Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu bế mạc Hội nghị học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII. Ảnh: SGGP |
Phát biểu bế mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 ngày 30/11, đề cập đến vấn đề tinh giản biên chế, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng nhắc đến việc nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 108 của Chính phủ theo hướng các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc giảm biên chế; thực hiện nghiêm chính sách theo quy định và bảo đảm kinh phí để thực hiện kể từ năm 2018. Ông cũng khẳng định chắc chắn quyền lợi của người lao động thuộc diện tinh giản biên chế sẽ được quan tâm giải quyết.
Về các ý kiến đề nghị phân tích rõ thêm trách nhiệm của tập thể và cá nhân để xảy ra tình trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cồng kềnh, chồng chéo, ông Thưởng lý giải, đây là kết quả của cả một quá trình lâu dài, tích tụ những bất hợp lý trong bộ máy Nhà nước nhiều năm qua. Và chúng ta đã nhận thức được vấn đề rất sớm, đặt ra yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng bộ máy hành chính ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI.
Tuy nhiên, qua cả quá trình thực hiện, kết quả đạt được chưa cao. Về nguyên nhân, Nghị quyết 18 đã chỉ ra là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức Đảng chưa đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng, tính cấp thiết và những yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ. “Ai cũng đồng tình rằng, bộ máy cồng kềnh, bất hợp lý, phải làm mạnh mẽ, nhưng đi vào thực hiện thì nhiều cơ quan đơn vị nói rằng chỗ tôi làm tốt lắm rồi, không phải tinh giản”, ông Thưởng nêu thực tế.
Để khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống, ông Thưởng đề nghị các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc T.Ư và các tổ chức Đảng ngay sau hội nghị này, làm tốt 5 việc: Tiếp tục tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết ở địa phương, đơn vị cho các đối tượng chưa được dự, triển khai thực hiện các Nghị quyết ở các cấp bảo đảm chất lượng và đúng thời gian quy định. Thứ hai, bố trí thời gian hợp lý, thỏa đáng để thảo luận chương trình, kế hoạch hành động sát hợp với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị, với những giải pháp cụ thể, lộ trình thích hợp; Kiên quyết khắc phục hiện tượng sao chép chương trình, kế hoạch hành động của cấp trên hoặc xây dựng một cách hình thức, chung chung. Thứ ba, làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình tổ chức thực hiện các Nghị quyết. Thứ tư, triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 phải gắn bó mật thiết với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Thứ năm, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết một cách thường xuyên.
Cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận