Xã hội

Quảng Bình chủ động phương án sống chung với lũ

28/10/2024, 15:00

Nước các con sông lớn ở Quảng Bình lên nhanh trong đêm (27/10) khiến người dân nhiều huyện, thị ở Quảng Bình không kịp trở tay. Ngay trong đêm tối, lực lượng chức năng đã sử dụng ca nô hỗ trợ người dân đến nơi an toàn.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong 2 ngày 27 và 28/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có mưa to đến rất to, nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao gây ngập lụt chia cắt, cô lập nhiều thôn, bản ở khu vực biên giới.

Quảng Bình chủ động phương án sống chung với lũ- Ảnh 1.

Bộ đội Biên phòng đi đến các điểm bị chia cắt để di tản người dân ở vùng biên giới.

Tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngay từ sáng 27/10 mưa to, nước lũ các sông, suối đổ về dâng cao làm nhiều thôn, bản đã bị chia cắt, như: Dốc Mây, Rìn Rìn, Trung Sơn, Hôi Rấy, Nước Đắng...

Ngay trong đêm Đồn biên phòng Làng Mô phối hợp với các lực lượng ở địa phương vận động, di dời 1 hộ với 3 nhân khẩu trong vùng có nguy cơ ngập lụt về đơn vị, đồng thời triển khai lực lượng hỗ trợ bà con di chuyển tài sản lên vị trí an toàn.

Tại địa bàn biên giới các huyện Bố Trạch và Minh Hóa, nước trên các sông, suối dâng cao gây chia cắt cục bộ. Các đồn biên phòng: Cà Roòng, Cồn Roàng, Cà Xèng đã điều động lực lượng bám sát địa bàn, thiết lập cảnh báo, hướng dẫn và tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, không đi vào rừng và đánh bắt cá.

Lực lương CSGT-TT Công an huyện Lệ Thủy dùng ca nô hỗ trợ người dân tại vùng rốn lũ.

Tại vùng "rốn lũ" Lệ Thủy, mưa lớn trong ngày 27 và ngày 28/10 cũng khiến tuyến đường quốc lộ 1A và tuyến quốc lộ 9B nhiều đoạn chìm trong biển nước. Trước diễn biến bất lợi trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, trực tiếp là Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Công an tỉnh đến hiện trường các địa bàn xung yếu, nước lên nhanh và gây ngập lụt cao để chỉ đạo lực lượng công an triển khai các phương án ứng phó, giúp dân.

Thiếu tá Hoàng Trọng Phước - Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an huyện Lệ Thủy cho biết, nhận chỉ đạo từ Ban giám đốc Công an tỉnh, ngay khi mực nước sông Kiến Giang lên gây ngập diện rộng trên địa bàn, để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản cho người dân chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng ứng trực tại chỗ sử dụng ca nô để đi hỗ trợ người dân.

Quảng Bình chủ động phương án sống chung với lũ- Ảnh 2.

Công an huyện Lệ Thủy huy động lực lượng đi hỗ trợ người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

"Trong đêm tối, nhiều hộ dân bị nước lũ cô lập đã được anh em dùng thuyền chuyên dụng chở nhiều người dân đến nơi an toàn. Cùng đó là tài sản người dân cũng được lực lượng công an phối hợp với chính quyền địa phương sơ tán đến nơi an toàn".

Theo lãnh đạo Công an huyện Lệ Thủy, ngoài nhiệm vụ di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn, chúng tôi phân công từng tổ đến các vị trí xung yếu, các tuyến đường bị ngập sâu để lập rào chắn cảnh báo các phương tiện đi qua.

Tại xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, thời điểm này cả xã đang ngập trong biển nước, trên từng chuyến ca nô của lực lượng chức năng đang rà từng ngõ, tuyến đường để hỗ trợ người dân. Ông Lê Văn Quyết trao đổi, trước khi nước lũ dâng cao, vào ngày 25/10, trên các phương tiện loa truyền thông của xã đã phát đi thông báo để người dân chủ động ứng phó, tích trữ lương thực.

Quảng Bình chủ động phương án sống chung với lũ- Ảnh 3.

Nhiều ngôi nhà ở huyện Lệ Thủy ngập sâu trong biển nước. Các trụ sở cao tầng, nhà dân được bố trí tạm cho người dân yếu thế đến tạm trú.

"Khi nước dâng cao, chúng tôi đã di chuyển người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn, những nhà thấp được lực lượng bộ đội, công an đưa đến các trụ sở để trú ngụ", ông Quyết thông tin.

Ông Đặng Văn Dương - Chánh văn phòng UBND huyện Lệ Thủy cho biết, từ những đợt lũ trước, người dân đã có kinh nghiệm cũng như xây nhà cao tầng nên không có sự cố đáng tiếc nào. Thêm vào đó, khi có cảnh báo nước lũ lên cao, từ huyện đến thôn cắt cử lực lượng sơ tán những người yếu thế đến nơi an toàn, những hộ dân nhà thấp, sống gần sông được bố trí đến các trụ sở cao ráo để tránh lũ.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chỉ mới ghi nhận 1 trường hợp anh Lê Ngọc Hơn (SN 2002, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) đi hỗ trợ người dân bị nước lũ cuốn trôi tử vong.

"Tại các điểm tránh lũ, chính quyền địa phương bố trí nước uống, thức ăn và đồ nhu yếu phẩm khác để người dân sử dụng", ông Dương nói.

Trên các cung đường quốc lộ bị ngập sâu trong biển nước, Văn phòng Quản lý đường bộ 2.4 cắt cử cán bộ nhân viên ứng trực, lập rào chắn, điều tiết phương tiện di chuyển sang những tuyến đường chưa bị ngập để tiếp tục hành trình.

Quảng Bình chủ động phương án sống chung với lũ- Ảnh 4.

Đại tá Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình (bên phải ảnh) đến vùng rốn lũ Lệ Thủy chỉ đạo cứu hộ người dân.

Ông Nguyễn Bảo Giang - Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ 2.4 cho biết, ngay trong tối 27/10, nhiều vị trí trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa phận huyện Quảng Ninh, TP Đồng Hới, huyện Lệ Thủy ngập sâu trong nước. Để cảnh báo các phương tiện và đảm bảo an toàn cho người dân chúng tôi đã ứng trực xuyên đêm.

"Đến thời điểm này, thời tiết ở Quảng Bình vẫn mưa to, mực nước trên các con sông vẫn chưa có dấu hiệu rút vì vậy cán bộ văn phòng vẫn ngày đêm túc trực trên các điểm sạt lở, ngập úng", ông Giang nói.

Tính đến trưa 28/10, trên toàn tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão số 6 gây mưa lớn đã khiến hơn 16.000 nhà dân ở các địa phương trong tỉnh bị ngập lụt, các tuyến đường giao thông quan trọng bị chia cắt, sạt lở.

Quảng Bình chủ động phương án sống chung với lũ- Ảnh 5.

Cán bộ Văn phòng Quản lý đường bộ 2.4 túc trực tại các điểm ngập trên quốc lộ 1A.

Tại huyện Lệ Thủy có hơn 12.300 nhà dân bị ngập; huyện Quảng Ninh có hơn 4.000 nhà dân bị ngập; TP Đồng Hới 370 nhà dân bị ngập. Ngoài ra, huyện Lệ Thủy có 5 thôn, bản bị chia cắt; huyện Quảng Ninh có 112 thôn, bản bị chia cắt. Các tuyến đường giao thông trên quốc lộ 9B, quốc lộ 9C, quốc lộ 15, quốc lộ 1 và các đường tỉnh đang bị ngập sâu và sạt lở ở nhiều điểm.

Hiện, ngoài một người mất tích tại xã Thái Thủy (Lệ Thủy); sản xuất nông nghiệp và hạ tầng giao thông tại huyện Lệ Thủy cũng bị thiệt hại, với hơn 370ha rau màu, 100ha cá vụ ba ở xã Tân Thủy bị ngập úng, hơn 3.000m3 đất và 1,5km kè biển sạt lở.

Để bảo đảm an toàn cho người dân, huyện Lệ Thủy đã tổ chức di dời 89 hộ với 333 nhân khẩu; huyện Bố Trạch di dời 12 hộ với 53 nhân khẩu; huyện Quảng Ninh di dời 50 hộ với 160 nhân khẩu…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.