Phải đánh giá đúng tồn tại
Phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo ATGT năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 với các địa phương do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức vào sáng nay (28/12), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình cho biết, năm 2019 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, TNGT đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đặc biệt, đây là năm thứ 3 liên tiếp số người thương vong do TNGT giảm; và là năm giảm sâu nhất trong vòng 20 năm qua.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đánh giá, hiện vẫn còn nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. TNGT đường sắt, đường thủy vẫn diễn biến phức tạp. Vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích vẫn gia tăng.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, ngay trong sáng nay, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phát động Lễ ra quân ATGT năm 2020, trong đó đặt ra mục tiêu quyết tâm cam kết thực hiện kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Ngay đầu năm 2020, một số văn bản pháp luật liên quan sẽ có hiệu lực thi hành như: Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính thay thế Nghị định 46; Nghị định quản lý kinh doanh vận tải thay thế Nghị định 86. Đây là các văn bản rất quan trọng trong công tác đảm bảo ATGT.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phải đánh giá đúng, đủ các tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo ATGT 2019 và đưa ra phương hướng, giải pháp hiệu quả để kéo giảm TNGT trong năm 2020, trước mắt là Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2020.
Vẫn còn nhiều TNGT nghiêm trọng
Báo cáo tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT cho biết, năm 2019 (từ ngày 16/12/2018 - 14/12/2019) toàn quốc xảy ra trên 17.000 vụ TNGT, làm chết trên 7.600 người, bị thương trên 13.000 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm trên 1.200 vụ, gần 600 người chết, trên 1.200 người bị thương. Năm 2019, có mức giảm số người chết sâu nhất kể từ năm 2014 đến nay. Sau 20 năm, số người chết do TNGT năm nay đã được kéo xuống bằng con số của năm 2000, trong khi số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng gấp 9 lần.
Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, tình hình ATGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhất là tai nạn liên quan đến xe chở khách, xe tải nặng, tai nạn do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên; trong khi việc kiểm tra, phát hiện, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào hoạt động tuần tra, kiểm soát và các đợt khám sức khoẻ bắt buộc, tỷ lệ còn thấp so với thực tế.
Điển hình như vụ lái xe container dương tính với ma tuý đâm vào 21 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ ở Long An làm chết 4 người, bị thương 19 người. Hay vụ lái xe tải đã sử dụng ma tuý đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang ở Hải Dương làm chết 8 người, bị thương 7 người. Vụ lái xe say rượu gây TNGT trong hầm Kim Liên, cướp đi sinh mạng của 2 người phụ nữ...
Cũng theo ông Hùng, hiện vẫn còn tình trạng chủ xe khoán trắng cho lái xe thông qua doanh thu theo đầu phương tiện, đặc biệt là đối với lái xe ô tô tải. Tình trạng “xe dù, bến cóc” tăng mạnh, gây mất ATGT, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách tuyến cố định.
Nguyên nhân của thực trạng trên được ông Hùng chỉ ra là do quản lý nhà nước về giao thông vận tải còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; phát triển vận tải công cộng và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân ở các đô thị lớn còn quá chậm trễ; ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm và manh mún.
“Có nơi, có chỗ hiệu lực thực thi pháp luật ATGT còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý lái xe, dữ liệu về ATGT giữa ngành Công an và GTVT”, ông Hùng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận