Một khóa học đào tạo nữ tài xế tại Careem |
Chỉ còn vài tháng nữa (tháng 6 tới), rào cản cấm lái xe sẽ được dỡ bỏ, phụ nữ Saudi Arabia không chỉ rục rịch học lái, mua xe mà còn chuẩn bị lấn sân vào ngành nghề trước nay chưa bao giờ dám nghĩ tới, đó là hợp tác với các nhà khai thác ứng dụng đặt xe qua điện thoại thông minh.
Hàng nghìn phụ nữ Saudi Arabia muốn trở thành tài xế
Theo dữ liệu thống kê từ hai công ty đặt xe qua điện thoại Uber và Careem tại Saudi Arabia, lượng khách hàng nữ chiếm 80% tổng khách hàng của Uber tại Saudi và 70% tổng khách của Careem, công ty có trụ sở tại Dubai với giá trị khoảng 1 tỉ USD.
Con số trên phản ánh thực tế các dịch vụ như Uber chính là cứu cánh cho phụ nữ tại Arab Saudi khi luật pháp không cho phép họ tự độc lập đi lại.
Từ trước đến nay, các ứng dụng trên đều chỉ hợp tác với các tài xế là nam. Nhưng từ tháng 9/2017 vừa qua, sau khi Hoàng gia Saudi công bố nghị quyết gây chấn động - sẽ dỡ bỏ lệnh cấm điều khiển phương tiện đối với phụ nữ, cả hai hãng đã chuẩn bị để hợp tác với các tài xế nữ. Trong đó, Careem dự định thuê hơn 10 nghìn lái xe nữ tính đến tháng 6/2018.
Để biến kế hoạch thành hiện thực, Uber và Careem đã mở nhiều khóa đào tạo gồm các tiết học dài 90 phút, tại TP Riyadh, Jeddah và Al Khobar, cho phụ nữ Saudi đã có bằng lái xe có giá trị khi ở nước ngoài.
Tại Careem, các khóa học này do nhân viên nữ người Saudi làm việc hành chính của hãng giảng dạy. Người tham gia sẽ được học về Luật Giao thông tại Saudi, kỹ năng phục vụ khách hàng và cách sử dụng nền tảng ứng dụng này.
Hãng có trụ sở tại Dubai đã nhận hàng nghìn đơn xin làm việc từ phụ nữ Saudi muốn trở thành tài xế - ông Elyas cho biết. Những người hoàn thành khoá đào tạo này sẽ nhận được chứng chỉ, đảm bảo có thể gia nhập đội ngũ Careem, kể cả khi Luật Giao thông của Saudi có thay đổi, Giám đốc quản lý quan hệ quốc tế Careem, ông Murtadha Alalawi cho biết.
Trong khi đó, Uber đã thông báo kế hoạch mở các cơ sở tuyển dụng các nữ tài xế tương lai. Tổng giám đốc Uber tại Saudi Arabia, ông Zeid Hreish cho biết, Uber đã mở các khoá học cho phụ nữ tại Thủ đô Riyadh và đã có không ít nhân vật có ảnh hưởng bao gồm CEO Dara Khosrowshahi của Uber tham gia.
Những khóa đào tạo này nhằm định hình những ưu tiên của công ty và kế hoạch sắp tới cho phụ nữ tại Vương quốc này, đồng thời giải quyết các vấn đề mà phụ nữ có thể gặp phải khi lái xe.
Giúp giảm tỉ lệ thất nghiệp
Kế hoạch này được Uber và Careem thực hiện một cách thận trọng vì xã hội bảo thủ của Saudi Arabia rất nhạy cảm về vấn đề giới tính. Chẳng hạn, Careem cho biết, họ đề ra quy định những xe do tài xế nữ điều khiển sẽ chỉ phục vụ riêng đối tượng gia đình hoặc hành khách là nữ. Họ cũng cung cấp thêm lựa chọn gọi xe giấu mặt để không tiết lộ số điện thoại của hành khách và tài xế nhằm bảo vệ sự riêng tư.
Những biện pháp an toàn như vậy đã được nhiều phụ nữ vốn thèm khát được tự do tại Saudi ủng hộ như cô Amani Alawwami, 28 tuổi, nhân viên ngân hàng. Cô là một trong những người đầu tiên gia nhập khóa học của Careem từ tháng 10 vừa rồi.
“Trước đây, phụ nữ tại Saudi cần có đàn ông để giúp đỡ nhu cầu đi lại tối thiểu nhất, hơn nữa, nơi tôi sống, dịch vụ taxi địa phương không sẵn có”, Alawwami chia sẻ.
Cô Alawwami đã được cấp bằng lái khi du học tại các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). “Tôi muốn tham gia dịch vụ để giúp đỡ những người phụ nữ cần đi lại. Chưa kể, cảm giác được trở thành nữ tài xế đầu tiên tại đất nước này thật là tuyệt vời”, nữ nhân viên ngân hàng cho biết.
Ngoài phục vụ mục đích mở rộng đối tượng khách hàng của công ty, Uber và Careem hy vọng, hoạt động tuyển dụng phụ nữ làm tài xế của họ sẽ hỗ trợ nỗ lực giảm tỉ lệ thất nghiệp của Chính phủ. Theo Tổng cục Thống kê Saudi, tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức khoảng 12,8%.
Ông Elyas cho hay, một tài xế của Careem lái xe ở hạng thấp nhất, trong 8 tiếng một ngày có thể kiếm 1.600 USD đến 2.100 USD/tháng. Dù con số này ít hơn thu nhập trung bình hàng tháng tại đây là 2.640 USD/tháng nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ Saudi.
Từ giữa năm 2016, Quỹ Đầu tư công của Saudi đầu tư 3,5 tỉ USD vào Uber, đánh dấu mức đầu tư cao nhất vào một công ty tư nhân trong bối cảnh họ tìm cách đa dạng hoá các loại hình kinh tế khi giá dầu đang giảm.
Đa dạng hóa kinh tế là một trong những trụ cột trong chiến lược Tầm nhìn 2030 của Vương quốc Saudi được thông báo năm 2016 do Thái tử Mohammed bin Salman, 32 tuổi đề ra nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, tăng tỉ lệ có việc làm của người trẻ Saudi. Hơn 1 triệu người Saudi đang tìm kiếm việc làm, theo Tổng cục Thống kê Saudi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận