Ngày 9/10, tại Trung tâm Văn hóa hội nghị tỉnh Sóc Trăng diễn ra hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sớm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho các tỉnh ĐBSCL
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, tỉnh Sóc Trăng hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển về kinh tế - xã hội, nhất là về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và ven biển, nhất là sau khi có cảng Trần Đề.
Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng là một đầu mối giao thông quan trọng trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Phó thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng quan tâm, khẩn trương tập trung tổ chức triển khai quy hoạch.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, tỉnh Sóc Trăng cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại.
Trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.
Để đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tỉnh Sóc Trăng phối hợp Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Phó thủ tướng đề nghị bộ, ngành Trung ương tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 của các địa phương theo nhiệm vụ được phân công.
Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho các tỉnh ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng.
Phó thủ tướng cũng đề nghị: "Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ cho ý kiến, thẩm định, trình phê duyệt các dự án đầu tư theo thẩm quyền của Trung ương để sớm triển khai, đưa các công trình, dự án vào sử dụng, góp phần vào phát triển chung của quốc gia cũng như các địa phương".
Phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh khá của vùng ĐBSCL
Theo Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25/8/2023 về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, tỉnh Sóc Trăng sẽ khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược ven biển quan trọng và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng ĐBSCL.
Đây sẽ là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề.
Đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL.
Trong đó, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại…
Tỉnh Sóc Trăng cũng phấn đấu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn khoảng 14.000 tỷ đồng.
Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 27%; Công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 35%; Dịch vụ đạt khoảng 30%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-3%/năm; Trong đó, giảm tỉ lệ hộ Khmer nghèo 3-4%/năm...
Phát triển mạng lưới giao thông vận tải liên vùng
Về đường bộ theo quy hoạch tuyến đường bộ quốc gia: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, quốc lộ 1, quốc lộ 60, quốc lộ 61B, quốc lộ 91B (đường Nam sông Hậu), đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường bộ ven biển…
Về đường thủy nội địa, đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng. Hình thành các tuyến vận tải thủy liên tỉnh, liên huyện, gồm: Tuyến cửa Định An - Campuchia, tuyến duyên hải TP.HCM - Cà Mau, tuyến Cần Thơ - Cà Mau...
Phát triển cảng hành khách, hàng hóa, gồm: Cảng Sóc Trăng, cảng Long Hưng, cảng Ngã Năm, cảng Cái Côn, cảng Trần Đề. Ưu tiên theo hình thức xã hội hóa.
Về hàng không, nghiên cứu phát triển sân bay chuyên dùng có tiềm năng tại Trần Đề để phục vụ nhu cầu bay cá nhân, du lịch, cứu hộ cứu nạn.
Về hàng hải, đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển khu bến cảng biển Trần Đề phù hợp với năng lực của nhà đầu tư và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu trở thành cảng biển đặc biệt.
Chú trọng cải tạo, nâng cấp các tuyến luồng chính bao gồm luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận