Ngậm ngùi chia tay nhân viên
Mạng xã hội vừa đăng tải đoạn clip ghi lại buổi họp nội bộ của một khách sạn, trong đó quản lý nghẹn lời khi buộc phải cho nhân viên nghỉ 4 tháng vì "kiệt sức".
Đứng trước hàng chục nhân viên mang vẻ buồn rầu, chán nản, nữ quản lý thẳng thắn thừa nhận, khách sạn đang gặp khó khăn, mỗi ngày chỉ đạt 1-3 triệu đồng doanh thu, khoản đó chi trả tiền điện còn là vấn đề lớn, chưa nói đến trả lương cho nhân viên.
Tuy nhiên, khách sạn không áp đặt mà vạch ra nhiều phương án cho nhân viên lựa chọn, cùng chia sẻ:
Đối với những ai quyết định về quê tạm thời, mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu; Cộng tổng 4 tháng là 6 triệu đồng. "Các bạn sẽ được công ty trả 6 triệu, vào ngày mùng 5/8, sau khi các bạn đi làm trở lại”, nữ quản lý thông tin.
Hai là, lựa chọn phương án tiếp tục đi làm. Với lựa chọn này, mỗi người sẽ đi làm đủ 18 ngày công và nhận lương 4 triệu đồng/tháng. Sẽ không còn chức vụ, không còn ranh giới giữa sếp và nhân viên nữa, vì: “Bây giờ là lúc chúng ta đối xử như nhau. Bếp trưởng bình thường 20 triệu nay cũng nhận 4 triệu. Hãy cố gắng, vì tình hình khó khăn hiện tại mà mọi người hãy bỏ qua những thắc mắc như: Tại sao mình đang mức lương 12 triệu mà giờ chỉ còn 4 triệu?".
Theo tìm hiểu, khách sạn trong đoạn video là một trong số các chi nhánh của chuỗi khách sạn 3 sao Hanoi Emerald Waters Hotel nổi tiếng tại phố cổ Hà Nội.
Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Hằng, chủ chuỗi khách sạn nói trên rơi nước mắt chia sẻ, dịch Covid-19 kéo dài, khách giảm sút mạnh khiến cho toàn bộ 9 khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel ngưng trệ. Thực tế Hanoi Emerald Waters Hotel đã phải đóng cửa 4 địa điểm và cắt giảm 50% nhân sự.
"Toàn bộ khách hàng từ các chi nhánh đã đóng cửa đều được đưa về nhận phòng tại khách sạn ở phố Lò Sũ. Đây là một trong vài địa điểm còn lại vẫn đang hoạt động bình thường", bà Hằng nói.
Nếu tình trạng này kéo dài thêm 4 tháng, bà chủ dự tính sẽ phải đóng cửa hệ thống Hanoi Emerald Waters Hotel, khối tài sản mà bà mất 20 năm gây dựng.
Theo bà Hằng, hiện tại, lượng khách tại một vài cơ sở của Hanoi Emerald Waters Hotel còn hoạt động khá ít ỏi, chỉ khoảng 20% số phòng có khách thuê, trong khi, phải cần đến 80% số phòng có khách mới giúp khách sạn tồn tại.
Công ty đóng cửa, giám đốc phải đi tìm việc làm
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra ở nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel cho biết, doanh nghiệp có 30 nhân sự và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19 bởi tour đi các nước Châu Á chiếm thị phần đến 50% lượng khách của công ty.
Từ lúc có dịch, toàn bộ tour Trung Quốc bị hủy, nay tour Hàn Quốc, Nhật Bản cũng hủy tiếp. Doanh nghiệp chịu thiệt bởi ngoài việc khách hủy tour khiến đơn vị không có doanh thu thì toàn bộ số tiền đặt cọc vỡi hãng hàng không cũng không thể lấy lại.
Theo ông Nghĩa, doanh nghiệp ông vẫn đang khai thác khách đi Châu Âu nên còn cầm cự được lương cho nhân viên. Tuy nhiên, việc này cũng không thể kéo dài. Nếu như diễn biến dịch còn kéo dài sau 3 tháng nữa, doanh nghiệp ông sẽ phải cho nhân viên nghỉ việc thay phiên.
Còn giám đốc một doanh nghiệp lữ hành chuyên khai thác tour Châu Á ngậm ngùi chia sẻ: “Công ty tạm đóng cửa, tôi cũng đang phải tìm việc cho bản thân. Doanh nghiệp tôi là doanh nghiệp nhỏ chuyên khai thác tour các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nay gặp phải dịch cả 3 nước đó nên chỉ còn cách đóng cửa”.
Một doanh nghiệp lữ hành quy mô nhỏ khác tại Hà Nội cũng cho hay: “Tôi cho nhân viên nghỉ việc thay phiên. Tuần này nhóm này nghỉ rồi tuần khác nhóm khác nghỉ thay nhau. Lương tôi chỉ còn trả 50%. Chúng tôi hy vọng đến tháng 5 nắng ấm doanh nghiệp sẽ có khách khai thác trở lại”.
Gần 20 nghìn khách quốc tế huỷ tour tới Hà Nội; Ngành du lịch ước tính thiệt hại 7 tỷ USD
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội: Dịch Covid-19 đã tác động tương đối lớn đến quyết định của du khách trong việc hủy kế hoạch đi du lịch giai đoạn từ tháng 1-4/2020.
Tính đến trung tuần tháng 2, đã có 19.846 khách quốc tế hủy tour đến Hà Nội tập trung chính vào đối tượng khách đến từ Trung Quốc (17.120 lượt) và còn lại là thị trường khác như: Đài Loan, Singapo, Nhật, Indonesia, Châu Âu, Mỹ… Có 15.125 lượt khách Việt Nam đã hủy tour đi du lịch nước ngoài - chủ yếu đăng ký đi du lịch Trung Quốc (8.702 lượt) và hơn 19.119 lượt khách nội địa hủy tour đến Hà Nội.
Theo số liệu thống kê từ các cơ sở lưu trú, số ngày phòng bị hủy 30.665 ngày phòng; số lượng khách đặt đã thông báo hủy phòng là 42.773 lượt. Tình hình kinh doanh vận chuyển khách du lịch cùng sụt giảm công suất xe lưu hành từ 40-60%...
Dịch bệnh bùng phát khiến nhu cầu đi lại, đặc biệt là đường hàng không giảm mạnh, hàng loạt chuyến bay bị hủy..., kéo theo việc hàng loạt các công ty lữ hành, khách sạn rơi vào tình trạng ế ẩm, trong khi chi phí duy trì không hề nhỏ.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng kể từ khi Covid-19 vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, du lịch Việt Nam đã phải hứng chịu những hậu quả nặng nề. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành sẽ rơi vào khoảng từ 5,9 đến 7 tỷ USD.
Cụ thể, hơn 30% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam là từ Trung Quốc. Và với chính sách hạn chế nhập cảnh với du khách từ Trung Quốc, cũng như các khu vực đang chịu ảnh hưởng bởi virus Corona, số lượng khách đến với Việt Nam đang giảm mạnh.
Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ mất đi nhiều du khách tiềm năng từ các nơi khác trên thế giới, những người đang quan tâm đến việc du lịch ở khu vực Châu Á. Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, hoạt động trong nước cũng đang bị hạn chế khá lớn do những chính sách được ban hành để phòng ngừa dịch lây lan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận