Sông Thu Bồn đoạn qua Hội An (Quảng Nam) |
Những năm qua, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam thông qua Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu và áp dụng một số giải pháp theo cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái và tăng cường sức chống chịu của vùng ven biển. Hoạt động này nhằm giải quyết các thách thức về môi trường do tác động của phát triển và biến đổi khí hậu.
Một số hoạt động được thực hiện trong thời gian qua gồm các dự án nhỏ về phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, xây dựng không gian xanh - công viên ven biển tại thành phố Hội An, xử lý nước thải bằng công nghệ sạch và trồng rừng ngập mặn tại khu vực Cẩm Thanh…
Ở Việt Nam, quản lý tài nguyên nước không được thực hiện ở cấp lưu vực, dẫn đến mâu thuẫn giữa các ngành, lĩnh vực và giữa người sử dụng nước ở thượng nguồn và hạ nguồn về quyền sở hữu, ưu tiên.
Tại hội nghị, TS Đào Trọng Tứ- Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu chia sẻ, chức năng sống của một lưu vực sông cần được nhìn toàn diện và rõ ràng khi phát triển lưu vực sông từ đầu nguồn đến vùng bờ biển. Tài nguyên nước của một con sông là tài sản, là nguồn sống của tất cả cộng đồng sống trên lưu vực và không thuộc quyền sở hữu hoặc ưu tiên cho bất cứ lợi ích của ngành dùng nước đơn lẻ nào.
Vì vậy, trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam không đến từ bản thân lưu vực Vu Gia - Thu Bồn. Sự phát triển thiếu bền vững mới chính là yếu tố làm suy giảm chức năng duy trì và sự sống của lưu vực.
Hội thảo đã đưa ra những khuyến nghị giải quyết các vấn đề xuyên lưu vực (từ đầu nguồn đến vùng bờ và biển) cho tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng và soạn thảo tóm tắt chính sách về quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông gắn với quản lý tổng hợp vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam.
Lam Trình
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận