Hàng chục xe khách vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải khách
Thời gian qua, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ Quảng Ngãi đi các tỉnh thành khác trong cả nước sôi động trở lại, bên cạnh các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính đảm bảo các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải thì còn nhiều cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách làm ăn bát nháo.
Xe khách Kiều Oanh, BKS 76B-012.50, một trong những phương tiện vận tải khách liên tỉnh nằm trong "danh sách đen" mà Sở GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung xử lý.
Cụ thể, tình trạng xe ô tô chở khách có trọng tải từ 16 ghế đến 29 ghế và một số xe khách giường nằm, không đăng ký kinh doanh vận tải nhưng vẫn hoạt động tuyến cố định vận chuyển khách từ Quảng Ngãi đến các tỉnh, thành trong cả nước.
Nhiều nhất là tuyến Bình Định - Quảng Ngãi, Quảng Ngãi - TP.Hồ Chí Minh và một số tuyến cố định khác như Quảng Ngãi - Cà Mau, Quảng Ngãi - Đăk Lăk, Quảng Ngãi - Bình Dương, Quảng Ngãi - Huế…
Ghi nhận cho thấy, hầu hết các phương tiện này có thời gian đón khách đi tại Quảng Ngãi thường diễn ra vào ban đêm từ 2 giờ sáng đến 6 giờ sáng và vận chuyển khách về đến Quảng Ngãi từ 14 giờ đến 17 giờ hàng ngày.
Hầu hết các phương tiện chở khách này thường không đăng ký bến, bãi hoạt động mà "gom" khách lẻ bằng xe loại 7 và 16 chỗ ngồi đến một điểm xe khách đậu chờ và đưa khách đi trong đêm tối.
Trực tiếp thực tế trên một phương tiện có điểm đi tại huyện Tư Nghĩa và điểm đến tại TP.Đà Nẵng, PV thấy phương tiện này không để tên nhà xe, nhưng bên trong xe có đến hàng chục khách. Nhiều trường hợp không có giường nằm phải nằm trên lối đi chung giữa xe.
Một xe khách chạy tuyến Quảng Ngãi-Đà Nẵng đón khách đi trong đêm tối và không đăng ký hoạt động vận tải khách tuyến cố định với Sở GTVT.
Một phương tiện vận tải khách "chui" chở quá số người quy định khi có nhiều khách phải nằm trên lối đi chung trên xe.
Theo Sở GTVT Quảng Ngãi, hầu hết các nhà xe này đăng ký hoạt động tại các doanh nghiệp vận tải hoặc hợp tác xã ở tỉnh Quảng Ngãi và các tỉnh thành khác theo dạng "gửi". Song, không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách tại tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, nhiều phương tiện không đảm bảo các điều kiện về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô như: không có phù hiệu chạy xe hoặc có nhưng không đảm bảo theo quy định, không có lệnh vận chuyển, không vào bến xe để làm thủ tục xuất bến đối với xe cố định...
Thậm chí, dù các phương tiện này “chạy lụi” nhưng vẫn vô tư đón, trả, tranh giành khách tại các điểm dừng xe buýt, bến xe, bến cảng, các đầu mối giao thông tại các huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Quảng Ngãi.
Đơn cử như HTX Dịch vụ vận tải Miền Trung trong thời gian qua có rất nhiều đầu xe vận tải hành khách liên tỉnh từ Quảng Ngãi đi các tỉnh thành trong cả nước như: TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Tiền Giang, song đội xe 18 phương tiện này không thực hiện thủ tục ra vào bến xe nhưng vẫn vô tư đón trả khách. Cụ thể gồm các xe: 76B-008.36 chạy tuyến Quảng Ngãi-Quy Nhơn; 76B-009.99, 76B-010.62 chạy tuyến Quảng Ngãi-Tiền Giang; 76B-002.45, 76B-002.89 chạy tuyến Quảng Ngãi – Gia Lai…
Tương tự, Công ty TNHH Vận tải Kiều Oanh có 3 đầu xe chạy tuyến Quảng Ngãi-TP.Hồ Chí Minh và Quảng Ngãi-Huế cũng không thực hiện đăng ký bến bãi và xuất bến theo quy định. Trong đó, xe 76B-013.44 chạy tuyến Quảng Ngãi-Huế và hai đầu xe 76B-013.31 và 76B-012.50 chạy tuyến Quảng Ngãi-TP.Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, còn rất nhiều đơn vị vận tải hành khách khác cũng vi phạm các quy định về hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh như: HTX GTVT Đức Phổ, HTX Vận tải và dịch vụ Plei Ku, HTX Vận tải Đồng Tiến, HTX Tataco, HTX Vận tải 1/4 Quy Nhơn, HTX Vận tải Đức Linh…
Sẽ tập trung xử lý triệt để
Việc hàng chục đầu xe vận tải hành khách liên tỉnh, bỏ bến, không đăng ký hoạt động kinh doanh hoặc đăng ký nhưng không được cấp phù hiệu, phù hiệu chưa đảm bảo quy định không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn gây rối loạn trật tự vận tải, tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, mất an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Võ Phiến cho biết, tình trạng xe ô tô tham gia vận tải hành khách như báo phản ánh là có và ngành đang tập trung chỉ đạo xử lý.
“Hoạt động của các đơn vị trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và chất lượng dịch vụ vận tải của tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và đặc biệt là nhà nước thất thu thuế. Do đó, trong thời gian tới ngành sẽ ra quân xử lý triệt để tình trạng trên”, ông Phiến cho hay.
Sau chỉ đạo của Sở GTVT, lực lượng Thanh tra của Sở này đã ra quân, xử lý đối với xe khách dừng, đỗ, đón trả khách trái quy định trên tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn TP.Quảng Ngãi.
Cũng theo ông Phiến, Sở GTVT đã cung cấp toàn bộ biển số các phương tiện vi phạm cho các ngành, đơn vị chức năng liên quan để “gặp đâu xử đó”.
Đồng thời, đề nghị Công an tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo phòng, Công an các địa phương phố tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm đối với chủ xe, lái xe vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải, các hành vi không đăng ký kinh doanh, không có phù hiệu, biển hiệu gắn trong theo quy định hoặc sử dụng phù hiệu giả.
Kiên quyết thu hồi phù hiệu “xe hợp đồng, xe cố định, xe du lịch”, nhưng chủ xe, lái xe đã sử dụng để vận chuyển hành khách liên tỉnh nhằm qua mặt lực lượng tuần tra, kiểm soát để hoạt động vận tải trái phép.
“Để xử lý triệt để, ngoài lực lượng chức năng của tỉnh, ngành đã gửi thông báo đến các tỉnh, thành mà các đầu xe này hoạt động để phối hợp xử lý cũng như có biện pháp chấn chỉnh tình trạng phương tiện không vào bến, không chấp hành biểu đồ chạy xe và yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải làm việc với các bến xe để xử lý trách nhiệm liên quan đến hợp đồng đã ký kết giữa đơn vị vận tải với đơn vị quản lý khai thác bến xe”, ông Phiến thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận