Nhiều hộ dân trắng tay sau mưa, lũ
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhiều điểm dân cư, đường giao thông đã thường xuyên rơi vào cảnh "ngập trong biển nước" mỗi khi xảy ra mưa lớn, gây thiệt hại rất lớn về tài sản cho nhân dân, gây chia cắt cục bộ một số tuyến giao thông huyết mạch. Trong đó, có nhiều hộ gia đình vốn đang khấm khá bỗng trở thành trắng tay sau một trận "đại hồng thủy".
PV Báo Giao thông đã có dịp đến một số điểm dân cư, tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thường xuyên xảy ngập, lụt do mưa lớn thời gian qua và đã ghi nhận được những nỗi lo lắng của bà con phải trong cảnh "sống chung với lũ".
Điển hình là tại TP Uông Bí, sau trận mưa lớn hồi trung tuần tháng 6 vừa qua. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, trận mưa lớn kéo dài từ đêm 8/6 đến ngày 9/6, tại địa phương đã xuất hiện nhiều điểm ngập lụt, ngập lụt cục bộ nhiều tuyến đường (quốc lộ 18 có 4 điểm ngập lụt tại các phường Yên Thanh, Nam Khê, Phương Đông); sạt lở một số điểm và ngập lụt nhà dân (toàn thành phố có 1.092 hộ dân bị ngập; 1.800 con gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi; 30,5ha lúa và hoa màu bị ngập; ngập lụt 179,6ha ao đầm thủy sản).
Địa phương ở TP Uông Bí bị thiệt hại nhiều nhất trong trận mưa hồi đầu tháng 6 vừa qua là phường Quang Trung. Trong trận mưa này, phường Quang Trung có hơn 300 hộ dân thuộc các khu: 1, 2, 4, 5A, 5B, 7, 8, 9, 10, 11, 12 bị ngập lụt, thiệt hại lớn về tài sản. Đặc biệt là hàng chục tiểu thương chợ Trung tâm tại phường Quang Trung phải ngậm ngùi nhìn hàng hóa trôi theo nước lũ.
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, chủ cơ sở kinh doanh bi-a ở phường Quang Trung cho biết, hơn một năm trước, vợ chồng chị thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng gần 2 tỷ đầu tư cơ sở này. Thế rồi, trận mưa lớn sáng 9/6 khiến nước dâng lên quá nhanh, tràn vào nhà ngập đến 1,5m. Vì thế, toàn bộ thiết bị điện tử cùng 8 bàn bi-a của gia đình chị Trang bị ngâm nước trong nhiều giờ...
Còn anh Hoàng Ngọc Dũng, tiểu thương ở chợ Trung tâm TP Uông Bí cho biết, khoảng 10h sáng 9/6, nước lũ bắt đầu tràn vào chợ, anh Dũng chỉ kịp vơ được một ít đồ rồi chạy ra ngoài thoát thân. Đến khoảng 10 phút sau thì nước đã dâng ngập hết quầy gây thiệt hại tài sản của gia đình anh Dũng lên tới hàng trăm triệu đồng...
Tại TP Cẩm Phả cũng có nhiều tuyến giao thông, điểm dân cư thường xuyên rơi vào tình trạng ngập, lụt do mưa lũ. Điển hình là tại thôn Khe Sím, xã Dương Huy hiện có 115 hộ dân thường xuyên phải trong cảnh "sống chung với lũ".
Theo nhiều người dân sinh sống tại thôn Khe Sím, xã Dương Huy cho biết, trước đây, khu vực này có nhiều rừng nguyên sinh, nhưng do hoạt động khai thác than đã làm cho các cánh rừng nguyên sinh biến mất. Thay vào đó, hiện nay là những núi bãi thải lộ thiên khổng lồ vây quanh, khiến thôn này trở thành "túi nước" mỗi khi có mưa lớn... Hậu quả là nhiều người dân nơi đây luôn sống trong cảnh nơm nớp lo khi đến mùa mưa, bão.
Đặc biệt, có những trận lũ lớn đã khiến nhiều hộ dân tại Khe Sím bị ngập hỏng hết tài sản.
Cần di dân ra vùng nguy cơ ngập lụt, sạt lở, nguy hiểm
Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, chỉ tính riêng trận mưa lớn đêm 8 và ngày 9/6 vừa qua, trên địa bàn đã xảy ra mưa to đến rất to kéo dài, gây ngập lụt, thiệt hại hàng tỷ đồng của tổ chức, cá nhân.
Điển hình là tại TP Hạ Long, đã xảy ra ngập lụt ở 11 điểm trên các tuyến đường Trần Quốc Nghiễn (khu vực Vincom), hồ điều hòa Yết Kiêu, đường 25/4…; gây sạt lở 7 điểm trên các tuyến đường tỉnh lộ, đường liên phường và khu dân cư; khoảng 24ha lúa bị ngập.
TP Uông Bí có 1.064 hộ dân và 32 ô tô bị ngập; ngập úng trên 58ha hoa màu và 134ha ao đầm thủy sản, bị trôi 500 con gia súc, gia cầm; sạt lở 7 tuyến đường tỉnh lộ, đường liên phường và khu dân cư.
Tại huyện Ba Chẽ, hàng chục hộ dân tại khu 4, khu 5 (thị trấn Ba Chẽ) bị ảnh hưởng sạt lở, ngập lụt; sạt lở ta luy dương 13 điểm trên các tuyến đường huyện, đường liên xã, thôn.
Tại huyện Tiên Yên, một số điểm dân cư bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt hoàn toàn....
Qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, ngày 4/5/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt Đề án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2025 (Đề án 1357- PV).
Đến hết năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã di dời được 558 hộ với tổng kinh phí trên 494 tỷ đồng, trong đó có 380 hộ nằm trong khu vực sạt lở, ngập lụt nguy hiểm ở chân bãi thải, khai trường khai thác than, 178 hộ nằm trong khu vực sạt lở, ngập lụt nguy hiểm khác, về đích trước kế hoạch của Đề án 1357 là 2 năm. Đáng mừng là, các hộ dân sau khi di dời theo Đề án 1357 đến nơi ở mới đều có điều kiện sinh sống làm ăn tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là, hiện nay, do điều kiện biến đổi khí hậu cùng với việc triển khai một số dự án khai thác khoáng sản, phát triển kinh tế - xã hội đã làm biến đổi thảm thực vật ở thượng nguồn sông suối; nhiều dòng chảy bị bồi lắng, biến dạng đã làm cho địa bàn Quảng Ninh xuất hiện thêm một số khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở khi có mưa, lũ lớn...
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh cũng thừa nhận thực tế là trên địa bàn hiện nay còn nhiều khu vực bị ngập, lụt sâu khi có mưa lũ lớn, gây nguy hiểm cho người dân, làm chia cắt cục bộ giao thông...
Tuy nhiên vị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết thêm là hiện nay, Đề án 1357 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã kết thúc. Do vậy, để tiếp tục triển khai việc di dời các hộ dân đang nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, ngập lụt, nguy hiểm trên địa bàn thì cần phải rà soát, xây dựng đề án mới.
Hiện, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đang nghiên cứu, đề xuất để triển khai công tác này. Khi đề án được thông qua mới thực hiện được...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận