Đường bộ

Phu đường thời công nghệ số

26/01/2023, 06:00

Báo cáo hư hỏng, nhận chỉ đạo sửa chữa đường qua mail, qua mạng xã hội không còn xa lạ đối với công nhân đường bộ.

Nhờ công nghệ, nghề “phu đường” bớt nhọc nhằn hơn.

“Giải quyết việc trong một nốt nhạc”

img

Anh Phương báo cáo hư hỏng đường qua điện thoại di động

Không khí lạnh tràn về những ngày cuối năm gây mưa rả rích suốt đêm ngày. Mưa không to nhưng kèm với không khí lạnh khiến người ta ngại ra đường.

Nhưng trên cung đường Hồ Chí Minh, tuần đường Thái Anh Phương (Hạt QLĐB Đông Hiếu, đóng ở xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) vẫn cần mẫn bám tuyến.

Vừa đi, anh vừa kể, quê ở Hà Tĩnh, nhưng lấy vợ ở Nghĩa Đàn, Nghệ An rồi sinh sống ở đây luôn. Năm 2004, anh xin vào làm công nhân tuần đường tại Hạt QLĐB Đông Hiếu.

Gần 20 năm tuần đường, anh không nhớ mình đã đi bao nhiêu nghìn km trên cung đường 45km mà hạt quản lý. Chỉ biết rằng, ngày mưa hay ngày nắng, mùa Hạ hay mùa Đông, anh đều bám tuyến.

Đang bước đi, anh bỗng khựng lại. Tại Km 652+180 vừa phát sinh một điểm tập kết rác ngay trên hành lang tuyến.

Lập tức, anh giở sổ ra ghi chép, rồi lấy 1 tờ giấy A4 viết lý trình, vấn đề phát sinh, chụp hình và gửi lên nhóm Zalo.

Anh kể, trước đây, công nhân đi từ sáng, ghi chép lại tất cả các điểm phát sinh. Trưa về mới ngồi tổng hợp lại rồi gửi báo cáo cho hạt và cấp trên.

Bây giờ, phát sinh vấn đề gì, ở đâu, chỉ cần chụp ảnh gửi lên nhóm Zalo là từ lãnh đạo Hạt cho đến Văn phòng đại diện và thậm chí là lãnh đạo Khu đều biết rõ, từ đó có những chỉ đạo xử lý kịp thời.

“Trước đây, cũng có báo cáo nhưng chủ yếu là báo cáo qua điện thoại. Nhưng ở miền núi, sóng chập chờn nên việc báo cáo không được kỹ càng, lãnh đạo cũng khó hình dung.

Còn báo cáo bằng văn bản, từ lúc gửi đi đến lúc nhận được chỉ đạo cũng mất cả ngày, thậm chí cả tuần”, anh Phương nói và cho hay, mọi chuyện giờ đã khác.

Chẳng hạn, như đợt mưa bão vừa qua, khi phát hiện cầu Khe Xài 2 bị sạt lở mố cầu, ngay sau khi anh báo cáo bằng hình ảnh, lãnh đạo Khu đã có chỉ đạo để “giải quyết việc trong một nốt nhạc”.

Tiết kiệm thời gian, chi phí

Cũng theo anh Phương, bên cạnh ứng dụng các nền tảng mạng xã hội vào công việc, hạt còn áp dụng phần mềm RMMS (Phần mềm hệ thống quản lý bảo trì đường bộ).

Thông qua phần mềm này, mọi sửa chữa, thay đổi… trên tuyến đều được cập nhật và thông tin thông suốt từ hạt cho đến Cục Đường bộ VN. Vì vậy, việc nắm bắt, quản lý cũng chặt chẽ hơn, tránh việc gian lận của kỹ sư, công nhân.

Ông Trần Quang Thanh, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II cho hay, trước đây, việc trao đổi thông tin giữa các bộ phận chủ yếu theo phương pháp truyền thống, dẫn đến chất lượng bảo trì đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Khi áp dụng phần mềm, tính tương tác giữa người trực tiếp tại hiện trường là tuần đường, nhà thầu quản lý tuyến đường và chủ đầu tư được nhanh chóng.

Qua vài thao tác, từ đơn vị bảo trì đến cơ quan quản lý đều biết sự việc và đưa ra hướng xử lý.

Theo ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường bộ VN, đơn vị quản lý đường cập nhật lên hệ thống các tồn tại, hư hỏng được coi như đã báo cáo.

Ngành đường bộ trong những năm qua đã có sự thay đổi đáng kể.

Máy móc thiết bị hiện đại trong xây dựng, sửa chữa cầu đường đã giải phóng dần sức lao động cho những công nhân.

Tuy vậy, cuộc sống của những công nhân đường bộ còn khá vất vả, quanh năm suốt tháng, bất kể ngày mưa rét lạnh, ngày hè nắng nóng, họ vẫn lặng lẽ đi dọc theo chiều dài cung đường kiểm tra từng lý trình, góp phần giúp cho huyết mạch giao thông thông suốt. Gian nan là thế, vất vả, nặng nhọc, nguy hiểm là vậy, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền


Dùng điện thoại thông minh, lãnh đạo vào hệ thống dữ liệu sẽ thấy được tình trạng hệ thống đường bộ cả nước, ngày hôm đó có bao nhiêu sự cố được phát hiện và tình trạng giải quyết của các đơn vị.

“Chỉ đạo xử lý sẽ được đưa ra kịp thời mà không cần chờ báo cáo như trước đây”, ông Điệp nói.

Dẫn chứng đợt bão lũ vừa qua trên địa bàn các tỉnh miền Trung, ông Điệp phân tích, thay vì phải gọi điện thoại hay đến tận hiện trường, qua hệ thống, lãnh đạo Cục sẽ thấy được các tình huống hư hỏng, sạt lở hay tắc đường và cách xử lý của các đơn vị. Nếu thấy việc xử lý tình huống chưa hợp lý hay phối hợp chưa tốt sẽ có điều chỉnh kịp thời.

Trước đây, thủ tục để sửa chữa mất cả tháng nên khó ngăn chặn hư hỏng kịp thời, khối lượng phát sinh lớn, tốn kém kinh phí.

Việc cập nhật vào hệ thống dữ liệu sẽ theo dõi được lịch sử tình trạng cầu đường, biết được tình trạng hư hỏng để dự trù ngân sách.

Quan trọng nhất là giúp minh bạch hóa việc lập kế hoạch bảo trì, thay được việc lập các đoàn “rồng rắn” đi kiểm tra hàng tháng trời...

“Trong bối cảnh ngân sách chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu cho duy tu, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống quốc lộ trên toàn quốc, việc ứng dụng công nghệ mới giúp giảm giá thành, đặc biệt là tăng tuổi thọ công trình”, ông Điệp nói.

Có kế hoạch cụ thể từ chi tiết dữ liệu

Việt Nam hiện có hơn 25.000km và hơn 4.000 cầu lớn nhỏ. Để bảo trì hệ thống hạ tầng này, hàng năm ngân sách phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá, việc từng bước áp dụng thiết bị, công nghệ mới đã tăng hiệu quả trong quản lý, bảo trì đường bộ, chất lượng công việc, giảm giá thành do tiết kiệm chi phí nhân công.

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ VN cho biết, phần mềm có tính năng giao việc, kiểm soát tiến độ, chất lượng công việc bảo trì đường bộ, hỗ trợ thu thập thông tin, nắm bắt kịp thời các sự cố đột xuất xảy ra để đưa ra phương án xử lý.

Hệ thống giống như sổ điện tử, hồ sơ công trình sẽ được thay bằng hồ sơ điện tử.

“Qua hệ thống phần mềm quản lý tài sản đường bộ, dữ liệu của các đơn vị quản lý đường đã được chuyển lên bản đồ số, qua đó cơ quan quản lý nhanh chóng đánh giá được thực trạng bảo trì trong bức tranh giao thông của cả nước”, ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tài sản đường bộ dùng kỹ thuật số để thu thập và tích hợp quản lý 32 trường dữ liệu tài sản có trên đường bộ như: Tình trạng mặt đường, độ gồ ghề mặt đường, rãnh, cọc tiêu, biển báo, cầu, cống...

Hiện các tài sản trên đường cơ bản đã được định vị trên nền bản đồ số, quản lý được tọa độ từng loại.

“Từ dữ liệu chi tiết đó sẽ có kế hoạch bảo trì cụ thể. Ví dụ gối cao su cầu 20 năm phải thay, hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ tổng hợp sang năm sau có bao nhiêu gối cầu trên hệ thống quốc lộ đủ thời hạn phải thay để đề xuất trong kế hoạch”, ông Toàn cho hay.

Kết nối Chính phủ điện tử

Theo ông Tô Nam Toàn, hệ thống phần mềm quản lý tài sản đường bộ cũng sẽ kết nối với Chính phủ điện tử, cung cấp dữ liệu tổng hợp như: Tải trọng khai thác, kết cấu mặt đường, tốc độ khai thác... lên trục dữ liệu chung của Bộ GTVT và kết nối với cơ sở dữ liệu chung của Chính phủ.

Người dân, doanh nghiệp có thể vào khai thác dữ liệu tại đây. Hệ thống cũng hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công như cấp giấy phép thi công, cấp giấy phép chở quá khổ, quá tải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.