Iran đã thay đổi thái độ và phản đối Mùa xuân Ả rập khi phong trào này lan đến Syria. |
Khi phong trào “Mùa Xuân A-rập” khởi phát ở Tunisia, lan sang Ai Cập, Libya và Bahrain, Iran đã nhiệt tình ủng hộ vì cho rằng đây là sự “thức tỉnh Hồi giáo” được truyền cảm hứng từ cuộc cách mạng Hồi giáo của chính mình. Nhưng khi phong trào lan đến Syria vào khoảng tháng 7/2011, Iran đã thay đổi đường lối. Tehran lên án dữ dội nó là một âm mưu được Mỹ và Israel dựng lên để lật đổ al-Assad và tiêu diệt Liên minh kháng chiến.
Iran đã áp dụng một chiến lược đa diện để bảo vệ chế độ al-Assad, bảo vệ những lợi ích của Iran ở Syria và phòng thủ cho Hezbollah ở Liban.
Một là, cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho al-Assad. Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đã cung cấp cho Syria sự hỗ trợ kỹ thuật và tình báo, kể cả kỹ thuật kiểm soát đám đông và công nghệ để làm gián đoạn mạng xã hội, mạng Internet. Khi phe đối đối lập với al-Assad mở rộng bạo lực và kéo Syria vào cuộc nội chiến, Tehran bắt đầu gửi đến vũ khí và cố vấn để đảm bảo Damascus không thua.
Mặt khác, Iran lại cảnh báo chống lại bất kỳ sự can thiệp quân sự nước ngoài nào vào Syria. Cựu Ngoại trưởng Iran Ali Akbah Salehi: “NATO sẽ bị kéo vào vũng lầy và không bao giờ có thể tự giải thoát ra được”, và “xung đột phe phái sẽ lan truyền hơn nữa đến Iraq, Liban, Jordan và thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ!”.
Hai là, tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria mà vẫn bảo vệ al-Assad và chế độ của ông này. Khi các cuộc nổi dậy lan rộng ở Syria vào năm 2012, Tehran bắt đầu công khai thúc giục al-Assad thực hiện cải cách và đàm phán với các lực lượng đối lập “hợp pháp”, kể cả với tổ chức Anh em Hồi giáo. Iran cũng công bố một kế hoạch hòa bình 6 điểm cho Syria, trong đó kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực, viện trợ nhân đạo cho người dân Syria, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Syria, hỗ trợ người tị nạn Syria quay về nhà…
Ba là, thành lập một mặt trận quốc tế thân al-Assad trong khi ngăn chặn các nước trung lập tham gia liên minh quốc tế chống lại nhà lãnh đạo Syria. Iran đã gây sức ép để Iraq ủng hộ chế độ al-Assad, bất chấp việc al-Assad từng cho phép các chiến binh Thánh chiến vượt biên giời Syria để chiến đấu chống lại Baghdad trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng Iraq.
Quan trọng nhất, Iran đã dịch chuyển tới gần Nga hơn để phối hợp chính sách về Syria của mình. Thực tế, Iran và Nga chia sẻ nhiều mục tiêu và mối lo ngại chung ở Syria, do vậy, hai nước đều phản đối sự thay đổi chế độ al-Assad, phản đối cuộc can thiệp quân sự vào Syria do phương Tây hay LHQ bảo trợ, đều cho rằng đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập là con đường duy nhất dẫn tới hòa bình, và đều thúc giục al-Assad thực hiện cải cách.
Bốn là, cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Syria cũng như bảo vệ và đẩy mạnh những lợi ích của riêng mình. Mới đây, hai nước đã ký một thỏa thuận về việc Ngân hàng Trung ương Iran cung cấp cho Ngân hàng Trung ương Syria 3,6 tỷ USD để mua dầu lửa của Iran, đổi lại Iran sẽ được phép đầu tư một số tiền tương tự vào Syria. Tiếp đó là thỏa thuận xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Iran qua Iraq, Syria đến Địa Trung Hải và Liban, dài khoảng 5.600km với chi phí ước tính 10 tỷ USD. Đường ống này sẽ cho phép Iran tiếp cận các thị trường châu Âu, đồng thời cung cấp cho Syria, Liban, thậm chí cả Jordan khí tự nhiên để sản xuất điện.
Năm là, củng cố vị thế của Iran ở Liban và thiết lập một nguồn sức mạnh mới ở đó, độc lập với Hezbollah, trong trường hợp al-Assad sụp đổ. Iran cũng yêu cầu Hezbollah ủng hộ vô điều kiện đối với chế độ al-Assad. Thực tế, Hezbollah đã can thiệp trực tiếp vào Syria bằng cách gửi các chiến binh đến Syria để cùng Iran giúp chính phủ al-Assad thành lập các mạng lưới dân quân và lực lượng phòng thủ địa phương chống lại quân nổi dậy và các thành phần Thánh chiến như al-Nusra và Nhà nước Hồi giáo (IS) mới nổi lên.
Tóm lại, đối với Tehran, Syria chính là mặt trận chính trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược với Mỹ và Saudi Arabia, chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan Salafi, Wahhabi, al-Qaeda, al-Nusra và IS. Iran đã phải tốn kém rất nhiều để duy trì liên minh kéo dài 3 thập kỷ qua với Syria, và tài sản quý giá nhất có được từ liên minh này chính là Hezbollah.
Sự sụp đổ của chế độ al-Assad có thể khiến cả Hezbollah và Iran thất bại hoàn toàn. Như mô tả của cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Israel MOSSAD, Efraim Halevy, “nếu chính phủ al-Assad vấp ngã, Syria sẽ trở thành gót chân Achilles của Iran”. Đây là lí do tại sao Iran sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ chế độ Syria, có hoặc không có al-Assad.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận