Cõng xe quá tải, cầu dân sinh Sảo Phong “kêu cứu”
Cách đây 3 năm, người dân xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình rất phấn khởi khi cây cầu dân sinh Sảo Phong bắc qua sông Gianh có trị giá gần 20 tỉ đồng được xây dựng khang trang, kiên cố đưa vào sử dụng, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn.
Cầu Sảo Phong bắc qua sông Gianh được đầu tư với số vốn gần 20 tỉ đồng đưa vào sử dụng từ năm 2020 để hỗ trợ người dân địa phương không phải qua sông bằng đò ngang nguy hiểm
Việc cầu Sảo Phong đưa vào sử dụng chấm dứt hẳn tình trạng người dân phải "cược" tính mạng trên những chuyến đò ngang chòng chành qua sông.
Thế nhưng, trong sự hân hoan có cây cầu mới, người dân các thôn Sảo Phong, Mã Thượng, Cao Trạch... của xã Phong Hóa lại lo lắng về an nguy của cây cầu khi hằng ngày chứng kiến hàng loạt xe quá tải chở vật liệu xây dựng (VLXD) từ mỏ đá lưu thông qua cầu để đi tiêu thụ.
Tuy nhiên, cùng với đó là việc xuất hiện các xe trọng tải lớn chở VLXD thường xuyên qua lại trên cầu khiến người dân lo ngại về sự xuống cấp của cây cầu
Theo người dân địa phương, việc hằng ngày xe chở VLXD từ mỏ đá tại thôn Sảo Phong chạy qua cây cầu bê tông đã có biển hạn chế tải trọng được người dân phản ánh nhiều.Tuy nhiên, vấn đề trên vẫn chưa được lực lượng chức năng giải quyết triệt để?!
“Mỗi ngày, có rất nhiều xe tải ben chở VLXD chạy trên tuyến đường bê tông liên xã Đức Hóa - Phong Hóa (có gắn biển hạn chế tải trọng 13 tấn) và qua cầu Sảo Phong (có gắn biển hạn chế tải trọng 16 tấn). Mỗi lần người dân qua cầu đều nơp nớp lo sợ vì cùng với đó là những chiếc xe tải ben chở đất, đá choán gần như hết phần cầu. Cùng đó, nhiều xe chở cát cơi nới thùng, che đậy không kỹ, thường xuyên làm cát vung vãi khắp mặt đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Cầu vốn hẹp lại cõng thêm các xe tải chở VLXD khiến việc lưu thông của các loại xe thô sơ gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT
Theo quan sát của PV báo Giao thông, tuyến đường bê tông liên xã dẫn lên cầu đều được gắn biển hạn chế tải trọng 13 tấn, trên cầu có biển hạn chế tải trọng 16 tấn nhưng mỗi ngày đều có hàng chục lượt xe ben qua cầu. Đặc biệt, có những thời điểm có 2 xe chạy tránh nhau trên cầu.
Thời điểm PV ghi hình, các xe ben bất chấp biển báo, gồm: 73C 089.14; 37C 017.10; 73C 096.22; 73C 008.10. Tất cả các xe đều chở “có ngọn” có dấu hiệu quá tải trọng cho phép khi lưu thông.
Theo số liệu từ Trung tâm đăng kiểm, các xe tải trên đều có trọng lượng bản thân cộng với tải trọng thiết kế từ 15 đến 17 tấn (chưa kể số hàng chở vượt tải trọng thiết kế trên mỗi xe).
Có tình trạng xe quá tải nhưng đỡ hơn so với trước dịch
Thừa nhận có sự việc trên, nhưng theo ông Hoàng Vĩnh Lợi, Chủ tịch UBND xã Phong Hóa, tình trạng xe chở quá tải chở VLXD đỡ hơn thời điểm trước dịch nhiều.
“Thời điểm trước dịch, xe chở quá tải hoạt động nhiều, sau khi bà con kiến nghị, lực lượng CSGT Công an huyện Tuyên Hóa thường xuyên tuần tra kiểm soát nên đã giảm rất nhiều. Sau đó lực lượng công an phối hợp với ban ATGT hàn các khung barie để hạn chế xe quá khổ chở quá tải lưu thông qua cầu”, ông Lợi cho biết.
Những chiếc xe tải chở theo hàng hóa có trọng tải từ 15 đến 17 tấn thường xuyên "cày ải" trên tuyến đường có gắn biển hạn chế trọng tải
Ông Lợi cũng cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh từ báo chí, xã sẽ đề nghị với lực lượng công an tăng cường công tác tuần tra để ngăn chặn xe quá tải chạy qua cầu.
Ngay trong chiều 16/2, sau khi tiếp nhận thông tin từ PV, đội CSGT - TT Công an huyện Tuyên Hóa đã bố trí lực lượng bắt tại trận một số xe tải đi vào tuyến đường có gắn biển hạn chế tải trọng.
Theo lãnh đạo đội CSGT - TT Công an huyện Tuyên Hóa, thời gian qua, lực lượng CSGT thường xuyên tăng cường công tác TTKS xử lý xe quá khổ quá tải, xe đi vào các tuyến đường có gắn biển hạn chế tải trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số phương tiện lợi dụng vào ngày cuối tuần hoặc theo dõi lực lượng CSGT rời ca trực để hoạt động.
Thời gian tới, lực lượng tiếp tục tăng cường công tác TTKS, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn.
Cầu Sảo Phong bắc qua Sông Gianh có tổng nguồn vốn đầu tư gần 20 tỉ đồng được đưa vào sử dụng từ giữa năm 2020.
Đây là cây cầu kết nối vùng, bờ Nam và Bắc của xã Phong Hóa. Địa bàn xã Phong Hóa có trên khoảng 6 ngàn nhân khẩu, trong đó 3 thôn Mã Thượng, Cao Trạch và Sảo Phong với gần 700 hộ dân. Trước đây khi chưa có cầu, người dân 3 thôn này và các em học sinh phải vượt sông bằng đò ngang đầy nguy hiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận