Tiếp tục chương trình công tác tại miền Tây, chiều 11/5, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với các địa phương phía Nam về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực.
Sớm gỡ nguồn vật liệu cát đắp, đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vật liệu cát đắp là vấn đề hết sức quan trọng, cần sớm được giải quyết để đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia.
Từ đây, Phó thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương báo cáo cụ thể về nhu cầu nguồn vật liệu cát cho các dự án đang triển khai tại khu vực phía Nam, nêu rõ các khó khăn, vướng mắc.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, giai đoạn 2021-2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ triển khai thi công 16 dự án giao thông trọng điểm được áp dụng chính sách đặc thù cho việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án này khoảng 70 triệu m3. Đến nay đã xác định được nguồn cung 37 triệu m3, còn thiếu 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn. Trong đó, đủ điều kiện khai thác là 18,3 triệu m3.
Về cát biển, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay, Bộ TN&MT đã hoàn thành dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL. Hiện kết quả đã được bàn giao cho tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng khoảng 145 triệu m3. Việc khai thác số cát này để cung ứng cho các dự án là khả thi.
Thông tin thêm, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, địa phương không có khả năng quản lý khai thác ngoài khơi. Từ đó, ông Lâu kiến nghị Phó thủ tướng chỉ đạo giao cảnh sát biển là đơn vị quản lý đối với nguồn tài nguyên này.
"Ngoài ra, theo Nghị quyết 106 của Quốc hội, không có quy định chính sách đặc thù đối với hoạt động khai thác cát biển để làm vật liệu phục vụ cho cao tốc. Nghị quyết chỉ nêu 21 danh mục dự án được áp dụng cơ chế đặc thù. Việc áp dụng cơ chế đặc thù để khai thác cát biển phục vụ cho cao tốc, như vậy cơ sở pháp lý có đảm bảo hay chưa?", ông Lâu băn khoăn và bày tỏ mong muốn Phó thủ tướng và các Bộ quan tâm, giúp đỡ, sao cho việc triển khai thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh rủi ro về sau.
Dự án cao tốc nào đang thiếu cát, chuyển hết sang sử dụng cát biển
Kết luận tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: "Cát biển cấp cho dự án cao tốc là nằm trong cơ chế đặc thù". Vì vậy, các địa phương có cát biển triển khai các thủ tục cung cấp mỏ cát biển phục vụ cho dự án cao tốc áp dụng theo cơ chế đặc thù.
"Hiện nay các dự án cao tốc nào đang thiếu cát, Bộ GTVT chuyển hết sang sử dụng cát biển, không làm cát sông nữa", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà quyết liệt.
Về cấp phép khai thác mỏ, theo Phó thủ tướng, chủ đầu tư, nhà đầu tư, người đi khai thác là những đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên trước pháp luật.
"Nếu muốn kiểm tra, yêu cầu họ cung cấp về thiết kế khai thác, công suất. Cần thiết có thể thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để giám sát. Chúng ta có thể hoàn toàn tính toán công suất một ngày khai thác được bao nhiêu mét khối cát", Phó thủ tướng nói và gợi ý, có thể ký kết phối hợp với Bộ, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra.
"Các đồng chí cần xem việc việc cung cấp cát cho các dự án là nhiệm vụ chính trị. Quá trình cấp thủ tục, khai thác làm việc theo đúng quy định pháp luật. Với các mỏ đang hoạt động, vì lý do nào đó mà tạm dừng, cần khẩn trương đánh giá lại trữ lượng, lập thủ tục đánh giá tác động môi trường và cấp lại giấy phép khai thác đối với các mỏ", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận