Hạ tầng

Quản chặt nguồn vật liệu và tiến độ tại Dự án đường liên vùng Thái Nguyên

14/12/2022, 11:17

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng dự án, nguồn cung cấp vật liệu cũng được các đơn vị quan tâm kiểm soát tốt.

Bám hiện trường bảo đảm tiến độ, chất lượng

Thời gian qua, mặt bằng tại dự án đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc (gọi tắt là Dự án đường liên kết vùng) cơ bản đã được đáp ứng. Liên danh các nhà thầu thi công dự án cũng đang tập trung cao độ triển khai các hạng mục đào đắp nền đường trên nhiều đoạn tuyến. Các đơn vị thi công tại dự án ngay sau lễ khởi công vào giữa tháng 5 đã huy động nhân lực, thiết bị triển khai nhiều mũi thi công.

img

Nhà thầu 319 triển khai các mũi thi công tại Dự án Đường liên vùng Thái Nguyên.

Ở thời điểm này, Liên danh nhà thầu (Công ty CP Đầu tư năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn - Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty TNHH MTV Minh Đăng) đang huy động 72 cán bộ quản lý và kỹ thuật, 191 nhân công, 252 xe, máy tiến hành thi công đồng loạt 16 mũi.

Đơn cử, khu vực dự án qua xóm Đồng Đông và xóm Bìa (xã Thành Công, TP. Phổ Yên). Mũi thi công này thuộc Ban Điều hành số 2 - Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng (1 trong 3 ban điều hành thi công Dự án), phụ trách triển khai 5,6 km đang được nhà thầu huy động gần 30 máy xúc, lu, ủi và khoảng 60 người thi công liên tục, tăng ca đến 21 giờ hàng ngày. Nếu công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, nhà thầu phấn đấu thông tuyến nền đường đoạn này trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Hay như ông Đỗ Văn Miên, Chỉ huy trưởng mũi thi công số 1 thuộc Tổng Công ty 319 - Bộ Quốc phòng thông tin: Hiện đơn vị đang huy động khoảng 40 máy múc, lu, ủi để triển khai đồng bộ mũi thi công dài 5,8 km được giao phụ trách trong dự án. Đến nay, các hạng mục thi công nền, rãnh thoát nước và hầm chui đang đạt tiến độ đề ra.

img

Tại các khu vực mặt bằng thuận lợi đã được các nhà thầu thi công, hoàn thành lớp móng trong Dự án Đường liên vùng.

Giám đốc Ban điều hành thi công - Tổng Công ty 319 Lê Thanh Nam khẳng định: Tổng công ty đang huy động 25 kỹ sư cùng hàng trăm thiết bị máy móc chia thành nhiều đội thi công trải dọc trên tuyến. Phương châm của đơn vị là chia thành 3 ca thi công để bảo đảm tiến độ. Biện pháp thi công chủ yếu hiện nay là đào đất, tận dụng để đắp và xây dựng hệ thống rãnh thoát nước… Tổng Công ty đang đặt ra mục tiêu trước Tết Nguyên đán năm 2023 sẽ cơ bản thông tuyến; đến tháng 5/2023 sẽ cơ bản hoàn thành thi công nền đường trong dự án.

Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên (Chủ đầu tư) khẳng định: Để dự án về đích đúng hạn, bảo đảm chất lượng đơn vị đã thành lập Ban Điều hành Dự án đường liên vùng với 9 thành viên túc trực 24/24 giờ, phối hợp với nhà thầu tư vẫn giám sát quản lý tốt dự án. Cùng đó, Ban thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Quản chặt nguồn vật liệu

Ngoài việc bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, Chỉ huy phó Ban Điều hành số 2 - Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng cho biết thêm: Theo hồ sơ thiết kế, đoạn tuyến 5,6km này sau khi đào đắp nội bộ vẫn thiếu khoảng 100.000m3 đất san lấp, sẽ được bổ sung từ đoạn liền kề cũng thuộc Dự án.

Trong quá trình thi công, tư vấn giám sát thường xuyên bố trí 2 người tại hiện trường, đơn vị thí nghiệm cũng luôn có người túc trực để tiến hành thí nghiệm, kiểm tra đất đắp, chất lượng lu lèn đảm bảo đúng hợp đồng. Việc đưa đất ra (đổ thải) và vào công trường luôn phải tuân thủ quy định, được giám sát chặt…

img

Phần lớn đất vật liệu được các nhà thầu tận dụng tại Dự án Đường liên vùng.

Theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, Dự án có tổng khối lượng đào nền 4.757.000m3; đắp nền 3.663.000m3 và tận dụng khối lượng đất đào điều phối sang đắp nền K95, K98. Ngoài khối lượng đất đủ tiêu chuẩn tận dụng từ đào chuyển sang đắp, Dự án cần mua thêm tại các mỏ đất khác 673.810m3 (Mỏ đất núi Choẹt; Mỏ đất núi Đậu thuộc xã Minh Đức, TP. Phổ Yên; Mỏ đất Khu Đong, phường Bách Quang, TP. Sông Công).

Hiện nay, nhà thầu đang tập trung đào đắp nền đường và thi công kết cấu bê tông cốt thép các công trình cống thoát nước, hầm chui. Khối lượng đất đã mua từ Mỏ đất núi Choẹt là khoảng 50.000m3, có đủ hồ sơ pháp lý, được tư vấn giám sát kiểm tra, thí nghiệm tại Mỏ với tần suất 10.000m3/mẫu và tại hiện trường với tần suất 3.000m3/mẫu.

Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư 3.781 tỷ đồng với tổng chiều dài 42,55Km, gồm 2 đoạn: Đoạn 1 dài hơn 4 km, kết nối với tỉnh Bắc Giang, điểm đầu từ cầu Hòa Sơn, phường Đông Cao (TP. Phổ Yên, Thái Nguyên) đến điểm cuối giao với đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội. Đoạn 2 dài hơn 38 km, gồm tuyến chính nối từ nút giao Yên Bình (TP. Phổ Yên) đến Tỉnh lộ 261 thuộc huyện Đại Từ và 2 tuyến nhánh nối với tỉnh Vĩnh Phúc.

Tuyến đường được đầu tư xây dựng với mục tiêu liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang thông qua 5 tuyến đường cao tốc; kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc và Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; tạo quỹ đất, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ trong khu vực… Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 và bàn giao, đưa vào sử dụng trong quý II/2025.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên (Chủ đầu tư dự án) luôn quán triệt, thường xuyên chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát thực hiện việc quản lý nguồn vật liệu đầu vào của Dự án (đất đắp, xi măng, cát, đá, thép, cấu kiện bê tông đúc sẵn và các vật liệu khác) đúng quy định.

Theo đó, trước khi đưa vật liệu vào công trình, nhà thầu phải đệ trình nguồn vật liệu cùng nhà cung cấp cho tư vấn giám sát để kiểm tra nguồn gốc, thí nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật và những vấn đề liên quan khác. Sau khi kiểm tra, tư vấn giám sát trình chủ đầu tư kiểm tra, thí nghiệm và kiểm tra pháp lý của nhà cung cấp, nếu đủ điều kiện thì vật liệu đó được chủ đầu tư chấp thuận bằng văn bản để nhà thầu sử dụng…

Tuy vậy, dù quy trình rất chặt chẽ và giám sát thường xuyên như vậy nhưng gần đây có thông tin một số xe tải chở đất lậu vào công trường Dự án. Đơn cử, ngày 26/10, tư vấn giám sát đã kịp thời phát hiện, lập biên bản, yêu cầu nhà thầu tạm dừng thi công đến khi vận chuyển khoảng 80m3 đất đắp nền không rõ nguồn gốc ra khỏi công trường.

Theo chủ đầu tư, thực tế nguy cơ các nhà thầu cung cấp (thậm chí cá nhân các lái xe chở vật liệu) cố tình trà trộn lượng nhỏ đất lậu vào công trình (hoặc chở đất san lấp từ công trình bán ra ngoài) luôn thường trực, nhất là vào ban đêm, nếu không được giám sát, nghiệm thu chặt chẽ và thường xuyên…

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn đất san lấp hợp pháp đang khan hiếm như hiện nay, việc triển khai một dự án lớn và chiều dài như vậy rất có thể xảy ra tình trạng trà trộn đất bất hợp pháp vào công trình. Vì vậy, chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng, nguồn gốc vật liệu xây dựng. Các cấp, ngành liên quan cũng cần tích cực phối hợp trong công tác quản lý, phát hiện, xử lý tình trạng đất lậu liên quan đến Dự án, để công trình giao thông trọng điểm này đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

img

Khu tái định cư phục vụ cao tốc Bắc - Nam được Hậu Giang đầu tư ra sao?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.