Chuyện dọc đường

Phòng chống tác hại rượu bia: Không để “trên nóng, dưới lạnh”

26/12/2019, 07:02

Quan trọng nhất để Luật Phòng chống tác hại rượu bia đi vào cuộc sống là phải có cơ chế giám sát thật tốt.

img
CSGT TP HCM kiểm tra nồng độ cồn lái xe tải. Ảnh: Vĩnh Phú

Để đưa bất cứ một điều luật mới nào thực thi trong cuộc sống cũng đều phải trải qua một quá trình rất dài. Với Luật Phòng chống tác hại rượu bia cũng vậy, ngay từ khi Quốc hội thông qua, nhiều câu hỏi “hoài nghi” cũng được đặt ra.

Tuy nhiên, với tình trạng lạm dụng rượu bia vô tội vạ, nhất là TNGT liên quan đến bia rượu quá nhức nhối, việc ban hành Luật là rất cần thiết. Vấn đề là chúng ta phải có kế hoạch để thực thi, triển khai vào thực tế như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất.

Theo tôi, quan trọng nhất để Luật Phòng chống tác hại rượu bia đi vào cuộc sống là phải có cơ chế giám sát thật tốt, đặc biệt là giám sát việc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia, các hộ cá thể tự nấu, bán rượu và ngăn chặn rượu “lậu”.

Nhiều nước trên thế giới, phải mang thẻ căn cước đi mua rượu để chứng minh mình đủ 18 tuổi trở lên. Chúng ta khó quản lý được hết, nhưng có thể kiểm tra theo điểm, theo kỳ và thưởng, phạt rõ ràng theo pháp luật.

Đối với trường hợp xúi giục, lôi kéo uống rượu, bia, về “lệ”, làng, xã, địa phương cần có hương ước, mô hình tuyên truyền phù hợp. Ví dụ, tại Nghệ An, có làng ra những quy ước thôn quê trong đó ghi rõ: Đám tang, đám cưới không rượu và thuốc lá.

Các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng chế tài cụ thể, nhà hàng, sự kiện (cưới hỏi, ma chay) nào để xảy ra tình trạng lôi kéo, chuốc nhau rượu bia đến say, phải xử lý từ hộ kinh doanh/cá nhân đến cán bộ chính quyền địa phương.

Đối với việc sản xuất và kinh doanh rượu bia, đây rõ ràng là hoạt động kinh tế, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật, phải đăng ký và được cấp phép. Nếu chúng ta thả lỏng, các làng rượu cổ truyền dần dần thành nơi sản xuất rượu “độc”.

Song, khó nhất là trường hợp nấu rượu gia đình để dùng, nhưng sẵn sàng bán ra bên ngoài, hàng quán thấy rẻ hơn là mua về kiếm lời, còn người dân thì tiện đâu mua đó. Việc này yêu cầu cải thiện toàn bộ mạng lưới từ sản xuất đến buôn bán và tiêu dùng. Quán rượu phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và người nấu rượu phải tham gia các tổ hợp có giấy phép.

Thực tế, tại địa phương, nhà nào nấu rượu cả làng đều biết. Nhưng để không có tình trạng nấu rượu “chui”, bán rượu “lậu”, việc xử lý phải “không có vùng cấm”, nể nang. Người dân cũng cần phát huy tinh thần tố giác, không phải vì ganh ghét, đố kỵ mà là cùng nhau thượng tôn pháp luật, xây dựng môi trường sống an toàn.

Muốn làm được điều này, hệ thống pháp luật khi xây dựng, ban hành phải gắn trách nhiệm với từng tổ chức, cán bộ. Địa phương nào để “lọt” tình trạng buôn bán rượu, bia không đăng ký, không chỉ xử lý trách nhiệm từ người đứng đầu hay bộ phận phụ trách giám sát mà còn phải cắt mọi quyền lợi trong các phong trào thi đua. Việc nêu gương điển hình trong phòng chống buôn bán rượu “lậu” cũng cần được tiến hành kịp thời.

Trước đây, quy định cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo ban hành năm 1994 gặp phải vô số ý kiến phản đối vì nó gắn với văn hóa truyền thống, gắn với sản xuất, kinh doanh nhiều làng nghề. Quy định đội MBH khi tham gia giao thông cũng đã gặp nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, sau hàng chục năm thực hiện, chứng kiến một xã hội ổn định về trật tự, những vụ tai nạn, thương vong giảm bớt, dần dần cả xã hội ủng hộ.

Từ đó có thể thấy, một quy định mới để thu được kết quả đòi hỏi trước hết là sự vào cuộc quyết liệt, liên tục của cả hệ thống công quyền, các cơ sở giáo dục, cơ quan truyền thông, không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, khi người dân thấy được cái lợi sẽ tự nguyện thực thi pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.