Tuyến QL217 đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị thông xe vào ngày 30/1 |
Công trình nối thông Cửa khẩu Việt - Lào này đưa vào khai thác sẽ tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực rộng lớn thuộc hành lang Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), góp phần xóa đói, giảm nghèo cho khu vực miền núi của Thanh Hóa, thiết thực chào mừng Đại hội XII của Đảng.
Nối liền biên giới Việt - Lào
QL217 có vai trò đặc biệt quan trọng trong Chương trình Hợp tác Kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, cùng với tuyến đường 6, 6A, 6B - tỉnh Hủa Phăn (Lào) kết nối vùng Đông Bắc Lào với phía Bắc Việt Nam, thông ra cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính phủ Việt Nam và Lào ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cấp các tuyến đường này để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của hành lang Đông Bắc GMS và giúp cho phía Bắc Lào tiếp cận thuận lợi với cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Theo lãnh đạo Ban QLDA1, dự án nâng cấp, mở rộng QL217 dài khoảng 88,2km, bắt đầu từ ngã ba Đồng Tâm (Bá Thước), kết thúc tại cửa khẩu Na Mèo - Nặm Xổi, được khởi công từ tháng 6/2013 với tổng mức đầu tư 97,4 triệu USD. Trong đó, vốn vay ưu đãi của ADB là 75 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 22,4 triệu USD. Tuyến chính của dự án đoạn từ Km 107+200 - Km 195+400 (cửa khẩu Na Mèo) được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, gồm hai làn xe, tốc độ thiết kế 60km/h. Dự án cũng tiến hành xây dựng hai tuyến tránh Đông và Tây thị trấn Cẩm thủy, xây dựng mới cầu Eo Lê tại lý trình Km 38+383,67 và đường hai đầu cầu từ Km 38+131,8 - Km 38+920,3. |
Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA1 (đại diện chủ đầu tư) cho biết, trước đây, QL217 rất chật hẹp và xuống cấp nghiêm trọng với nhiều ổ gà, ổ trâu. Khi tuyến đường chưa được triển khai xây dựng, những hôm trời mưa, chỉ cần một xe tải sa ổ gà là tắc đường cả buổi.
“Trước kia, thời gian phương tiện đi từ TP Thanh Hóa lên đến cửa khẩu Na Mèo phải mất đến cả ngày trời, cộng thêm nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất lớn. Do đó, việc nâng cấp, mở rộng QL217 sẽ cải thiện khả năng lưu thông trong khu vực, nâng cao cơ hội tiếp cận thị trường, các dịch vụ xã hội và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương”, ông Lâm nói và cho biết, mục tiêu của dự án còn hướng đến khả năng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, tăng cường hợp tác phát triển kinh tế và thương mại nội vùng và toàn khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng.
“Ngoài tính khả thi về mặt kinh tế, dự án sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 1,5 triệu người dân dọc theo tuyến đường và hơn 200.000 người dân nước bạn Lào, đa phần đều là đồng bào các dân tộc thiểu số, điều kiện sống rất khó khăn. Sau khi dự án thông xe toàn tuyến sẽ rút ngắn thời gian từ TP Thanh Hóa lên cửa khẩu Na Mèo xuống còn 4,5 tiếng thay vì gần một ngày như trước đây”, ông Lâm nhấn mạnh.
Vượt khó về trước tiến độ hơn hai tháng
Trực tiếp phụ trách dự án từ những ngày đầu, ông Nguyễn Khắc Trung, Trưởng phòng QLDA1 (Ban QLDA1) cho biết, do phải đối mặt với những đặc thù về điều kiện tự nhiên, xã hội nên việc thi công dự án gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là điều kiện khí hậu khắc nghiệt và nguồn vật liệu đá phục vụ thi công bị thiếu. Cùng đó, QL217 là tuyến độc đạo, mặt đường nhỏ, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm nên công tác thi công thường xuyên gián đoạn do máy móc của nhà thầu phải nhường đường, ưu tiên cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.
Tuy nhiên, nhận thức được ý nghĩa chiến lược của tuyến đường, Ban QLDA1 và các nhà thầu đã nỗ lực khắc phục khó khăn, bảo đảm tiến độ công trình. Đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hầu hết cán bộ làm việc gián tiếp tại dự án được tuyển ngay tại địa phương để có khả năng thích ứng, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Để tránh nắng nóng, các đơn vị đã áp dụng giải pháp, buổi sáng tổ chức thi công sớm, nghỉ sớm, chiều tổ chức thi công muộn và nghỉ muộn. Chúng tôi và đơn vị tư vấn, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cửa khẩu, cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương lựa chọn thời điểm lưu lượng xe ít để triển khai thi công nhằm giảm thiểu tình trạng gián đoạn xảy ra”, ông Trung chia sẻ.
Giải quyết bài toán về nguồn vật liệu, Ban QLDA1 cùng tư vấn giám sát, nhà thầu đã tiến hành họp bàn và đưa ra các phương án hỗ trợ kinh phí cho các chủ mỏ tăng cường dây chuyền, thiết bị đẩy nhanh tốc độ sản xuất đá phục vụ quá trình thi công dự án. “Bằng các giải pháp đồng bộ và quyết liệt, đến nay, các gói thầu xây lắp chính đều đảm bảo tiến độ, khối lượng toàn công trình đã hoàn thành trên 90%, đảm bảo các điều kiện để thông xe kỹ thuật toàn tuyến ngày 30/1, vượt tiến độ hơn hai tháng so với kế hoạch đề ra”, ông Trung nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận