Lãnh đạo thành phố dự chi 269 tỷ đồng để tặng quà cho các hộ dân. Tính ra, mỗi hộ nhận được một món quà trị giá 500 ngàn đồng.
65 năm giải phóng TP Hải Phòng là cột mốc quan trọng, đáng tự hào, lãnh đạo thành phố trích ngân sách để mua quà tặng công dân của mình lẽ ra không có gì đáng để ồn ào.
Hải Phòng từng làm được nhiều việc mà các tỉnh, thành phố lớn khác chưa làm được hoặc cần học tập. Ví như sự tăng trưởng về kinh tế, sự thay đổi về bộ mặt TP, chăm lo gia đình chính sách, miễn học phí cho học sinh tất cả các cấp học...
Vậy, vì sao việc tặng quà cho dân lần này lại có nhiều phản ứng như vậy?
Nhìn rộng ra thế giới, nhiều nước như: Singapore, Canada, Arab Saudi... từng tặng tiền cho dân chúng. Báo chí đưa tin, công dân nhiều nước khác đọc được cũng ít nhiều ghen tỵ. Không nói đâu xa, mới đây Hồng Kông, Nhật Bản... tặng cả nghìn đô hỗ trợ nhiều đối tượng chống đỡ dịch cúm Covid-19. Ai nhìn vào cũng thấy hâm mộ.
Cùng là tặng quà, tặng tiền, vì sao gây ra những thái độ khác nhau từ công chúng? Vì có nơi làm đúng và làm trúng, có chỗ thì “có gì đó sai sai”.
Cá nhân tôi không đồng ý với các ý kiến cho rằng việc tặng quà của Hải Phòng là không phù hợp. Ngày kỷ niệm thành lập, kiểu như ngày sinh nhật của mỗi người, khó mấy cơ quan, công đoàn cũng thường có một món quà cho nhân viên, nơi khó quá thậm chí có thể ngắt một bó hoa dại như học sinh vùng cao từng tặng thày cô giáo... Việc này rất đáng trân trọng.
Việc chi 269 tỷ đồng để tặng mỗi hộ dân món quà trị giá 500 ngàn đồng trong khoản ngân sách đã tính toán tôi cho là cần thiết. Nhất là Hải Phòng không phải tỉnh khó khăn về ngân sách, thậm chí địa phương đang “ăn nên làm ra”.
Vấn đề ở đây nằm ở món quà dự kiến là bộ ấm chén uống trà.
Xét về thời điểm là không phù hợp. Thứ nhất, bây giờ rất hiếm nhà nào không có bộ chén uống trà. Trong 587.000 hộ dân thành phố, có nhiều hộ khá giả, hẳn ai cũng đã có riêng những bộ ấm chén ưa thích. Nên giá trị sử dụng của món quà không cao.
Thứ hai, khi đời sống khá lên, người ta không còn chuộng các loại quà tặng như đồng hồ treo tường, bát đĩa, ly chén, lọ hoa... thậm chí là lịch treo tường có in tên đơn vị quảng bá. Những đồ này, thường bị “cho đi, cho lại” không ai dùng.
Còn nói đến giá trị kỷ niệm cũng không ổn vì nó không độc đáo và quý giá. Nhà nào cũng có, vật kỷ niệm mà “đồng phục” thì ai muốn trưng bày?
Thứ nữa, một món quà khó định giá, được mua bằng tiền ngân sách mà không đấu thầu còn gieo sự nghi hoặc “phết phẩy” rất không hay.
Nói vậy để khẳng định lại, cá nhân người viết ủng hộ việc tặng quà cho dân, nhưng tặng cái gì và mua giá nào thì lãnh đạo Hải Phòng cần lắng nghe và cầu thị hơn nữa để một chủ trương tốt thực sự có ý nghĩa.
Có ý kiến cho rằng, nếu lãnh đạo thành phố cho đúc logo Hải Phòng bằng 1 chỉ vàng làm quà tặng thì có giá trị về mọi mặt, kể cả kinh tế, giá trị sử dụng, giá trị kỷ niệm... Như vậy, cần số tiền gấp 10 lần, tức vào khoảng 2.690 tỷ đồng.
Nghe không khả thi mà cũng không ít ý kiến đồng tình.
Thực ra, người ta nói vậy cũng chỉ để chứng minh: Tặng quà càng giá trị thì người dân càng mừng nhưng phải minh bạch và hữu dụng. Vàng thì có cân có lượng, có giá rõ ràng, muốn gièm pha, muốn “nói nọ nói kia” cũng khó.
Quà tặng ý nghĩa là quà tặng mang lại lòng tin. Tặng quà bằng tiền của tập thể lại càng cần điều đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận