Năm 2019, số người chết vì TNGT giảm sâu nhất kể từ năm 2014. Số người chết do TNGT năm nay đã được kéo xuống bằng con số của năm 2000, khi mà từ đó tới nay, số lượng phương tiện đã tăng tới 9 lần. Nhân dịp đầu năm mới Canh Tý 2020, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình về kết quả rất đáng khích lệ này.
Một bức tranh với gam màu tươi sáng là chủ đạo
Xin Phó Thủ tướng cho độc giả Báo Giao thông được biết những đánh giá của mình về công tác đảm bảo trật tự ATGT trong những năm qua?
Từ năm 1997 đến năm 2002, số vụ TNGT, số người thiệt mạng và số người bị thương đều tăng rất nhanh, năm sau cao hơn năm trước cùng với sự gia tăng của số lượng phương tiện cơ giới đường bộ.
Năm 2002 là năm có TNGT cao nhất với gần 28.000 vụ, hơn 13.000 người thiệt mạng và khoảng 31.000 người bị thương. Từ năm 2003 đến năm 2006, TNGT đã bắt đầu được kiềm chế. Nhưng đến năm 2007, TNGT lại tăng cao trở lại với trên 13.000 người thiệt mạng.
Nghị quyết 32 năm 2007 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt là thực hiện thành công quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy đã góp phần quan trọng để giảm TNGT từ năm 2008 đến 2011.
Năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 88 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT với những giải pháp đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GTVT, tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.
Năm 2012, lần đầu tiên, chúng ta giảm được số người thiệt mạng vì TNGT xuống dưới 10.000 người và năm 2014, con số này giảm xuống còn 9.000 người.
Đến năm 2019, lần đầu tiên kể từ 2014, chúng ta đạt được mục tiêu giảm số người chết do TNGT trên 5%.
Năm nay, toàn quốc xảy ra trên 17.000 vụ TNGT, làm chết trên 7.600 người, bị thương trên 13.000 người.
So với năm 2018, chúng ta đã kéo giảm được gần 600 người chết do TNGT, bằng 7,15%, số vụ TNGT và số người bị thương cũng được kéo giảm tương tự. Như vậy, số người chết do TNGT năm nay đã được kéo xuống bằng con số của năm 2000, trong khi số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp 9 lần.
Trong nhiều năm qua, toàn Đảng, toàn dân đã dành nhiều sự quan tâm đến nhiệm vụ đảm bảo ATGT. Một nhiệm vụ nghe đơn giản nhưng đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng hết sức nhân văn, làm sao cho mỗi người đều có thể được trở về nhà sau mỗi ngày học tập và làm việc, sum họp bên gia đình.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình trao 10 triệu đồng trích từ Quỹ Chung tay vì ATGT của Báo Giao thông cho thân nhân nạn nhân TNGT tại sự kiện đi bộ kêu gọi "Đã uống rượu bia không lái xe".
Vậy đâu là nguyên nhân giúp chúng ta có được những thành quả này, thưa Phó Thủ tướng?
Đầu tiên chúng ta phải kể đến đó là sự lãnh đạo toàn diện của Ban Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, kịp thời, quyết liệt từ Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT.
Từ công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật về TTATGT, xây dựng văn hoá giao thông với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, kết hợp các phương tiện thông tin đại chúng với tổ chức các sự kiện truyền thông lớn, kêu gọi người dân thực hiện hành động “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, “Đội MBH cho trẻ em”, đã tạo được sức lan toả rất lớn trong xã hội, tạo sự đồng thuận để Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng như tiếp tục duy trì tỷ lệ đội MBH rất cao khi đi mô tô, xe máy.
Những sự kiện chính trị xã hội lớn, thu hút người dân tham gia giao thông rất đông đảo, như việc chào đón đội tuyển bóng đá U23 nam giành Huy chương Bạc châu Á, giành Huy chương Vàng SEAGames đều diễn ra an toàn, mang lại sự phấn khởi và củng cố niềm tin của nhân dân vào công tác bảo đảm TTATGT.
Về hạ tầng, việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1 giúp mỗi năm giảm được 500 người chết do TNGT trên tuyến quốc lộ huyết mạch của đất nước. Hạ tầng giao thông được cải thiện, mặt đường êm thuận do kiểm soát tốt xe quá tải, các điểm đen TNGT, lối đi tự mở được quyết liệt xử lý.
Cùng đó, tái cơ cấu vận tải được đẩy mạnh bằng việc nâng cao chất lượng đối với tuyến vận tải ven biển, giảm phụ thuộc vào đường bộ. Năm 2018 đã có gần 35.000.000 tấn hàng được vận tải bằng loại hình này, tương đương với hơn 1.000.000 chuyến xe tải, hoặc hơn 50.000 chuyến tàu hỏa. Đây là giải pháp chiến lược trong kéo giảm TNGT và khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm.
Đồng thời, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được tăng cường phối hợp nhiều lực lượng với chủ công là CSGT, tập trung vào các hành vi vi phạm có nguy cơ TNGT cao, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, không đội MBH khi đi mô tô, xe máy.
Ngoài ra, những thiết bị công nghệ hiện đại để giám sát, xử lý vi phạm như hệ thống camera, thiết bị giám sát hành trình cũng từng bước được đưa vào sử dụng.
Bên cạnh những gam màu tươi sáng nêu trên, Phó Thủ tướng có thể giúp độc giả nhận rõ hơn những mảng màu tối trong bức tranh về công tác bảo đảm TTATGT trong những năm qua?
Đúng vậy, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây ra.
Trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý đối tượng này hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát và các đợt khám sức khoẻ bắt buộc, tỷ lệ còn thấp so với thực tế. Tình trạng chủ xe khoán trắng cho lái xe thông qua doanh thu theo đầu phương tiện vẫn còn phổ biến, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp khi có lái xe gây TNGT chưa được xử lý.
Tình trạng xe dù, bến cóc tăng mạnh, gây mất ATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng.
Kế đến là việc xử lý đối với người vi phạm ATGT thiếu cương quyết, thậm chí có tiêu cực trong một bộ phận lực lượng thực thi công vụ. Ngoài ra, việc thanh, kiểm tra, quản lý chất lượng đào tạo sát hạch, ngăn chặn bằng giả, GPLX giả vẫn còn chưa quyết liệt.
Thưa Phó Thủ tướng, năm 2020, năm đầu tiên của thập kỷ mới sẽ có thay đổi gì trong đảm bảo trật tự ATGT?
Năm 2020 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Quốc hội vừa ban hành, vì vậy Ủy ban ATGT Quốc gia đã quyết định lựa chọn chủ đề của Năm ATGT 2020 là “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” với trọng tâm là tuyên truyền để nhân dân hiểu được nội dung và ý nghĩa nhân văn của các quy định trong Luật, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Luật đồng thời tập trung xử lý triệt để những hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Ngay cuối tháng 12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định mới, thay thế cho Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, trong đó tập trung tăng nặng chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT như: Vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, lùi xe trên đường cao tốc…
Đồng thời chuyển sang xử phạt hành chính những vi phạm mà trước đây chỉ là xử lý theo quy định về điều kiện kinh doanh vận tải.
Năm 2020, trọng tâm về ứng dụng công nghệ thông tin mà ngành Công an và các địa phương thực hiện sẽ là ưu tiên đầu tư, lắp đặt hệ thống camera giám sát để xử phạt nguội.
Một điểm đáng chú ý nữa là Chính phủ quy định rõ hơn việc sử dụng dữ liệu do người dân cung cấp để xử phạt vi phạm hành chính và giao cho Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện.
Đồng thời, trong Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã ban hành trong tháng 1/2020, Chính phủ cũng quy định cụ thể về việc kết nối, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở dữ liệu thiết bị giám sát hành trình xe ô tô giữa ngành GTVT, Công an và Tài chính.
Bên cạnh đó, trong Nghị định mới này, Chính phủ quy định lộ trình bắt buộc phải gắn camera giám sát hoạt động của lái xe và bên trong xe đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ ngồi trở lên và xe chở container.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đội MBH cho học sinh trường THCS Nguyễn Thị Một, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Giao thông thông minh: Giải pháp đột phá cho tương lai ATGT
Phó Thủ tướng hình dung thế nào về bức tranh ATGT 10 năm tới?
Đầu tiên chúng ta phải kể đến đó là sự lãnh đạo toàn diện của Ban Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, kịp thời, quyết liệt từ Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT.
Hạ tầng giao thông tốt có vai trò to lớn trong đảm bảo ATGT, từ nền tảng pháp lý được hoàn thiện như tôi nói trên, kết cấu hạ tầng giao thông sẽ được đầu tư theo hướng hiện đại.
Sẽ có nhiều tuyến đường cao tốc mới được hình thành, điển hình như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giao thông chiến lược Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ chuyển sang loại đường này.
Môi trường tham gia giao thông sẽ an toàn hơn vì hiện nay số vụ TNGT trên đường cao tốc chỉ chiếm 0,7% tổng số vụ tai nạn.
Sân bay Long Thành được đưa vào sử dụng để giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu thị phần vận tải trên các trục giao thông trọng điểm chiến lược quốc gia, các vùng, miền theo hướng tăng thị phần vận tải đường thuỷ, vận tải ven biển, hàng không và đường sắt, kéo giảm thị phần vận tải đường bộ, loại hình có nguy cơ TNGT cao nhất, thông qua đó giúp nâng cao an toàn, giảm ùn tắc giao thông trên mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia.
Trong các đô thị lớn, việc hoàn thiện các tuyến giao thông chính và mạng lưới đường sắt đô thị gắn với hiện đại hoá dịch vụ vận tải xe buýt, taxi người dân sẽ có lựa chọn an toàn, thuận tiện để đi lại bằng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Nghị định 100 có hiệu lực chưa đầy 1 tháng nhưng với chế tài rất nặng, ý thức của người tham gia giao thông đã được nâng lên rõ rệt, TNGT cũng vì vậy mà giảm rất đáng kể.
Đặc biệt là với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật vào công tác quản lý, điều hành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải cũng như giám sát, phát hiện xử lý vi phạm, giao thông chắc chắn sẽ an toàn, thông suốt hơn.
Việc đầu tư và đưa vào vận hành các trung tâm điều hành GTVT thông minh sẽ giúp nâng cao chất lượng vận tải công cộng, hỗ trợ điều tiết phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời cung cấp thông tin để người tham gia giao thông đi lại thuận tiện hơn.
Song song với các trung tâm điều hành là các cơ sở dữ liệu lớn của ngành giao thông, đất đai, xây dựng, du lịch sẽ được xây dựng, chia sẻ và sử dụng chung sẽ giúp nâng cao chất lượng, giảm thời gian trễ trong quy hoạch, kiểm tra, giám sát quá trình thực thi quy hoạch, đảm bảo sự cân đối hợp lý giữa nhu cầu vận tải với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng.
Đồng thời, những ứng dụng công nghệ sẽ giúp phương tiện giao thông thông minh hơn, những tính năng tự phát hiện, phòng, tránh va chạm giữa xe với xe, giữa xe với người và giữa xe với kết cấu hạ tầng giao thông sẽ giúp giao thông ngày càng an toàn.
Việc triển khai kết cấu hạ tầng giao thông và các ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước thu thập thông tin nhanh chóng, chính xác và đầy đủ, nâng cao khả năng chia sẻ, kết nối và phối hợp liên ngành hiệu quả hơn trong triển khai thực hiện các chương trình đảm bảo ATGT.
Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao hiệu lực và tính minh bạch trong giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm TTATGT, giảm áp lực trực tiếp lên lực lượng thực thi công vụ và giữ gìn uy tín, hình ảnh của lực lượng bảo vệ pháp luật, củng cố niềm tin của nhân dân và sự nghiêm minh của pháp luật.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông thông minh, mạng internet và viễn thông di động chất lượng ngày càng cao sẽ giúp nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hoá giao thông.
Hệ thống giám sát giao thông thông minh sẽ giúp người dân lựa chọn những tuyến đường đi thuận lợi hơn.
Hoàn thiện nền tảng pháp lý cho công tác bảo đảm TTATGT
Để đạt được những điều như Phó Thủ tướng vừa nói, chúng ta cần những giải pháp gì?
Triển khai Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 12 về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 trong đó xác định mục tiêu hàng năm kéo giảm từ 5-10% số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương do TNGT so với năm trước; từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn, các trục giao thông trọng điểm và các đầu mối giao thông chính và 8 nhóm giải pháp trọng tâm.
Đây cũng sẽ là những định hướng chủ đạo để Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục nghiên cứu và xây dựng Chiến lược bảo đảm TTATGT đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Ở đây có thể thấy rằng, muốn tạo lập cơ sở vững chắc để thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm TTATGT thì công việc hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về TTATGT có ý nghĩa nền tảng. Việc này đã và đang được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt các bộ, ngành thực hiện.
Ví dụ đầu tiên là trong năm 2019, Chính phủ trình và Quốc hội đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia với quy định rất tiến bộ và nhân văn là tuyệt đối nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Từ ngày 1/1/2020 quy định mới này bắt đầu có hiệu lực trên cả nước.
Như đã nêu trên, trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 Chính phủ đã ban hành 2 nghị định rất quan trọng liên quan đến bảo đảm ATGT trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô và xử lý vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ và đường sắt.
Năm 2020 là năm mà các bộ, ngành, địa phương tổ chức lập quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch và Nghị định 37/2019/NĐ-CP.
Đây chính là cơ hội để lồng ghép mục tiêu và các giải pháp dài hạn, chiến lược về bảo đảm TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông vào các quy hoạch.
Đồng thời, năm 2020 Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành xây dựng Luật GTĐB mới, thay thế cho Luật GTĐB 2008.
Hạ tầng giao thông tốt có vai trò to lớn trong đảm bảo ATGT (Trong ảnh Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).
Trong Luật mới sẽ hoàn thiện đầy đủ hơn các quy định về kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải, người tham gia giao thông, phương tiện giao thông đường bộ… đặc biệt là bổ sung những quy định về hệ thống giao thông thông minh, hệ thống điều hành GTVT đô thị, quy định về việc tham gia của các nền tảng kỹ thuật số trong quản lý, điều hành kinh doanh vận tải; phân định lại nhiệm vụ của các bộ, ngành, chính quyền địa phương theo đúng chức năng, chuyên môn; đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang chỉ đạo sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để bổ sung các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm TTATGT, điều chỉnh lại thẩm quyền của các lực lượng chức năng phù hợp với tình hình mới.
Trong những năm tiếp theo, Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để trình Quốc hội một chương trình xây dựng Luật, tạo nền tảng pháp lý vững chắc, minh bạch, hiện đại cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong đó có công tác bảo đảm TTATGT.
Cuối cùng, nhân dịp toàn đảng, toàn dân, toàn quân đang chào đón mùa xuân mới, Xuân Canh Tý, tôi thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi tới toàn thể độc giả Báo Giao thông và gia đình lời chúc mừng năm mới an khang, hạnh phúc và tham gia giao thông tuyệt đối an toàn.
Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận