Xe máy ngang nhiên đi vào đường Vành đai 3 trên cao |
Xe máy tranh đường ô tô
Anh Nguyễn Hữu Huy (Yên Nghĩa, Hà Đông) thường xuyên lưu thông trên đường Vành đai 3 (VĐ3) trên cao để đi từ trường Đại học Thăng Long về Bến xe Mỹ Đình cho biết: "Nhiều phen đang lái xe trên 60 km/h mà tá hỏa khi gặp tốp thanh niên phóng xe máy ngược chiều, lao vun vút, cua dọc, cua ngang, uốn éo trên đường cao tốc dành riêng cho ô tô rất nguy hiểm".
Người điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy đi vào tuyến đường cao tốc có biển báo cấm là vi phạm Điểm e, Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 171của Chính phủ, bị xử phạt từ 200 - 400 nghìn đồng. Trường hợp người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc mà gây tai nạn còn bị tước quyền sử dụng GPLX hai tháng. |
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, tình trạng hàng loạt xe máy, xe ba bánh và người đi bộ phớt lờ biển cấm, ung dung đi lên đường VĐ3 trên cao diễn ra phổ biến. Tại nút dẫn lên xuống trên đường Khuất Duy Tiến, gần một tiếng đồng hồ quan sát, chúng tôi chứng kiến hơn 20 trường hợp vi phạm. Vào giờ cao điểm, dù dòng xe ô tô lưu thông không ngớt nhưng nam thanh niên điều khiển xe máy BKS 29F5 - 5505 chở thùng hàng cồng kềnh phía sau vẫn cố lạng lách, giành đường của ô tô và lao vun vút. Chưa đầy một phút sau, xe máy BKS 29Y4 - 1753 chở ba thanh niên, không đội MBH, chở theo hàng hóa cồng kềnh tiếp tục lao từ đường cao tốc xuống. Đồng thời, lái xe ôm BKS 30X2-8002 trả khách ngay dưới chân đường dẫn lên cao tốc.
Tương tự, khu vực lên xuống cao tốc tại ngã tư Bách hóa Thanh Xuân giao với đường Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, dù các dòng ô tô đã ken cứng, chiếc xe máy mang BKS 22B1-282.18 vẫn cố lao lên. Đi được một đoạn, chiếc xe này va chạm với xe ba gác từ chiều ngược lại trên đường cao tốc đi xuống.
Trung tá Lê Văn Tiến - Đội trưởng Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay đã xảy ra 5 vụ TNGT tại đường trên cao, khiến 3 người chết, trong đó 4 vụ liên quan đến xe máy.
Ô tô trả khách ngay trên đường trên cao |
Ngang nhiên trả khách trái phép
Cùng với tình trạng người đi xe máy, xe ba bánh "vô tư" chạy trên đường VĐ3 trên cao, tại các nút ra, vào cao tốc này, không ít xe khách đường dài cố tình tạt ngang, tạt dọc đón trả khách. Người đi bộ trên cầu lên xuống nhộn nhịp như một bến xe khách. Kéo theo đó, đội ngũ xe ôm hùng hậu, ngang nhiên đi ngược chiều lên cầu, bất chấp biển cấm để chèo kéo khách.
Trên đoạn qua Nguyễn Xiển, chúng tôi thậm chí còn bắt gặp 5 thanh niên bế theo trẻ nhỏ ung dung đứng trên cao tốc. “Tôi đang chờ để đón người nhà đi xe khách từ Thái Bình lên. Tôi vẫn thường xuyên đợi người nhà ở đây, chẳng sao đâu”, một người trong nhóm thản nhiên nói.
Khoảng 15 phút sau, xe khách BKS 29P-0157, tuyến cố định Thái Bình - Bến xe Mỹ Đình ngang nhiên dừng trả khách trên đường cao tốc. Đồng thời, xe taxi lập tức ghé sát chèo kéo khách.
Chứng kiến cảnh các phương tiện đi vào đường cấm, anh Hoàng Lâm - nhân viên bảo vệ shop quần áo trên đường Khuất Duy Tiến tỏ ra bất bình: “Xe máy cứ thốc ga lao lên đường này suốt, có thấy CSGT nào xử lý đâu”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trung tá Nguyễn Văn Tài (Đội trưởng Đội Tuyên truyền giao thông Hà Nội) cho biết, tình trạng các phương tiện bị cấm vẫn đi lên đường trên cao diễn ra phổ biến. Xe máy đi ngược chiều, các xe khách vẫn dừng ở các điểm mở, xe ôm đua nhau lên đón trả khách,…
Đại úy Tạ Ngọc Khánh (Đội Tham mưu tổng hợp - Phòng PC67 CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP Hà Nội) cũng thừa nhận, tình trạng các phương tiện cấm đi lên đường VĐ3 gần đây tăng nhiều so với trước, nhất là lối lên tại đường Nguyễn Xiển. “Hiện tại chúng tôi đang có kế hoạch xử lý quyết liệt các vi phạm trên đường trên cao, giao cho ba đội: 6, 7, 14 bố trí lực lượng tăng cường, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, Đại úy Khánh nói.
Lê Tươi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận