Bến phà Tam Hải - Tam Quang |
Hứa… cho xong
Tháng 4/2014, tất cả chủ bến đò trên địa bàn các xã Đại Thắng (Đại Lộc), Điện Hồng, Điện Quang (Điện Bàn), Duy Thu (Duy Xuyên) tỉnh Quảng Nam đã ký cam kết xây dựng “Đoạn, tuyến sông văn hóa, an toàn” và đảm bảo khách mặc áo phao khi qua đò là việc mà các chủ bến đồng lòng hứa.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, mọi thứ “đâu lại vào đó”. Trên bến đò Phú Thuận, đò QNa 0835 liên tục chở khách tròng trành qua sông nhưng trên đò chỉ có vài cái phao tròn treo… cho có. Thậm chí, không chỉ lái, phụ đò không mặc áo phao, mà áo phao cũng bị cất kỹ. “Nội quy đò ngang” tại bến đò Phú Thuận có quy định chủ đò và người điều khiển phải trang bị đầy đủ phao, áo phao cứu sinh cho hành khách, nhưng không có từ nào nói về quy định mặc áo phao khi đi đò. Còn tấm pa nô tuyên truyền “Mặc áo phao khi qua sông là bảo vệ chính mình” tại bến bị lều quán che khuất.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các bến Tam Hải - Tam Quang (Núi Thành), Hội An - Cẩm Kim, Hội An - Duy Nghĩa (Duy Xuyên), bến đò Cẩm Thanh… Đặc biệt, tại bến Tam Hải - Tam Quang, trên nhiều chuyến phà, ô tô, xe máy chật kín phà nhưng phao tròn, áo phao cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay và buộc chặt bên thành phà…
Những vị khách hiếm hoi có mặc áo phao được PV Báo Giao thông ghi nhận tại bến thuyền du lịch Cửa Đại - Cù Lao Chàm. Đáng buồn là những vị khách “chịu” mặc áo phao này lại toàn khách nước ngoài, trong khi lái tàu và du khách trong nước thì vẫn nhất định “nói không”.
Lực lượng chức năng bất lực
Việc chính quyền và lực lượng chức năng địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm… về áo phao, phao cứu sinh là một trong những nguyên nhân chính khiến chủ đò, lái đò không thực hiện các quy định về đảm bảo ATGT. Trong khi đó, Nghị định 93/2013/NĐ-CP đã quy định rất cụ thể về xử phạt đối với các vi phạm quy định về trang bị và sử dụng thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện, thiết bị cứu sinh cá nhân.
Trên thực tế, thời gian qua các đơn vị, địa phương mới tập trung kiểm tra và xử phạt đối với các vi phạm quy định về trang bị thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện, hầu như chưa có biện pháp kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải khách ngang sông.
Ông Lê Anh Truyền - Phó giám đốc BQL Bến thủy - bộ TP Hội An cho rằng, việc mặc áo phao khi đi đò tại các bến đò ngang không bằng các bến đường biển vì đường biển đi với đoạn đường dài và người dân cảm thấy được sự nguy hiểm. Hơn nữa, tuyến đường biển (Hội An - Cù Lao Chàm), nhân viên bến cũng quản lý rất chặt chẽ từ phương tiện đến con người… Còn tuyến đò ngang ngắn nên thời gian chạy cũng ít hơn nhiều, chủ đò và lái đò có nhắc nhở nhưng người dân chủ quan không mặc.
Cũng theo ông Truyền, BQL Bến thủy - bộ TP Hội An hiện quản lý 2 bến, nhưng chỉ quản lý an toàn tại bến, khi xuất bến rồi thì việc kiểm tra, xử lý là của Cảnh sát đường thủy, Thanh tra giao thông... Đáng nói hơn, ông Truyền thể hiện sự bất lực khi cho biết nhiều trường hợp nhân viên BQL đi kiểm tra việc chấp hành quy định vấp phải sự phản ứng gay gắt của chủ thuyền. Thậm chí, khi khách lên đầy thuyền có thể chở vượt tải, nhân viên bến yêu cầu không được xuất bến, thì lái đò cự cãi rồi đẩy thuyền ra khỏi bến là… BQL bến chịu thua.
Liên quan đến việc xử phạt người đi đò không mặc áo phao, ông Truyền cho rằng không thực hiện được “BQL bến có thể xử phạt chủ thuyền kia, nhưng không có chức năng lập biên bản xử phạt, mà chỉ lập biên bản vi phạm nội quy bến với mức phạt 150.000 đồng và đình phiên. Trong khi đó, BQL bến muốn đình phiên phải có quy chế hoạt động do tỉnh ban hành vì tỉnh cấp phép” - ông Truyền nhấn mạnh.
Duy Lợi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận