Đời sống

Quảng Ngãi: Thủy điện chặn dòng, đồng ruộng nứt nẻ, dân thiếu nước uống

27/05/2023, 14:24

Người dân liên tục phản ánh Thủy điện Nước Long (Quảng Ngãi) chặn dòng suối khiến đồng lúa hơn 90ha mất nước, khô cạn, ruộng đồng nứt nẻ.

Đồng ruộng nứt nẻ

Thời gian qua, người dân xã Ba Ngạc (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) bức xúc trước tình trạng nhiều diện tích trồng lúa nước ở địa phương rơi vào cảnh nứt nẻ, cây lúa mới gieo sạ đã khô héo. Trong khi đó, hệ thống kênh mương thủy lợi bằng bê tông luôn trong tình trạng trơ đáy.

Theo người dân, nguyên nhân là do Công ty CP thủy điện Nước Long - Đức Bảo đang triển khai dự án thủy điện Nước Long. Dự án này vào tháng 4/2023, từng gây dư luận không tốt khi tự ý phá hàng nghìn m2 rừng tự nhiên để làm đường công vụ, Báo Giao thông đã phản ảnh.

img

Theo thống kê của xã Ba Ngạc, có đến khoảng 94ha ruộng ở địa phương khô hạn, nứt nẻ và không thể gieo sạ được do nguồn nước thủy lợi bị cắt

Đứng nhìn thửa ruộng vừa gieo sạ hơn 1 tuần trong tình trạng nứt nẻ, anh Phạm Ty bày tỏ bức xúc vì trước nay mỗi khi đến mùa gieo sạ kênh dẫn nước luôn đầy nước và ruộng đồng xanh tốt, còn giờ geo sạ cả tuần rồi mà không có nước tưới. Bà con chúng tôi có kiến nghị lên địa phương rồi nhưng bất lực.

Không riêng gì anh Ty mà hàng trăm hộ dân có đất trồng lúa ở các thôn Krên, Ba Lăng, Tà Noát có đất trồng lúa đều rơi vào tình cảnh tương tự. Theo người dân địa phương, do với điều kiện đồng ruộng ở khu vực là ruộng bậc thang nên nhu cầu nước tưới tiêu là rất lớn. Thế nhưng, tình trạng thiếu nước tưới đang khiến nhiều cánh đồng trồng lúa rơi vào cảnh khô cháy, nứt nẻ không thể xuống giống vụ lúa mới. Đối với những thửa ruộng đã gieo sạ, cây lúa còi cọc lên không nổi do không có nước tưới.

Ghi nhận tại khu vực các cánh đồng Ba Lăng thuộc thôn Ba Lăng, cánh đồng Vi Vong thuộc thôn Krên và cánh đồng A Mé thuộc thôn Tà Noát… cho thấy, dù đang trong giai đoạn đầu của vụ xuống giống mới, song tại đây bà con nông dân chỉ “nhìn đồng” vì không thể làm đất để gieo sạ được do đồng ruộng khô nứt. Trong khi đó, hệ thống kênh thủy lợi cũng không một giọt nước.

Theo thống kê của UBND xã Ba Ngạc, tổng diện tích đất trồng lúa bị thiếu nước tưới lên đến khoảng 94ha. Trong đó, ngoài 50% diện tích đất đã gieo sạ, phần còn lại khoảng 40ha rơi vào cảnh khô hạn và không thể gieo sạ được nếu không được cung cấp nước tưới.

Bên cạnh thiếu hụt nguồn nước tưới ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, tình trạng nguồn nước ngầm giảm sút đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong vùng, nhất là nguồn nước sinh hoạt hằng ngày.

img

Dù đang vào mùa gieo sạ nhưng do không có nước tưới, người dân có ruộng đành ngậm ngùi...

Thủ phạm là thủy điện Nước Long

Theo người dân địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hệ thống thủy lợi trơ đáy, ruộng đồng nứt nẻ là do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Nước Long - Đức Bảo thực hiện chặn dòng tích nước ở đập phụ dẫn nước trên suối Nước Long và không thực hiện xả nước điều tiết nước như cam kết dẫn đến nguồn nước các đập ở suối Nước Non khô hạn.

Một lãnh đạo UBND xã Ba Ngạc cho biết, sau khi tiếp nhân phản ảnh của người dân, địa phương đã lập đoàn kiểm tra. Kết quả kiểm tra tại hiện trường nhà máy Thuỷ điện Nước Long cho thấy đơn vị này đã chặn dòng và lượng nước xả điều tiết quá ít dẫn đến nguồn nước cấp cho các đập thủy lợi ở suối Nước Non không có nước.

“Tình trạng thiếu nước tưới và sinh hoạt của người dân là do Công ty Cổ phần Thuỷ điện Nước Long - Đức Bảo không thực hiện đúng theo cam kết về việc xả điều tiết nước đối với tuyến đập phụ 2 trên suối Nước Long. Vấn đề này vượt thẩm quyền của địa phương nên UBND xã đã có báo cáo gửi UBND huyện vào cuộc chỉ đạo để kiểm tra, yêu cầu thủy điện Nước Long xả nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong những ngày hè oi bức hiện nay”, lãnh đạo UBND xã Ba Ngạc cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam, sau phản ảnh của xã Ba Ngạc, UBND huyện đã lập đoàn kiểm tra thực tế.

Qua kiểm tra cho thấy có tình trạng các cánh đồng thiếu nước tưới, một số thửa ruộng nứt nẻ. Đối với thủy điện Nước Long có xả nước điều tiết nhưng với lưu lượng nhỏ. Dòng chảy môi trường chưa đảm bảo theo hồ sơ được duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết của chủ đầu tư đã ký trong việc xả điều tiết nước để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Cũng theo ông Nam, do thủy điện Nước Long xả nước nhỏ giọt dẫn đến toàn bộ cánh đồng Ba Lăng thiếu nước tưới trầm trọng. Đây là nguyên nhân khiến sản lượng lúa không được cao so với kế hoạch đề ra. Do đó, UBND huyện đã có chỉ đạo yêu cầu Công ty Thủy điện Nước Long - Đức Bảo phải thực hiện xả và điều tiết nguồn nước đảm bảo duy trì dòng chảy để nhân dân có nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất vì đây là nguồn nước chính.

“Yêu cầu công ty CP Thủy điện Nước Long - Đức Bảo thực hiện đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và cam kết của chủ đầu tư đối với việc duy trì dòng nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu của người dân trong vùng. Huyện cũng giao các phòng, ban, UBND xã Ba Ngạc thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc xả nước của thủy điện Nước Long, nếu đơn vị này vi phạm thì báo cáo huyện có hướng xử lý”, ông Nam cho hay.

img

Thủy điện Nước Long xả nước nhỏ giọt không đủ nguồn nước dẫn về các kênh thủy lợi khiến ruộng đồng khô hạn, dân thiếu nước sinh hoạt.

Trước đó, Báo Giao thông đã có bài phản ánh dư luận tại huyện Ba Tơ bức xúc trước việc một đơn vị thi công Dự án thủy điện Nước Long đã sử dụng phương tiện xe cơ giới cùng nhân lực vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham thuộc địa phận xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ để đốn hạ cây rừng, bạt núi làm đường.

Qua kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng huyện Ba Tơ và Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ xác định, đối chiếu với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cấp ngày 7/3/2022 cho Công ty CP Xây lắp thủy điện Nước Long - Đức Bảo, diện tích rừng bị phá nằm ngoài mốc giới dự án.

Theo đó, khu vực rừng phòng hộ bị chặt phá, san ủi để làm đường công vụ nằm ở lô 11, khoảnh 8, tiểu khu 371 và lô 4, khoảnh 5, tiểu khu 375 xã Ba Ngạc. Tổng diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá, đào bới có diện tích khoảng 1.700m2.

Do đó, về phía Công ty phải đảm bảo dòng chảy môi trường theo hồ sơ được phê duyệt, cấp đủ nước cho vụ lúa Hè Thu này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.