Xã hội

Phụ xe lập “Buýt thiện tâm” làm thiện nguyện

18/02/2017, 15:32
image

Chàng trai trẻ Đinh Xuân Thủy dành công sức và tiền bạc giúp đỡ những mảnh đời khốn khó.

IMG_3783

Đinh Xuân Thủy (ngoài cùng hàng thứ hai từ trái) cùng các thành viên nhóm “Buýt thiện tâm” đến thăm và trao quà cho người cao tuổi tại trại phong Sóc Sơn trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Ngoài công việc phụ xe trên tuyến buýt số 15, chàng trai trẻ Đinh Xuân Thủy còn dành công sức và tiền bạc giúp đỡ những mảnh đời khốn khó.

Đinh Xuân Thủy sinh năm 1996, hiện là phụ xe trên tuyến buýt số 15 - Xí nghiệp Xe buýt Hà Nội. Khác với bạn bè đồng trang lứa, sau khi tốt nghiệp cấp III, Thủy quyết định không thi đại học mà nộp hồ sơ đăng kí thi tuyển phụ xe, đồng thời lập ra nhóm “Buýt thiện tâm” để vận động, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Phụ xe buýt có tấm lòng thiện nguyện

Theo chia sẻ của Thủy, “hội buýt thiện tâm” được thành lập vào tháng 5/2016 với hoạt động chính là kêu gọi quyên góp tiền của, quần áo dành tặng cho người vô gia cư tại những bệnh viện, bến xe trên địa bàn Hà Nội. “Tôi đã tham gia các hoạt động thiện nguyện từ khá lâu và hiểu nếu một mình không thể giúp đỡ được nhiều người. Do đó, tôi lập ra nhóm “Buýt thiện tâm” để cùng các bạn trẻ khác làm thiện nguyện”, Thủy chia sẻ

Khi mới thành lập nhóm “Buýt thiện tâm” chỉ có vỏn vẹn 3 thành viên, đến nay, nhóm đã có hơn 20 bạn trẻ tham gia. Kinh phí hoạt động đều do thành viên trong nhóm đóng góp. Ngoài ra, Thủy cũng thông qua mạng xã hội để kêu gọi thêm các mạnh thường quân ủng hộ. Thủy cho biết, tiền lương phụ xe buýt mỗi tháng được gần 5 triệu đồng. Thủy gửi 3 triệu đồng cho gia đình, số tiền còn lại để chi tiêu xăng xe, sinh hoạt và các công tác thiện nguyện. Hoạt động của nhóm “Buýt thiện tâm” chủ yếu dựa vào tinh thần tự nguyện, tùy tâm. Mỗi khi nhận được thông tin về những người cần giúp đỡ, Thủy lên kế hoạch cho cả nhóm rồi phát động quyên góp ủng hộ. Trung bình mỗi người sẽ đóng 100 nghìn đồng để mua bánh, sữa và các vật dụng cần thiết khác. Nếu ai có điều kiện có thể đóng góp thêm để hỗ trợ các suất quà dành cho người nghèo.

Hàng tháng, nhóm duy trì đều đặn 2-3 buổi đi tặng quà từ thiện. Trong mỗi buổi đi tặng quà, Thủy cùng các thành viên trong nhóm chuẩn bị khoảng 40-50 suất quà, mỗi suất gồm 2 bánh và 1 sữa. Nhóm cũng gom những bộ quần áo ấm còn mới của bạn bè để tặng cho những người vô gia cư. Mỗi buổi đi phát quà thường bắt đầu từ lúc 23h. Nhóm thường đến những nơi tập trung nhiều người vô gia cư như: Ga Hà Nội, phố Tràng Thi gần bệnh viện Việt Đức, chợ Đồng Xuân... Có những hôm đến tận 3h sáng hôm sau mới về tới nhà. Ngoài hoạt động tặng quà cho người vô gia cư, Thủy cùng nhóm thiện nguyện thường đến thăm hỏi, trao quà cho các cụ già sống tại trại phong Sóc Sơn. Các suất quà bao gồm gạo, mì chính, gia vị, đường, bánh sữa, cao sao vàng, dầu gió… dành tặng cho 10 cụ đang sinh sống tại đây.

Phút trải lòng về công việc “làm dâu trăm họ”

14055103_740402765610_4177529397247503499_n

Đinh Xuân Thủy trên tuyến buýt số 15.

Nói về cơ duyên gắn bó với nghề phụ xe buýt, Thủy tâm sự: “Ba năm cấp III, mình thường xuyên sử dụng xe buýt tới trường. Rồi tình yêu với xe buýt cứ thế lớn dần lên. Giờ Thủy trở thành phụ xe buýt cũng được hơn 2 năm. Công việc mới nghe tưởng đơn giản: Bán vé xe, kiểm soát vé tháng, nhắc nhở, sắp đặt vị trí chỗ ngồi, ổn định trật tự trên xe, trực tiếp đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến xe, tận tình phục vụ hành khách với thái độ ân cần nhất. Thế nhưng, đằng sau đó là sự căng thẳng, vất vả của mỗi cuộc hành trình, là sự nỗ lực rất lớn của mỗi lái, phụ xe buýt.

Thủy phụ trách thu vé trên tuyến buýt số 15, đi từ Gia Lâm đến Phố Nỉ (và ngược lại) với quãng đường hơn 30km. Mỗi ngày, chàng trai này phải đi cùng xe khoảng 4 - 6 lượt đi về, khoảng cách giữa mỗi lượt xe chạy là 10 phút, mỗi lượt kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút. Những hôm đông khách, tắc đường, lộ trình có thể kéo dài đến hơn 2 giờ điều đó cũng đồng nghĩa với giờ làm việc sẽ kéo dài hơn và không còn thời gian nghỉ giữa chừng.

Chúng tôi rất cảm động về tấm lòng của Thủy và các bạn trẻ đã có tinh thần tương thân tương ái với những người già yếu, tàn tật. Dù chúng tôi không phải người thân thích nhưng các cháu vẫn thường xuyên đến động viên, chia sẻ tình cảm và tặng quà. Mỗi người góp một chút cũng giúp cuộc sống của chúng tôi đỡ tủi thân hơn.

Cụ Lê Thị Niên (81 tuổi, sống tại trại phongSóc Sơn)

“Những hôm theo xe 3 vòng 6 lượt, tính ra khoảng gần 10 giờ đồng hồ di chuyển cùng xe khiến cho mình và lái xe đuối sức. Thời gian nghỉ giữa mỗi lượt chỉ là 10 phút, cũng chính là thời gian để ăn uống. Có những thời điểm tắc đường, cả lái xe và phụ xe chỉ ăn bát bún trong vòng chưa đầy 10 phút, ăn chưa kịp tiêu lại phải lên xe tiếp tục hành trình”, Thủy chia sẻ và cho biết, phụ xe buýt giống như “làm dâu trăm họ”. Trên mỗi chuyến xe thường xuyên phải đứng ra giải quyết những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một số hành khách như: Nói to, chen lấn, xô đẩy...

Tài xế Nguyễn An Ninh (54 tuổi) hiện đang là lái xe trên tuyến buýt số 15, đồng thời là Tổ trưởng Công đoàn của tuyến buýt số 15 cho biết: “Thủy sống chân thành, mọi công việc được giao đều hoàn thành, tham gia nhiệt tình các hoạt động, phong trào của đơn vị. Dù bận rộn với công việc phụ xe buýt thế nhưng hễ có thời gian rảnh là Thủy lại cùng các thành viên trong nhóm “Buýt thiện tâm” đi quyên góp, trao quà cho những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời khốn khó. Chúng tôi vẫn thường động viên Thủy cố gắng giúp đỡ được nhiều hơn những mảnh đời khốn khó”.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.