pháp vừa kiểm soát dịch tốt dịch bệnh vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa và hành khách. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương không dùng các biện pháp hạn chế, cản trở giao thông.
Nhiều địa phương còn cả nể, xuê xoa trong xử lý vi phạm - Ảnh minh họa
Còn cả nể trong xử lý vi phạm
Báo cáo tại Hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, 9 tháng đầu năm (tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/9/2021), toàn quốc xảy ra hơn 8.100 vụ TNGT, làm chết gần 4.200 người, bị thương hơn 5.600 người. So với cùng kỳ, giảm hơn 2.500 vụ, giảm 817 người chết và giảm hơn 2.200 người bị thương.
Trong số này, đường bộ vẫn là phương thức chiếm tỷ lệ cao với hơn 8.000 vụ, làm chết gần 4.100 người, bị thương hơn 5.600 người.
Phân tích nguyên nhân trên hơn 5.000 vụ, có hơn 20% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; hơn 10 % do chuyển hướng không chú ý; 3,18% do vi phạm tốc độ xe chạy; 4,11% do sử dụng rượu bia và hơn 52% là các nguyên nhân khác.
Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm có 51 tỉnh, thành phố có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ, trong đó 11 địa phương giảm trên 30%. Tuy nhiên, vẫn còn 9 địa phương có số người chết do TNGT tăng cao là Quảng Bình, Tiền Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Thái Bình, Kiên Giang, Hậu Giang, Điện Biên và Quảng Trị, trong đó, có 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là Điện Biên và Quảng Trị.
Khẳng định ATGT còn diễn biến phức tạp, mức độ giảm TNGT chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông; số vụ TNGT do nguyên nhân vi phạm quy định về nồng độ cồn có giảm nhưng vẫn còn nhiều vi phạm, ông Hùng nhấn mạnh: Vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Ông Hùng cũng dẫn ví dụ vụ TNGT tại Thanh Hóa, ngày 22/3/2021 làm 7 người tử vong; 2 vụ TNGT ngày 16/3/2021 tại Hòa Bình và Nghệ An làm 5 người chết và 3 người bị thương; vụ TNGT tại Phú Thọ ngày 21/9/2021 làm 5 người bị thiệt mạng...
Nguyên nhân, theo ông Hùng, bên cạnh việc một bộ phận người dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng về ATGT thì cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo công tác bảo đảm ATGT.
Có những địa phương vì quan tâm nhiều đến phục hồi phát triển kinh tế nên chưa quan tâm đến kiểm soát, xử lý hành vi chở quá tải; một số địa phương, địa bàn không thực hiện đồng bộ giữa phòng chống dịch và bảo đảm ATGT, vẫn còn tình trạng xuê xoa, cả nể khi xử lý vi phạm trong dịp Lễ, Tết.
"Có nơi áp dụng những biện pháp chưa phù hợp với quy định và hướng dẫn về kiểm soát dịch Covid-19 của Trung ương, dẫn đến ùn tắc giao thông, đứt gãy lưu thông hàng hoá, cản trở nhu cầu đi lại chính đáng của nhân dân, gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong hoạt động kiểm soát dịch", ông Hùng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận