Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh An Giang, chiều 27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện 3 dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê An
Nỗi lo thiếu vật liệu, giá thành cao
Tham dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, 3 tuyến cao tốc trục ngang: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu là các dự án trọng điểm, quy mô lớn. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo dự án của các tỉnh, thành kịp thời tháo gỡ các khó khăn, kiểm soát được tiến độ.
“Tôi đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy, ít nhất 2 tuần 1 lần, với giai đoạn trọng điểm thì hàng tuần họp giao ban để kiểm tra tiến độ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Tại hội nghị, các địa phương đã tập trung thảo luận, nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị giải pháp để đẩy nhanh tiến độ của 3 dự án đường cao tốc.
Trong đó, khó khăn lớn nhất đó là khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giá vật liệu đến chân công trình mỗi địa phương không đồng nhất..., đặc biệt là tình trạng khan hiếm nguồn cát.
Báo cáo của các địa phương cho thấy, các tỉnh, thành hiện đã tiếp nhận đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 3 tuyến dự án cao tốc từ các Ban quản lý dự án; thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.
Ông Lê Quang Mạnh, Bí Thư Thành ủy TP Cần Thơ cho biết, đối với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, TP đã trình và được HĐND thành phố thông qua nghị quyết phân bổ vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với số tiền hơn 1.060 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ có kế hoạch triển khai và giao nhiệm vụ cụ thể đến các sở, ngành để thực hiện các bước tiếp theo của dự án.
Quang cảnh Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện ba dự án đường bộ cao tốc. Ảnh: Lê An
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ bày tỏ sự quan ngại về nguồn cung các vật liệu như: cát, đá... trên địa bàn khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu thi công dự án cao tốc.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển vật liệu xây dựng đến chân công trình hiện nay tại các tỉnh khu vực ĐBSCL, trong đó có 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua chưa có sự thống nhất. Một số tỉnh đã ban hành giá cước từ năm 2012, không còn phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tổ chức họp chuyên đề về vật liệu cát để đánh giá cụ thể về khả năng cung ứng nguồn cát. Từ đó có những giải pháp, chỉ đạo để đảm bảo chất lượng, công trình.
Mỏ vật liệu quyết định tiến độ, chất lượng, giá thành dự án
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, Nghị quyết của Trung ương đặt mục tiêu đến 2025 phải có 3.000km đường cao tốc, năm 2030 phải có 5.000km.
Với nhu cầu như vậy, mục tiêu trong vòng 4 năm tới phải hoàn thành 2.000km cao tốc. Đây là một nhiệm vụ khó khăn nhưng phải quyết tâm làm bằng được.
Phó Thủ tướng nhận định, ĐBSCL là vùng có động lực phát triển kinh tế lớn, nhưng hạ tầng giao thông còn yếu, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Do đó, đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo của các Bộ, ngành để triển khai thực hiện không chỉ 3 tuyến cao tốc này mà sắp tới còn có 9 tuyến cao tốc khác.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: "Mỏ vật liệu xây dựng quyết định 3 yếu tố, 1 là chất lượng công trình, 2 là tiến độ, và giá thành của dự án". Ảnh: Lê An
Phó Thủ tướng nêu rõ, phát triển mạng lưới cao tốc được xác định là một trong những động lực góp phần phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.
Hiện Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, các địa phương cần phải tích cực và chủ động hơn nữa trong việc triển khai các bước tiếp theo.
Về vấn đề mỏ vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng công trình.
“Mỏ vật liệu xây dựng quyết định 3 yếu tố, 1 là chất lượng công trình, 2 là tiến độ, và giá thành của dự án. Đáng lý ra chúng ta nên lấy mỏ điểm A nhưng lại lấy mỏ điểm B thì giá thành rất cao. Hoặc nếu không kiểm soát kỹ chất lượng thì rất khó.
Tôi đề nghị các cơ quan tư vấn phải tăng cường khảo sát các mỏ, tính toán giá thành. UBND các tỉnh, thành được giao nhiệm vụ đầu tư, ngay từ bây giờ phải chủ động phối hợp trong việc khảo sát các mỏ vật liệu”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Đối với đơn vị tư vấn giám sát, Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng tiến độ triển khai dự án, khung chính sách một cách cụ thể; Thực hiện song song vừa thiết kế, vừa cắm mốc GPMB, đảm bảo đến tháng 6/2023 GPMB được 70%.
Về việc lựa chọn nhà thầu, Phó Thủ tướng lưu ý phải chọn được nhà thầu có kinh nghiệm, có thực lực để thực hiện dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận