Quân sự

Quân đội Trung Quốc từng sa lầy vì tham nhũng khi bắt đầu được làm kinh tế

19/05/2021, 14:57

Bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ý thức được việc phải duy trì quyền lực đối với quân đội.

img

Chủ tịch Trung Quốc đứng trên xe Hồng Kỳ ra lệnh cử hành lễ duyệt binh ở Thiên An Môn.

Năm 1927, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông tuyên bố rằng quyền lực chính trị phải phát triển từ hoạt động quân sự.

Vào thời điểm đó, tổ chức Cộng Sản của Trung Quốc chủ yếu hoạt động dưới hình thức khởi nghĩa vũ trang chống lại lực lượng Quốc Dân đảng đang nắm quyền.

Chính quân đội đã đưa Đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền bằng chiến thắng trong cuộc nội chiến năm 1949.

Trong những năm đầu cầm quyền, tất cả các nhà lãnh đạo đảng đều có kinh nghiệm quân sự.

Nhưng, Trung Quốc nhận ra là cần phải thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ và toàn diện đối với quân đội, ngăn chặn sự sụp đổ của đất nước giống như đã xảy ra đối với Liên Xô.

Quyền lực đối với quân đội

Theo giải thích của nhà báo quân sự Josephine Ma trong một ấn bản được đăng trên tờ South China Morning Post (SCMP), sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 là một bài học thuyết phục ĐCSTQ phải duy trì quyền lực đối với quân đội, nếu không quyền cai trị của mình sẽ bị thách thức.

Ngoài ra, vào năm 2015, một bài báo khác được đăng trên tờ báo chính thức quân đội Trung Quốc (tờ PLA Daily) cũng bàn về vấn đề này và nhắc nhở về bài học Đảng Cộng sản Liên Xô đánh mất quyền lực đối với quân đội nên chế độ của họ bị sụp đổ.

Sự thiếu khả năng trong quản lý của chính phủ đối với quân đội đã được chứng minh vào năm 2008, khi một trận động đất mạnh 8 độ Richter ở Tứ Xuyên khiến 87.000 người thiệt mạng, 370.000 người bị thương và 5 triệu người mất nhà cửa.

Khi đó PLA chần chừ tuân thủ mệnh lệnh của chính phủ Trung Quốc và đã không huy động quân đội vào ngày đầu tiên xảy ra thảm họa để cứu trợ người dân.

Loại bỏ tận gốc tham nhũng

Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, chính trị gia này đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn trong quân đội và đánh bại nhiều nhóm tướng lĩnh có tầm ảnh hưởng trong lực lượng vũ trang.

Trong nhiều thập kỷ, quân đội Trung Quốc được biết đến là sa lầy trong tham nhũng, vấn nạn này bắt nguồn và phát triển mạnh mẽ vào những năm 1980 khi quân đội được phép tham gia làm kinh tế để bổ sung tài chính cho ngân sách của mình.

Chính sách này bị dừng vào năm 1998, nhưng nạn tham nhũng vẫn tràn lan trong quân đội, nhà báo Josephine Ma cho biết thêm.

Năm 2015, ông Tập Cận Bình đã dừng các hoạt động kinh tế của PLA và ra lệnh tập trung xây dựng một quân đội hiện đại.

Tuy nhiên, ông đã phải vượt qua sự chống đối tuyệt vọng của một nhóm quan chức tham nhũng do Bạc Hy Lai, con trai của cựu Phó Thủ tướng Bạc Nhất Ba - nhà lãnh đạo đảng nổi tiếng của Trung Quốc, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cũng như một số tướng lĩnh cao cấp trong quân đội cầm đầu.

Ông Tập Cận Bình đã thành công “nhổ tận gốc thành trì” của các nhóm tham nhũng bằng cách tổ chức lại các cơ quan đầu não của chính quyền, quân đội và các quân khu.

Ông Tập nhận chức Tổng tư lệnh quân đội vào năm 2016 và chính thức đặt quân đội dưới quyền kiểm soát của mình.

Năm 2017 điều lệ đảng ĐCSTQ đã được thay đổi, theo đó các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Bí thư Quân ủy Trung ương. Vào tháng 1 năm 2021, Hội đồng Nhà nước (Nội các Bộ trưởng) bị mất quyền tham gia vào việc phát triển các chính sách quân sự, chuyển giao mọi quyền quyết định cho ĐCSTQ.

Tất cả điều này đã mở rộng quyền hạn cho ông Tập Cận Bình lãnh đạo, để có thể huy động mọi nguồn lực quân sự và dân sự nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia ở cả trong và ngoài nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.