Góc cua nguy hiểm, cọc tiêu trông giống "bẫy" hơn là bảo đảm ATGT |
Mất ATGT nghiêm trọng ?!
Đoạn đường HCM vừa mới thi công trước Tết Nguyên đán dài khoảng 6km từ thị trấn Đắk Hà theo hướng bắc được làm một dải và chỉ làm một nửa. Đây là một điểm thi công khác thường, trên toàn tuyến QL1 và QL14, thường các nhà thầu thực hiện một nút thi công không quá 500m, tuy nhiên đoạn đường này lại dài tới khoảng 6km.
Các hệ thống để đảm bảo ATGT trên toàn dự án từ huyện Đắk Tô tới TP.Kon Tum hầu như chỉ để đối phó. Cụ thể: Các cọc tiêu, biển báo, dải phản quang không có. Trong khi đó công trình thi công xong mới một nửa, nửa còn lại vẫn còn thi công dở dang. Độ chênh cao của 2 nửa mặt đường có chỗ tới gần 1m.
Vì một nửa mặt đường đoạn mới làm đẹp nên mọi phương tiện lưu thông đều chạy lên phần đường này. Trong khi đó nửa phần đường kia vẫn còn ngổn ngang và rất nguy hiểm khi tham gia giao thông. Chiều ngang mặt đường đã được thảm bê tông nhựa rộng khoảng 5,5m.
PV Báo Giao thông đã chứng kiến cảnh 2 xe ô tô ngược chiều tránh nhau, 2 xe máy buộc phải lao xuống phần đường chông chênh, trong đó một xe máy gồm 2 vợ chồng và một cháu bé bị té ngã. Lúc ấy, chúng tôi đã tới để giúp đỡ. Người đàn ông tên Hậu (Thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà) đã rất bức xúc, nói: "Làm đường kiểu này không thể chấp nhận được, xe cộ ngày Tết nhất chạy nhanh, lượng xe nhiều. Làn đường có hơn 5m, 2 xe ô tô tránh nhau thì người đi xe máy biết đường nào mà tránh. Không lao qua chỗ chênh mép giữa đường thì xe nó tông vào mình à? Mà lao vào đó thì chấp nhận bị ngã... May sao vợ, con tôi chỉ bị trầy xước nhẹ, chứ mà bị làm sao thì ai chịu trách nhiệm?...".
Trời nắng, nhưng xe ô tô khách vẫn bị vùi lấp trong bụi đường, xe ô tô con phải bật đền sương mù để đi, độ chênh lệch 2 phần nửa đường quá cao, nhưng không hề có thiết bị cảnh báo ATGT |
Cũng trên đoạn đường đang thi công này, khi chúng tôi đang thực hiện ghi nhận về bất cập mất ATGT của nút thi công bất hợp lý thì tiếp tục một người đàn ông đi xe máy đã bị trượt té ngay phía trước. Trao đổi với PV Báo Giao thông, người dân hai bên đường cho biết, đã có nhiều người dân đi xe máy đã bị trượt ngã do độ chênh giữa nửa mặt đường đã làm và chưa làm trên đường HCM. Người dân cho cho rằng việc thi công bất hợp lý này rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tham gia giao thông, nhất là đối với người đi xe máy. Và chỉ cần một giây thiếu tập trung là có thể bị nguy hiểm đến tính mạng ngay tức thì.
Cả một đoạn đường dài thăm thẳm, đơn vị thi công có 1/2 đường nhưng thiếu thiết bị cảnh báo, chỉ trơ trọi một cột nằm trơ vơ |
Một cán bộ giám sát thi công tuyến đường HCM, nhận định: Một nút thi công dài đến 6km, mà thi công có 1 nửa thảm bê tông nhẵn, đường hẹp, độ chênh cao so với nửa còn lại rất cao sẽ không bao giờ đảm bảo ATGT. Nút thi công dài quá khiến người tham gia giao thông nhiều lúc lầm tưởng dự án hoàn chỉnh, đường đẹp, phóng nhanh. Nên chỉ cần một tí sơ xuất là có thể xảy ra TNGT.
Những vụ TNGT gần đây qua đoạn đường này đã chứng minh cho sự bất cập trong thi công và công tác bảo đảm ATGT của nhà thầu. Vào lúc 18h40" ngày 20/2 (mùng 2 Tết) tại Quốc lộ 14, thuộc Thôn 2, Đăk Ma, Đăk Hà xảy ra vụ TNGT giữa xe mô tô BKS 82E1-00921 do Phạm Quang Trung (SN 1993, trú tại Lâm Đồng) điều khiển chở theo Bùi Thị Vân và Nguyễn Thị Lan (chưa xác định năm sinh, khoảng độ tuổi từ 18 đến dưới 27 tuổi; trú tại Đăk Xú, Ngọc Hồi) với xe mô tô BKS 82H1- 0072 (chưa xác định người điều khiển) chở theo A Lác (chưa xác định năm sinh, khoảng độ tuổi từ 18 đến dưới 27 tuổi, trú tại Thôn 5, Diên Bình) điều khiển lưu thông theo hướng ngược lại. Hậu quả sau vụ TNGT, anh Phạm Quang Trung tử vong tại chỗ, Bùi Thị Vân, Nguyễn Thị Lan, A Lác và 1 người điều khiển xe mô tô BKS 82H1-0072 bị thương.
Hiện trường vụ TNGT vẫn còn chiếc mũ bảo hiểm nằm chỏng trơ bên nửa phần đường chưa được thi công. |
Trước đó, lúc gần 10h ngày 6/2, tại Km 469 đường HCM, thuộc thôn 6, Đăk La (cũng thuộc dự án này tại huyện Đăk Hà) xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa 3 xe: xe mô tô BKS 82K5-8331 do lái xe tên Bờm (39 tuổi, ở TP. Kon Tum) điều khiển chở sau Đàm Thị Sơn (33 tuổi, ở TP. Kon Tum) chạy hướng TP. Kon Tum – Đăk Tô với xe ô tô tải BKS 75C-03197 do Cao Đức Hòa (28 tuổi, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển chạy cùng chiều và xe ô tô con BKS 82K-1559, do Đặng Văn Dương (58 tuổi, ở TP.Kon Tum) điều khiển chạy hướng ngược lại. Hậu quả, Đàm Thị Sơn tử vong tại chỗ, Bờm bị thương nặng; 2 xe ô tô và 1 xe mô tô hư hỏng nặng.
Điều đáng nói, những TNGT này lại xảy ra ngay trên đoạn đường thuộc nút thi công kéo dài khoảng 6km một nửa làm đẹp còn nửa kia vẫn ngổn ngang và hoạt động đảm bảo ATGT đang ngổn ngang.
Đã thi công muộn, lại vắng bóng công nhân
Ngày 20/2 (mùng 2 Tết), toàn tuyến đường HCM qua Tây Nguyên và Bình Phước đã đồng loạt thi công. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã đến tận công trường chúc Tết cán bộ, công nhân ban QLDA, nhà thầu... Các hoạt động vẫn được diễn ra đúng theo tiến độ của dự án. Công nhân vẫn phải vì nhiệm vụ của mình để đồng cam cộng khổ, đón Tết trên công trường.
Kiểm tra toàn tuyến Thứ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Hồng Trường ghi nhận sự lỗ lực của các nhà thầu, ngày mồng 2 Tết đã đồng loạt thi công thể hiện sự quyết tâm lớn của các nhà thầu, đặc biệt có nhiều nhà thầu đã không hề nghỉ Tết. Thứ trưởng cũng ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của Ban QLDA đường HCM, tất cả từ Ban QLDA đến tư vấn giám sát, nhà thầu đã hoàn toàn làm chủ được tiến độ công trình, cũng như bảo đảm tốt tiến độ dự án.
Cũng trên công trường Thứ trưởng đã chúc Tết và mừng tuổi các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu và công nhân thi công trên công trường để động viên khích lệ những người quên Tết vì đường HCM.
Hình ảnh trên phản ánh các nhà thầu đã thi công từ ngày mùng 2 Tết, riêng nhà thầu Trường Long trên địa bàn Kon Tum ngày 6 mới triển khai. |
Tuy nhiên, tại công trường ở đường HCM tại Kon Tum thì ngược lại, theo quan sát của PV Báo Giao thông thì trong thời gian cả ngày 25/2 (mùng 7 Tết) dọc 6km mà PV phản ánh ở trên đều án binh bất động. Lác đác trên công trường đoạn từ Thị trấn Đắk Hà về hướng TP. Kon Tum chỉ có một vài xe tải đổ đá, có 2 máy múc đang hoạt động. Tuyệt nhiên không thấy máy lu, máy san, công nhân nào làm việc...
Theo quan sát của PV thì hầu như máy san, máy lu... đều được nằm trong các kho bãi vẫn còn được khóa, chốt cẩn thận.
Rải rác vài xe ô tô đổ đá, tuyệt nhiên không thấy công nhân thi công và cũng không có máy lu, máy rải đá hoạt động |
Tuy nhiên, tại công trường ở đường HCM tại Kon Tum, Ông Nguyễn Trọng Thọ, Giám đốc Ban QLDA1, thuộc Sở GTVT Kon Tum (đơn vị đại diện Bộ GTVT làm chủ đầu tư), cho biết, mãi đến ngày 6 Âm lịch (tức là 24/2) Ban QLDA1 bắt đầu chỉ đạo các nhà thầu triển khai thi công. Các máy móc, ban quản lý, chỉ huy công trường, tư vấn giám sát và công nhân đã đưa xuống công trường.
Ngược lại, ông Nguyễn Hữu Thạnh, Chỉ huy trưởng Gói thầu số 6, cho biết, 2 ngày qua mới chỉ thi công bằng hoạt động cơ giới, anh em cán bộ, công nhân cho về nghỉ Tết mới đang lác đác vào.
Hơn 9h sáng 25/2 (mùng 7 Tết), văn phòng Ban chỉ huy công trường vẫn rào cổng kín mít không có người làm việc, và các thiết bị máy móc vẫn được cất trong doanh trại. |
Dưới đây là video phản ánh tình trạng mất ATGT trên đoạn đường HCM qua Kon Tum do PV Báo Giao thông thực hiện trong ngày 25/2.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận