Đường thủy

Phương tiện thủy liên tục gây tai nạn mùa nước cạn

07/02/2021, 19:00

Cuối tháng 1/2021, trên một số tuyến sông chính phía Bắc liên tiếp xảy ra nhiều vụ phương tiện thủy chở hàng tự chìm đắm.

img

Chớ quá tải trọng là nguy cơ khiến tàu chở hàng dễ xảy ra tai nạn

Đang là cao điểm mùa nước cạn nên luồng tuyến đường thủy không đảm bảo chiều rộng và độ sâu. Trong khi đó, hàng loạt vị trí bãi đá ngầm, trụ cầu, kè hỏng chưa được thanh thải khiến nguy cơ tai nạn đâm va rất cao...

Tai nạn đường thủy “nóng” trước Tết

Cuối tháng 1/2021, ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên một số tuyến sông chính phía Bắc liên tiếp xảy ra nhiều vụ phương tiện thủy chở hàng tự chìm đắm.

Cụ thể, ngày 28/1, tàu chở hàng HY-xxx520 khi lưu thông trên sông Đáy bị đâm va, mắc kẹt ca bin vào gầm cầu Bồng Lạng và quay ngang, va đập vào một trụ cầu khiến ca bin tàu bị bẹp rúm, gần bật ngửa khỏi nóc tàu.

“Nhiều tàu bị mắc kẹt ca bin ở cầu này rồi. Chủ yếu do người lái không biết luồng qua cầu bị cạn hơn so với thực tế. Chẳng hạn, thước nước ở cầu báo là 7m nhưng thực tế luồng chỉ sâu hơn 6m. Các cầu trên tuyến này đều là cầu cũ, nên kinh nghiệm là phải hạ ca bin từ đoạn cầu Khuất, chỉ nhìn thước nước ngược sẽ không chuẩn”, thuyền viên tên Vinh nói về nguyên nhân vụ việc.

Trên sông Hồng, sáng sớm 27/1, tàu VP-xx149 đang lưu thông theo hướng từ Sơn Tây về Hà Nội, đến đoạn qua bến đò Chu Phan cũng bất ngờ mất lái đâm vào 3 lồng cá bè, khiến phương tiện hư hỏng nhẹ nhưng thiệt hại khá lớn về tài sản.

Cũng trên sông Hồng, theo các thuyền viên, luồng Hòn Chiếu phía thượng lưu cầu Văn Lang gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tàu bị đâm vào đá ngầm gây bục, chìm tàu. Trong vài ngày cuối tháng 1/2021, xảy ra ít nhất 3 vụ tàu chìm, gần nhất là ngày 28/1, một tàu không rõ biển số chìm cách trụ cầu về phía thượng lưu chỉ vài chục mét.

Ông Trần Xuân Khơi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 cho biết, đoạn luồng hơn 1km phía thượng lưu cầu Văn Lang tồn tại dải đá Ghềnh Tiên ngay trên luồng tàu, trở thành vật chướng ngại nguy hiểm, khi mực nước xuống thấp luồng tàu bị thu hẹp.

“Khu vực này đã được tổ chức điều tiết, hướng dẫn tàu thuyền qua lại, song đến nay mới chỉ tổ chức một chốt trực ở phía hạ lưu. Để hạn chế tai nạn tại “điểm đen” này phải thanh thải đá ngầm, song đến nay vẫn phải chờ cơ quan quản lý đường thủy”, đại diện đơn vị quản lý tuyến đường thủy cho biết.

Theo chia sẻ của một số thuyền viên, gần đây trên một số tuyến sông khác như: Lai Vu, Đà, Thái Bình cũng liên tiếp xảy ra các trường hợp phương tiện thủy chở hàng bị bục nước, thậm chí chìm do tự mắc cạn, đâm va vào chướng ngại vật ngầm.

“Sông Thái Bình đoạn cách cầu Phả Lại vài trăm mét có bãi đá ngầm, mấy tàu đâm vào bị bục mà không thấy có quả phao nào. Còn đoạn giữa hai cầu, luồng thực tế rộng hơn mà phao giới hạn hai bên luồng lại hẹp, đặt gần nhau, có hôm ban đêm đèn tín hiệu không sáng, đi qua mà gặp đoàn tàu đẩy phải tránh nhau rất nguy hiểm”, thuyền viên tên Huyên phản ánh.

Cảnh báo nhiều vị trí nguy hiểm

img

Một tàu chở hàng bị mắc kẹt tại cầu Bồng Lạng, sông Đáy cuối tháng 1/2021

Theo các đơn vị quản lý bảo trì và Đội thanh tra đường thủy, dịp trước và sau Tết Âm lịch là cao điểm của mùa nước cạn nên nhiều đoạn luồng đường thủy phía Bắc bị thu hẹp độ sâu, chiều rộng và dễ biến đổi khi thủy điện xả nước, khiến các vị trí có bãi đá ngầm, kè hỏng trở nên nguy hiểm hơn cho tàu thuyền chở hàng.

“Mùa cạn năm nào đoạn Km25 bờ phải sông Lai Vu cũng trở thành “điểm nóng” tai nạn, sự cố. Khu vực này là kè thối (hỏng), lại thêm xác tàu bê tông bị chìm khiến luồng bị thu lại chỉ còn một nửa. Dù báo hiệu trên bờ, phao dưới nước được bố trí đầy đủ nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn”, lãnh đạo Đội Thanh tra - An toàn số 2 cho biết.

Ông Trần Sỹ Nghĩa, Đội trưởng Đội Thanh tra - An toàn số 4 cho biết, cầu Đoan Vĩ trên sông Đáy cũng là vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc, nguy cơ tai nạn. “Cầu này xây dựng từ nhiều năm trước, khoang thông thuyền nhỏ hẹp, trong khi nhiều tàu có kích thước lớn. Chỉ cần phương tiện tranh nhau qua hoặc bất cẩn khi lưu thông là xảy ra sự cố, ùn tắc”, ông Nghĩa nói.

Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, hiện đang trong mùa cạn nên mực nước sông trên một số tuyến khu vực phía Bắc thường xuyên xuống thấp, khiến xuất hiện các vị trí, đoạn luồng chạy tàu không đảm bảo độ sâu và chiều rộng. Trong đó, nhiều vị trí có bãi đá ngầm, trụ cầu cũ trở thành chướng ngại vật, song chưa thể thanh thải do gặp khó khăn về kinh phí.

Điển hình, một số vị trí tồn tại bãi đá ngầm khu vực cầu Văn Lang trên sông Hồng, Km 2+500 và Km 6+500 sông Cầu; Km 2+500 bờ trái, Km 5+500 bờ phải sông Mạo Khê; trụ cầu tạm Lai Vu tại Km20 bờ trái, mố cầu đường bộ cũ bờ trái khu vực Km 21+050 (giữa cầu đường bộ và đường sắt Lai Vu), bãi hầu Km15 bờ trái và đoạn kè thối Km25 bờ phải sông Lai Vu…

“Người điều khiển phương tiện thủy khi lưu thông qua vị trí có chướng ngại vật cần tìm hiểu thực tế luồng và tuân thủ chỉ dẫn báo hiệu, hướng dẫn của lực lượng điều tiết để phòng ngừa sự cố, tai nạn”, Cục Đường thủy nội địa VN khuyến cáo.

Yêu cầu thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra luồng

Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT đường thủy dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2021, Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý bảo trì đường thủy thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra tuyến luồng đường thủy và kịp thời điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu phù hợp với thực tế luồng tuyến; duy tu bảo trì báo hiệu đảm bảo màu sắc, ánh sáng để phương tiện thủy lưu thông an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.