Loạt công trình lấn chiếm hành lang đường sắt
Thời gian gần đây, một số hộ dân ở phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền để kiến nghị về hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt của một số hộ dân tại khu phố 1,2,3.
Hậu quả của việc lấn chiếm không chỉ gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án làm đường gom song song với quốc lộ 18A qua địa bàn.
Ông Vũ Đình Tân, trú tại tổ 3, khu Cao Sơn 2, phường Cao Sơn cho biết, gia đình ông mua mảnh đất rộng trên 100m2 thông qua đấu thầu từ năm 2016 với giá 11,5 triệu đồng/m2. Thế nhưng, khi xây dựng nhà thì lại bị một hộ dân lấn chiếm đằng sau làm bịt mất lối thoát hiểm và hệ thống rãnh nước.
Ông Tân đã gửi đơn kiến nghị về việc hộ đằng sau là ông Nguyễn Đức Ba lấn chiếm trái phép hàng trăm mét vuông hành lang an toàn đường sắt để xây dựng 8 công trình cho thuê kinh doanh từ nhiều năm nay.
Ông Tân cũng đưa ra quyết định của UBND TP Cẩm Phả (ngày 5/4/2017) xử phạt hộ ông Nguyễn Đức Ba 5 triệu đồng do vi phạm về xây dựng công trình; quyết định ngày 31/10/2023 của UBND TP Cẩm Phả giao quyền cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm này, nhưng đến nay vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
"Khu vực vi phạm chỉ cách UBND phường vài trăm mét, nhưng những công trình trái phép này vẫn tồn tại và chưa được xử lý dứt điểm", ông Tân nói.
Qua tìm hiểu thực tế của PV Báo Giao thông, tại khu vực này có hàng chục trường hợp lấn chiếm đất hành lang đường sắt để làm công trình phụ, canh tác hoa màu.
Một lãnh đạo UBND phường Cẩm Sơn thừa nhận, những vi phạm hành lang an toàn đường sắt cũng như lấn chiếm đất công trên địa bàn là có.
"Đó là những vấn đề lịch sử để lại. Hiện chính quyền đang phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, xử lý theo thẩm quyền. Tới đây, người dân không tự giác tháo dỡ vi phạm thì chính quyền sẽ cưỡng chế", vị này cho hay.
Phân lô, bán nền khi đã có chủ trương làm đường?
Qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án đường gom ở phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả có diện tích thu hồi là trên 28.650m2, liên quan đến diện tích đất khai hoang, lấn biển, đất xây dựng của 101 hộ dân và 1 doanh nghiệp.
Dự án được triển khai từ cuối năm 2016, đầu 2017, khi Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam dỡ bỏ hệ thống vận tải bằng đường sắt từ Khe Sim, phường Quang Hanh đến ga cọc 6, phường Cẩm Phú với mục đích làm tuyến đường gom, khuôn viên cây xanh và một số hạng mục phục vụ dân sinh, chỉnh trang đô thị khác. Tổng kinh phí thực hiện dự án là gần 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2020, việc đền bù, giải phóng mặt bằng dự án nêu trên vẫn "giậm chân tại chỗ" vì còn 26 hộ dân không hợp tác làm việc; 2 hộ đã ký phương án đền bù nhưng chưa nhận tiền; 5 hộ có nhà ở bám quốc lộ 18A đã kiểm đếm xong nhưng không đồng ý phương án đền bù.
Các hộ dân này tiếp làm đơn kiến nghị vấn đề đơn giá bồi thường quá thấp; nghi vấn khuất tất bồi thường và "nắn cong" quy hoạch để phân lô, bán nền...
Một trong những khuất tất người dân chỉ ra là từ năm 2016, nhiều đoạn tiếp giáp với quốc lộ 18A đã được phân lô, bán nền cho 29 hộ và một tổ chức làm cây xăng. Việc làm này đã khiến cho tuyến đường bị cong, cua gấp khúc.
Để khắc phục tình trạng này, năm 2018, UBND TP Cẩm Phả đã ban hành quy hoạch mới với mục đích đền bù, giải phóng mặt bằng diện tích đất của một số hộ đã lấn chiếm, khai hoang ở phía sau rồi thỏa thuận với 29 hộ dân đã mua đất lùi lại phía sau để lấy phần đất đó làm đường.
Tuy nhiên, không phải các hộ dân đều đồng tình thỏa thuận, nên đến nay việc đền bù, giải tỏa đất của các hộ dân khu vực phía sau vẫn bị ách tắc, khiến tuyến đường bị thi công dang dở.
Chỉ tay vào một công trình thi công dang dở, một người dân ở khu Cao Sơn 1 thắc mắc: Tại sao sau khi tuyến đường sắt được tháo dỡ lại không quy hoạch để làm đường, khuôn viên cây xanh mà lại phân lô, bán nền, rồi sau đó lại tìm cách bồi thường, thỏa thuận?
Người dân còn bức xúc bởi 29 hộ đã đấu giá và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, do diện tích đất đấu giá này đã vào quy hoạch làm đường, nên các hộ cứ thi công là lại bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng lại.
"Thế nếu các hộ phía sau không đồng ý đền bù, hoán đổi thì các hộ đã mua đất phân lô, bán nền phải chờ đến bao giờ mới được xây nhà?, ông Tuân, 73 tuổi, ở tổ 3, khu Cao Sơn 2 hỏi.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về vấn đề này, một lãnh đạo TP Cẩm Phả, cho biết, hiện tại, sau khi quy hoạch chung thành phố được UBND tỉnh điều chỉnh, địa phương đã triển khai lập, phê duyệt quy hoạch phân khu làm cơ sở nghiên cứu quy hoạch chi tiết điều chỉnh để triển khai thực hiện khi có nguồn lực phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận