Kiểm soát chặt các nội dung, số tiết học, thực hành
Thông tin với Báo Giao thông, ông Phùng Huy Viễn, Trưởng phòng Đào tạo trường Cao đẳng GTVT đường thủy I cho biết, ngành đường thủy hiện không hấp dẫn, số lượng học viên đăng ký các khóa đào tạo, đào tạo lại không lớn, như năm 2022 chỉ khoảng 1.000 học viên.
Mặt khác, đa số người đăng ký đào tạo, đào tạo lại để được cấp chứng chỉ thuyền viên, người lái là người đã có nghề, đang làm việc; trong khi theo quy định đối với ngành nghề đặc thù, họ phải học tập trung tại cơ sở đào tạo nên khó thu hút được học viên.
Bên cạnh đó, một số quy định hiện hành cũng ảnh hưởng đến công tác đào tạo, tuyển sinh. Như việc quy định học phí thấp sẽ khó có nguồn để đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Hay với quy định thi trực tuyến, nhiều người dân các tỉnh miền núi như Thanh Hóa, Nghệ An không biết sử dụng vi tính không thể tham gia thi để được cấp chứng chỉ.
"Đối với các khóa học của nhà trường phải điểm danh đầy đủ, kiểm soát chặt các nội dung, số tiết học, thực hành theo chương trình. Trong khi đa số người học chỉ có nhu cầu được cấp chứng chỉ nên họ sẽ tìm đến các cơ sở không cần chính quy, bài bản, đây là tiềm ẩn đe dọa an toàn khi những người này điều khiển, vận hành phương tiện", ông Viễn nói và kiến nghị cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ học phí đối với người học, có cơ chế khuyến khích với lao động ngành đường thủy là lao động đặc thù, nặng nhọc... để thu hút người học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, tính đến hết tháng 10/2023, trên toàn quốc có 22 cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, với tổng số giấy chứng nhận, chứng chỉ được cấp là: 479.124 chiếc.
Các cơ sở đào tạo cơ bản được trang bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trong quá trình thực hiện, tuân thủ các quy định về công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện. Đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về công tác đào tạo thuyền viên trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, đào tạo, cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn như: Việc triển khai công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử trong công tác đào tạo còn hạn chế; Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ đào tạo tại một số cơ sở chưa thực sự chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, chưa thực sự tuân thủ đầy đủ quy định về nội dung, chương trình, thời gian đào tạo và các quy định khác của pháp luật.
Siết công tác đào tạo, cấp chứng chỉ
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, trước thực trạng này, mặt khác qua phản ánh từ dư luận về công tác quản lý, đào tạo của một số cơ sở đào tạo phía Nam (thuộc các địa phương) có dấu hiệu vi phạm, tiêu cực như: học viên không cần dự học mà chỉ đến trước một ngày làm hồ sơ thi, kiểm tra; đơn giá thuê phương tiện phục vụ hoạt động đào tạo, thi, kiểm tra thấp bất thường... Cục đã triển khai nhiều giải pháp siết công tác đào tạo, cấp chứng chỉ các cơ sở đào tạo đường thủy.
Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm gia, giám sát đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật chuyên ngành trong công tác đào tạo, thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đối với các cơ sở đào tạo, trọng tâm là việc tuân thủ về thời lượng đào tạo, huấn luyện, công tác quản lý học viên, công tác tổ chức thi.
Cục đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường công tác này từ cấp Cục, phòng đến các đơn vị. Trong đó, yêu cầu các cảng vụ Đường thủy nội địa tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các phương tiện, cảng, bến, vùng nước phục vụ hoạt động đào tạo, huấn luyện thuộc phạm vi quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm (nếu có); kiểm tra, xác minh và xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi không xây dựng, trình phê duyệt phương án bảo đảm ATGT, không thông báo kế hoạch huấn luyện (nếu có)...
Đối với các cơ sở đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, Cục yêu cầu tổ chức thực hiện đầy đủ chương trình đào tạo, huấn luyện theo quy định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học hộ, thi hộ, học viên không dự học, dự học không đầy đủ vẫn được thi, kiểm tra... Trước khi tổ chức đào tạo thực hành, tập huấn, cơ sở đào tạo phải gửi kế hoạch đào tạo của khóa học cho cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực nơi cơ sở hoạt động để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát...
Thời gian tới, theo Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Hoàng Minh Toàn, cần triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm. Theo đó, rà soát hệ thống văn bản pháp luật về công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động này.
Cùng đó, ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và đầu tư trang thiết bị đào tạo để tăng cường công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, gian lận.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước theo phân cấp quản lý; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; nghiêm túc quán triệt tới công chức, viên chức, người lao động không để tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, kiểm tra, cấp, đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.
"Tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chủ động đề xuất các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, phù hợp yêu cầu quản lý, phù hợp thực tiễn; hạn chế tối đa các kẽ hở, ngăn chặn nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra", Phó cục trưởng Hoàng Minh Toàn cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận