Thử thách quyết tâm của Mỹ và phương Tây
Theo New York Times, chỉ trong vòng hai năm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã 3 lần nhắc tới khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân: Lần đầu tiên khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Lần thứ hai khi Nga gặp bất lợi trên chiến trường và mới đây nhất là vào ngày 29/2 sau khi quân đội Nga liên tiếp khoan thủng các tuyến phòng thủ chiến lược của Ukraine.
Tờ New York Times nhận định trong cả ba lần nói trên, động thái răn đe của ông Putin đều có cùng một mục đích là thử thách quyết tâm của Mỹ và phương Tây khi ông hiểu rằng, đối thủ chính của ông rất sợ xung đột tại Ukraine có thể tiếp tục leo thang và những mối nguy hiểm tiềm tàng nếu họ dám đẩy ông đi quá giới hạn.
Tuy nhiên, trong lần thứ ba đề cập đến vũ khí hạt nhân trong bản Thông điệp liên bang ngày 29/2, ông Putin cũng phát đi một tín hiệu mới so với hai lần trước đó.
Cụ thể, ông không chỉ nhấn mạnh cam kết về việc tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine mà còn khẳng định không có ý định tái đàm phán về hiệp định kiểm soát vũ khí với Mỹ khi hiệp định này chỉ còn có hiệu lực chưa đầy hai năm nữa, trừ khi kết cục cuộc chiến ở Ukraine được định đoạt.
“Chúng tôi đang đối mặt với một quốc gia mà giới cầm quyền công khai thể hiện hành động thù địch với chúng tôi. Họ có thực sự nghiêm túc khi một mặt kêu gọi thúc đẩy đàm phán về sự ổn định chiến lược (thuật ngữ ám chỉ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân), một mặt lại tìm cách khiến Nga chịu “thất bại chiến lược” ngay trên chiến trường theo cách nói của họ”, ông Putin tuyên bố.
“Các nước phương Tây phải thừa nhận, chúng tôi sở hữu những loại vũ khí có thể tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ của họ. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân và đe dọa hủy diệt nền văn minh trên Trái Đất. Họ có nhận thức được điều đó không?”, ông Putin nhấn mạnh trong thông điệp liên bang.
Giới quan sát phương Tây nhận định, tuyên bố này của ông Putin được cho là phù hợp với những gì mà Tổng thống Nga và các tướng lĩnh cấp cao của ông đề cập trong chiến dịch quân sự đặc biệt, trong đó coi việc triển khai vũ khí hạt nhân là bước đi cần thiết đặc biệt nếu các lực lượng truyền thống tỏ ra thiếu hiệu quả. Quan trọng hơn, chính Nga muốn răn đe Mỹ và đồng minh phương Tây tiếp tục can thiệp sâu vào vấn đề Ukraine.
Cho đến nay, chiến lược này đã chứng tỏ được hiệu quả cao khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh châu Âu vẫn tỏ ra dè dặt trong việc cung cấp tên lửa tầm xa, xe tăng và chiến đấu cơ cho Ukraine bởi lo ngại điều này có thể khiến Nga tấn công đáp trả các mục tiêu của NATO bên ngoài lãnh thổ Ukraine bằng vũ khí hạt nhân.
Theo giới quan sát, sự e dè của Mỹ và đồng minh không chỉ dựa trên các tuyên bố của Tổng thống Nga Putin mà còn từ chính những báo cáo của giới tình báo Mỹ hồi tháng 10/2022, trong đó nhấn mạnh khả năng xảy ra các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào căn cứ quân sự của Ukraine. Báo cáo này đã gây ra một làn sóng căng thẳng ở thời điểm đó trước khi dần lắng xuống, New York Times viết.
Gần một năm rưỡi sau, khi ông Biden và các đồng minh dần tin rằng những lời nói của Tổng thống Putin chỉ nhằm phô trương thanh thế và Nga không dám hướng mục tiêu vào NATO và các đồng minh thì một lần nữa, tuyên bố hạt nhân lại được đưa ra.
Phương Tây dè chừng
Giám đốc CIA và từng là Đại sứ Mỹ tại Nga William Burns nhận định: “Trong thời điểm này, rất có thể ông Putin lại một lần nữa muốn “tuốt lưỡi gươm” hạt nhân và thật không khôn ngoan nếu chúng ta loại trừ khả năng rủi ro leo thang. Tuy nhiên, cũng thật không khôn ngoan nếu chúng ta e sợ một cách không cần thiết trước những lời đe dọa đó”.
Cùng chung quan điểm với ông Burns, Giám đốc Điều hành Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân Ernest Moniz cho rằng: “Bất kỳ khi nào Nga đề cập đến vũ khí hạt nhân cũng chính là lúc họ nhận thấy họ không còn năng lực quân sự truyền thống như họ từng sở hữu. Nhưng điều đó đồng nghĩa họ ngày càng dựa nhiều hơn vào vũ khí hạt nhân và làm leo thang những rủi ro khác”.
Có thể nói, lời đe dọa hạt nhân của ông Putin được đưa ra với tính toán cực kỳ kỹ lưỡng khi ông nhận thấy đây là thời điểm ông có thể thử thách bản lĩnh của các nhà lãnh đạo phương Tây, đặc biệt, trong bối cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - ứng cử viên hàng đầu cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2024 - khẳng định sẽ “để mặc cho Nga làm gì họ muốn” nếu các đồng minh NATO không chịu đóng góp đầy đủ cho hiệp ước phòng thủ chung và Hạ viện Mỹ nhiều khả năng sẽ không thông qua gói cứu trợ trị giá 60 tỷ USD mà nước này dành cho Ukraine.
Theo New York Times, dù với mục đích gì, lời đe dọa hạt nhân của ông Putin cũng mang lại thông điệp rõ ràng: ông coi chiến thắng tại Ukraine là tối quan trọng trong việc đưa nước Nga trở lại những ngày huy hoàng như thời của Peter Đại đế và ông tin rằng, Mỹ đang ngày càng ngại đối đầu trực diện với Nga trên chiến trường.
Theo thông tin từ 29 tài liệu quân sự từ năm 2008 và 2014 mà New York Times được tiếp cận, Nga cân nhắc tấn công hạt nhân nếu có kẻ thù xâm lược nước Nga hoặc phá hủy 20% các loại tên lửa đạn đạo chiến lược từ tàu ngầm của nước này. Tài liệu này cũng cho thấy, Nga đã tiến hành diễn tập phóng tên lửa hạt nhân chiến thuật tấn công đối phương trong giai đoạn đầu của xung đột.
Bản thân Tổng thống Nga Putin trong Thông điệp liên bang cũng khẳng định, “lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đang trong trạng thái sẵn sàng cao nhất” và có thể tấn công các mục tiêu phương Tây. Trong số những loại vũ khí mà ông Putin đề cập có tên lửa hạt nhân siêu vượt âm mà Tổng thống Nga lần đầu nhắc đến năm 2018.
Năm ngoái Nga cũng đã chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật sang Belarus và mới đây nhất, đã có những báo cáo cho rằng Nga đang triển khai vũ khí hạt nhân ngoài không gian có thể phá hủy các vệ tinh phương Tây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận