Các trường rục rịch đổi mới dạy học theo kỳ thi hai chung |
Mỗi trường một cách tuyển
Ngày 15/10 mới là hạn chót, nhưng đến thời điểm này, đã có khoảng 60 trường ĐH, CĐ gửi dự thảo đề án tuyển sinh năm 2015 về Bộ GD&ĐT. Về cơ bản, đa số trường ĐH vẫn giữ nguyên việc xét tuyển theo các khối thi như mọi năm.
Một số trường bổ sung thêm tổ hợp môn xét tuyển mới phù hợp với đặc thù đào tạo của trường, như ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến thêm các nhóm tổ hợp môn thi mới: Toán - Hóa - Anh, Văn - Sử - Anh. ĐH Công nghiệp Việt - Hung bổ sung khối thi A2 (Toán - Lý - Văn), khối A3 (Toán - Hóa - Ngoại ngữ).
"Với đổi mới kỳ thi hai chung, yêu cầu với các trường sẽ phải cao hơn: Vừa phải đảm bảo giáo dục toàn diện, vừa phải đảm bảo chất lượng của cả kỳ thi tốt nghiệp và thi ĐH, CĐ”. Ông Lê Trung Chinh Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng |
Học viện Báo chí và Tuyên truyền xét tuyển nhóm ngành Báo chí theo môn Văn (bắt buộc) và lựa chọn một trong ba môn Toán, Sử, Anh cùng thi năng khiếu báo chí; Nhóm ngành lý luận chính trị gồm hai môn bắt buộc Toán, Văn và chọn một trong ba môn (Sử, Địa, Anh); nhóm quan hệ công chúng - quảng cáo - ngôn ngữ, gồm hai môn Văn, Anh (bắt buộc) và chọn một trong ba môn (Toán, Sử, Địa)…
Hiện ĐH Cần Thơ có lượng khối thi phong phú nhất với hàng chục cách thức tổ hợp môn để xét tuyển khác nhau.
Cũng có trường lại bỏ bớt khối thi xét tuyển vì thấy không còn phù hợp với nhu cầu đào tạo. Như ĐH Thương mại, dự kiến một số chuyên ngành chỉ xét tuyển tổ hợp môn tương đương với khối A1, D1 và bỏ xét tuyển khối A. Theo lý giải của ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại, thực tế nhiều chuyên ngành không cần thiết đánh giá thí sinh qua môn Hóa nên trường quyết định bỏ xét tuyển theo khối A.
Khá nhiều trường ĐH tốp trên đã tỏ rõ quan điểm chỉ sử dụng kết quả kỳ thi Quốc gia của các thí sinh dự thi cụm thi do các trường ĐH chủ trì để xét tuyển. Đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương đều cho biết, năm 2015 sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi chung Quốc gia ở cụm thi do các trường ĐH chủ trì để xét tuyển, không chấp nhận xét tuyển với thí sinh thi tại cụm thi địa phương…
Vừa học, vừa nghiên cứu cách thi
Thời điểm này, các trường THPT “rục rịch” thay đổi cách dạy - học, hướng ôn tập trọng tâm để đáp ứng yêu cầu đổi mới kỳ thi hai chung Quốc gia sẽ được áp dụng từ năm 2015. Theo thày Lê Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Đặng Trần Côn (TP Huế, Thừa Thiên - Huế), trường đã tổ chức các lớp phụ đạo, phân loại môn tự chọn để học sinh đăng ký học.
Tương tự, thày Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng trường THPT Phạm Phú Thư (Hòa Vang, Đà Nẵng) cho hay, với phương án thi hai chung, trường tính đến việc tăng phụ đạo cho học sinh lớp 12. Ngoài ba môn bắt buộc của kỳ thi hai chung (Toán, Văn, Ngoại ngữ), giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ tổ chức cho học sinh đăng ký các môn tự chọn và bố trí các lớp theo môn.
Em Phương Thảo, học sinh trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, em học khá đều các môn, nhưng vẫn tập trung ôn những môn trọng điểm theo khối thi của trường ĐH mà em dự kiến sẽ nộp hồ sơ. “Em thấy đề án tuyển sinh của các trường cũng không có nhiều thay đổi, nhiều trường còn bổ sung thêm tổ hợp môn thi, môn tự chọn giúp học sinh thuận lợi hơn khi đăng ký môn thi mà mình có thế mạnh. Tuy nhiên, em mong các phương án thi được chốt sớm để bọn em yên tâm ôn thi”.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT), từ 15/10, đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ sẽ được Bộ GD&ĐT công bố để lấy ý kiến trong vòng một tháng. Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp ý kiến và đề nghị các trường chỉnh sửa, rồi xác nhận đề án phù hợp. Chậm nhất ngày 1/1/2015, các trường phải công khai để thí sinh được biết.
Vũ Anh - Ngân Hà
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận