Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm ATGT giai đoạn 2011 - 2015 - Ảnh: Tạ Tôn |
Trong 5 năm qua, với nhiều giải pháp quyết liệt, số người chết do TNGT đã giảm hơn 12.000 người. Tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác bảo đảm ATGT giai đoạn 2011 - 2015, định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra sáng 8/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần nỗ lực hơn nữa để kéo giảm số người chết vì TNGT xuống 5.000 người mỗi năm.
5 năm, giảm hơn 12.000 người chết do TNGT
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cho biết, so về số người thiệt mạng do TNGT giữa hai nhiệm kỳ 2006 - 2010 và 2011-2015 đã giảm từ 60.423 người xuống 47.897, tức giảm được 12.526 người chết.
Tại các địa phương giai đoạn 2010 - 2014 và 10 tháng đầu năm 2015, có 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì TNGT bốn năm liên tiếp. Đặc biệt trong số này, ba địa phương giảm trên 45% số người chết. Có 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì TNGT ba năm liên tiếp. Tuy nhiên, vẫn còn ba địa phương chỉ giảm được một năm số người chết vì TNGT trong một năm là: Thừa Thiên - Huế; Vĩnh Long; Sơn La.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen cho 11 tập thể và 12 cá nhân; Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia tặng Bằng khen cho 87 tập thể và 37 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo trật tự ATGT 5 năm 2010 - 2015. |
Đánh giá kết quả tích cực trên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực trong công tác bảo đảm ATGT của các cấp, ngành và các địa phương. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý số người chết do TNGT được kéo giảm dưới 9.000 người/năm so với nhiệm kỳ trước là đáng quý, nhưng không thể chủ quan, lơ là. “Số người chết như vậy vẫn còn cao. Hội nghị cần đưa ra những kinh nghiệm, giải pháp để kéo giảm TNGT những năm tiếp theo. Mục tiêu những năm tới phải giảm số người chết do TNGT xuống dưới 5.000 người”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu tất cả các địa phương đều phải tiếp tục giảm TNGT từ 5 - 10%.
Cùng đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tổ chức hạ tầng giao thông tốt hơn nữa. “Chúng ta đã có nhiều tuyến đường khởi công xây dựng mới kéo giảm ùn tắc và TNGT. Cần có hội nghị chuyên đề về ATGT trên đường cao tốc. Tổ chức trong đô thị cần làm tốt công tác quản lý đô thị văn minh hơn không để nhà cao tầng mọc ở trung tâm thành phố. Cần sửa Luật Ngân sách để các địa phương chủ động hơn trong công tác đảm bảo ATGT tại địa phương mình”, Phó Thủ tướng nói.
Làm gì để kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông?
Chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo ATGT, ông Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, địa phương đã thành lập các tổ cắt thành thùng xe tại chỗ, đặc biệt thành lập các tổ tuần lưu đảm bảo ATGT. Lãnh đạo tỉnh, công an tỉnh thường xuyên đột xuất kiểm tra trên các tuyến đường, đến nay các điểm “nóng” xe quá tải như Khu kinh tế Vũng Áng đã được kiểm soát. “Để kiểm soát tốt tải trọng xe, đảm bảo ATGT, cần có sự đồng bộ, tránh tình trạng xe qua tỉnh này nhưng đến tỉnh khác thì bị bắt”, ông Khánh nói.
Dù số vụ ùn tắc tại các đô thị lớn như: Hà Nội và TP HCM được đánh giá đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), năm qua vẫn còn hơn 677 trường hợp ùn tắc giao thông trên 1 giờ chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM. Nguyên nhân do lượng phương tiện giao thông quá lớn.
Để giảm ùn tắc, theo Thiếu tướng Hà, cần di dời các bệnh viện, trường học, xí nghiệp ra khỏi nội đô là giải pháp tối ưu. Bên cạnh đó, cân đối lượng phương tiện giao thông, quỹ đất dành cho giao thông bởi hiện nay quỹ đất cho giao thông tại các đô thị lớn rất hạn hẹp.
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đặt mục tiêu trong thời gian tới tiếp tục kéo giảm ùn tắc tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút. Cùng đó, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng kiến nghị các Bộ, ngành liên quan tích cực triển khai thực hiện công tác di dời bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, nhà máy và khu hành chính... ra khỏi trung tâm thành phố theo quy hoạch nhằm giảm lưu lượng phương tiện.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, Hà Nội đang phải chịu áp lực giao thông rất lớn. Để giảm được ùn tắc, Hà Nội đẩy mạnh phát triển vận tải khách cộng cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị để giảm phương tiện cá nhân. Thành phố đã có kế hoạch hạn chế xây dựng nhà cao tầng, di chuyển các nhà máy, xí nghiệp, trường học ra khỏi nội đô để giảm lưu lượng phương tiện.
“Dù vậy, để làm được rất khó và phức tạp”, ông Hùng nói và mong nhận được sự quan tâm tiếp tục của Chính phủ và các địa phương để đảm bảo ATGT.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cũng chung quan điểm và khẳng định, đến thời điểm này, thành phố chưa di dời được một bệnh viện, trường học nào ra khỏi nội đô. Các bộ, ngành khác cũng có kế hoạch nhưng đều chưa di dời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận