Dễ thấy nhất là đường 23/10, nối trung tâm TP Nha Trang với QL1, cũng là tuyến đường tập trung nhiều nhà xe tuyến cố định trên địa bàn thành phố.
Ghi nhận của PV ngày 22/4, tại nhà xe Đức Lộc (số 94 đường 23/10), chuyên chạy tuyến Nha Trang - Phan Rang (Ninh Thuận), đông nghẹt khách trong phòng chờ di chuyển. Cứ khoảng 30 phút lại có một xe 16 chỗ ghé vào đón khách. Bám theo xe BKS 79B-019.46 từ nhà xe chạy ra QL1, PV ghi nhận cứ được một đoạn, xe lại tấp vào lề vẫy và đón khách lên xe. Chạy trên đường 23/10 gần 5km, xe bất ngờ rẽ vào bến xe phía Nam Nha Trang. Phụ xe cầm một cuốn sổ nhỏ, chạy vào trong bến. Chỉ vài phút sau, người này lại ra và xe tiếp tục hành trình.
Xe này vừa đi, chiếc xe 16 chỗ khác có logo nhà xe Đức Lộc BKS 79B-020.60 cũng vừa đến. Vừa đi vừa thả khách trên đường 23/10 rồi nhanh chóng chạy về nhà xe tiếp tục thực hiện lộ trình mới.
Cách đó vài chục mét, nhà xe Hương Khuê (chạy tuyến Nha Trang - Buôn Ma Thuột) cũng tấp nập không kém. Lộ trình chuyến xe này chạy vào trung tâm thành phố, theo đường 2/4 để ra phía Bắc Nha Trang. Ghi nhận của PV, trong suốt hành trình, các xe liên tục dừng đón khách, nhất là tại các nút giao 2/4 - Nguyễn Khuyến, 2/4 - Nguyễn Xiển...
Rầm rộ nhất là tuyến Nha Trang - Tuy Hòa (Phú Yên) và tuyến Nha Trang - Đà Lạt (Lâm Đồng). Tìm hiểu của PV, nhiều nhà xe sử dụng xe VIP Limousine (xe 16 chỗ cải tạo thành 10 chỗ) đón khách tận nhà, vòng vo nhiều tuyến phố nội thị. Ban ngày hoạt động của các xe chặng ngắn, đêm xuống là các xe có lộ trình dài, trong đó chủ yếu là 2 tuyến Nha Trang - TP HCM, Nha Trang - Đà Nẵng. Các xe chặng này phần lớn là xe giường nằm.
Bên cạnh việc đưa đón khách tại bến xe, nhiều nhà xe lại thực hiện việc này ngay tại trung tâm thành phố. Tập trung nhiều nhất tại khu vực bờ kè Sông Cái (đường xóm Cồn) hoặc trong các con đường nội bộ khu đô thị Lê Hồng Phong.
Trước đó, kể từ ngày 1/2, TP Nha Trang cấm tất cả các phương tiện ô tô vận tải hành khách tuyến cố định lưu thông trên các tuyến đường trung tâm. “Áp lực giao thông trên địa bàn TP Nha Trang rất lớn và đã quá tải, nếu thêm lượng phương tiện chở khách chạy tuyến cố định vào trung tâm, nhất là đón trả khách dọc đường sẽ gây xung đột giao thông và dẫn đến ùn ứ”, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa lý giải.
Cũng theo ông Dần, thực tế khi Sở cấp giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, biểu đồ tuyến chạy không có các tuyến nội thị (chỉ cho phép từ điểm tập kết đến bến), tuy nhiên, nhiều nhà xe không thực hiện. Không những thế, hiện nay, nhiều xe hoạt động tuyến cố định “núp bóng” xe hợp đồng gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.
“Qua theo dõi có hơn 80 phương tiện là xe hợp đồng thường chạy tuyến cố định”, ông Dần nói và cho biết, trong năm 2018, chỉ tính riêng xe khách giường nằm hoạt động tại Nha Trang, lực lượng TTGT đã kiểm tra, xử phạt hơn 270 trường hợp với tổng số tiền 440 triệu đồng. Các lỗi vi phạm thường thấy như: Không có phù hiệu, chạy không đúng lộ trình, đi vào đường cấm...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận