Cảng Đình Vũ. Ảnh Trần Hải. |
Thực tiễn hoạt động đầu tư, khai thác cảng biển Việt Nam đang đứng trước một câu hỏi lớn - đó là xác định phương thức và mô hình quản lý về cảng biển thế nào cho phù hợp để đạt hiệu quả tương xứng với tiềm năng và góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển của Đảng và Chính phủ đề ra.
Cấp thiết phải có cơ quan quản lý cảng
Tương tự việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển, hệ thống quản lý cảng thích hợp là rất quan trọng và không thể thiếu, để đảm bảo cho công tác khai thác có hiệu quả và đạt năng suất cao. Mặc dù có rất nhiều cơ quan tham gia thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước, nhưng hiện nay lại thiếu một cơ quan quản lý thống nhất hoạt động của các doanh nghiệp khai thác cảng trong phạm vi của cảng biển. Cũng như chưa có một cơ quan quản lý thống nhất vùng đất và vùng nước cảng được xem là tài sản của quốc gia.
Trong Bộ luật Hàng hải 2005 có quy định Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển quốc gia, Quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển, nhưng chưa có quy định về Quy hoạch cảng dành cho cá thể cảng với vai trò là công cụ hướng dẫn đầu tư và đánh giá quy hoạch phát triển cá thể cảng, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún và là cơ sở để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển.
Luật cũ cũng chưa có chủ thể chịu trách nhiệm quản lý và phối hợp kinh doanh khai thác cảng nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của cảng biển, trên quan điểm đảm bảo các lợi ích của hàng hải và thương mại. Hiện nay, các bến cảng do các doanh nghiệp khai thác cảng (doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các liên doanh với công ty nước ngoài…) đang tự quản lý theo điều kiện kinh doanh của mình.
Với quy định cũ, chưa có cơ quan tại cảng biển Việt Nam chịu trách nhiệm giám sát kinh doanh cảng và có thẩm quyền thanh tra các điều kiện chuyển nhượng khai thác nhằm đảm bảo sự bình đẳng cho doanh nghiệp khai thác cảng theo điều kiện kinh doanh của mình. Do vậy, cần thiết phải có các quy định chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh và hệ thống giám sát kinh doanh tại mỗi cảng. Cùng đó, thời gian qua, chưa có cơ quan có thẩm quyền kiểm tra tình hình kinh doanh cảng biển để đảm bảo quản lý cảng biển đúng hướng trong điều kiện kinh tế thị trường và giải quyết những nội dung quan trọng khác. Vì thế, việc thành lập một cơ quan quản lý cảng biển Việt Nam là rất cấp thiết để giải quyết những vấn đề nêu trên.
Đi tìm mô hình phù hợp
Với mục đích tìm mô hình quản lý cảng biển Việt Nam, trước hết cần xác định rõ mục tiêu, quyền hạn và chức năng của tổ chức hoặc cơ quan quản lý cảng biển.Mục tiêu của cơ quan quản lý cảng nhằm quản lý thống nhất để khai thác cảng có trật tự, có năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế và có khả năng cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực.Cơ quan quản lý cảng thực hiện thẩm quyền pháp lý trong phạm vi cảng, hình thành một đơn vị chức năng kinh tế.
Trong quá trình chuyển nhượng quyền khai thác cảng như hiện nay, cơ quan quản lý cảng sẽ mang tính chất của mô hình Cảng chủ (landlord port), nên cơ quan này có chức năng thẩm quyền phát triển cảng và quản lý đất đai theo mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ và nhu cầu phát triển vùng như tạo việc làm, thúc đẩy sự phát triển và thay đổi cơ cấu kinh tế vùng.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cảng còn có nhiều chức năng cơ bản khác như: Quản lý Nhà nước, quản lý và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật trong khu vực cảng; Duy tu bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp và xây dựng kết cấu hạ tầng; Quy định và thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng; Kí kết hợp đồng (nhượng quyền, cho thuê) và các điều kiện khác (giấy phép công) cho nhà khai thác tư nhân cung cấp dịch vụ cảng bảo đảm lựa chọn được nhà khai thác cảng có năng lực, hiệu quả với giá cho thuê tối ưu nhất; Quy định điều kiện cung cấp dịch vụ cảng đảm bảo kinh doanh bình đẳng cho các công ty khai thác cảng và công ty cung cấp dịch vụ khác; Phối hợp trong việc giải quyết cho tàu thuyền cập/rời cầu cảng; Đảm bảo trật tự chung trong khu vực cảng, chống tắc nghẽn và ứ đọng hàng hóa tại cảng; Bảo vệ môi trường và marketing...
Có thể tham khảo về mô hình này tại nhiều nước phát triển để tìm ra mô hình phù hợp cho Việt Nam. Đơn cử tại Mỹ, mỗi bang chịu trách nhiệm về hệ thống quản lý cảng trong phạm vi thẩm quyền của mình. Do đó, các bang ven biển có quy định về chính quyền cảng (port authority) hoặc khu cảng (port district) để quản lý cảng và điều tiết các hoạt động liên quan đến cảng.
Bộ luật bang Virginia quy định, chính quyền cảng Virginia là cơ quan nhà nước thực hiện các chức năng chính quyền. Chính quyền Cảng có Hội đồng Giám sát điều hành và các thành viên hội đồng do Thống đốc bổ nhiệm và được hội đồng bang phê chuẩn.
Tại Singapore, chính quyền hàng hải và Cảng được thành lập theo Đạo luật Singapore ban hành tháng 2/1996, tách quản lý nhà nước ra khỏi Chính quyền cảng Singapore, cơ quan này đã trở thành công ty quản lý và khai thác cảng.
Tại Nhật Bản, Luật Cảng được xây dựng vào năm 1950 có quy định về chính quyền cảng với tư cách là cơ quan quản lý cảng. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một chính quyền cảng được thành lập theo Điều 4 của Luật Cảng và bến cảng của Nhật Bản và 166 chính quyền địa phương đóng vai trò là cơ quan quản lý cảng theo điều 33 thay cho vai trò chính quyền cảng được quy định trong luật.
Với Việt Nam, hệ thống cảng biển hiện có 31 cảng thương mại tổng hợp, trong đó Trung ương quản lý 14 cảng loại I và địa phương quản lý 17 cảng loại II. Tại mỗi cảng có nhiều chủ thể cảng tự quản lý và kinh doanh khai thác.
Theo kinh nghiệm của các nước và để thực hiện các chức năng quản lý hiện chưa có tổ chức nào đảm nhận, cần thiết phải có một cơ quan có chức năng và thẩm quyền để thống nhất quản lý, nhằm đảm bảo khai thác cảng có hiệu quả và có khả năng phát triển tương xứng với tiềm năng về biển của nước ta, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công chiến lược biển của Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Trước mắt, có thể nghiên cứu thành lập cơ quan quản lý cảng tại một cảng quan trọng trong các cảng loại I do Trung ương quản lý để làm thí điểm. Tổ chức đó là một cơ quan quản lý cảng hay chính quyền cảng cũng nhằm đạt được mục tiêu đã nêu. Hơn nữa, cũng đến lúc cần nghiên cứu tách và phát triển chương Cảng biển của Bộ luật Hàng hải Việt Nam thành Luật Cảng biển Việt Nam trong đó sẽ quy định chi tiết về cơ quan quản lý cảng biển Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận