Xã hội

Quảng Ninh: Dừng tất cả cuộc họp để chống bão số 7

18/10/2016, 13:38
image

Để chủ động phòng chống cơn bão số 7, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều biện pháp trước khi bão đổ bộ.

img_8031-2032

Mưa lũ ngập lụt lịch sử tại Quảng Ninh vào cuối tháng 7/2015

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 7, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai chỉ đạo công tác phòng, chống bão.

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá đây là một cơn bão mạnh và có diễn biến phức tạp, do vậy sau khi UBND tỉnh họp với Chính phủ triển khai công tác phòng, chống, UBND tỉnh đã ban hành Công điện và phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão tại các địa phương. Yêu cầu các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình để triển khai các phương án phòng, chống trên tinh thần đôn đốc, kiểm tra là chính.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, đây là cơn bão có sức gió mạnh, đúng vào thời điểm nước triều cường và đổ bộ vào đêm nên nguy hiểm lớn đến tài sản, tính mạng con người. Quảng Ninh lại là địa phương có nhiều đê điều, vùng trũng, thấp, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại lớn, do vậy đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang đặc biệt quan tâm đến hệ thống đê điều trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó đặc biệt lưu ý đến hệ thống đê Hà Nam, các tuyến đê tại Vân Đồn, Tiên Yên...

Đối với các phương tiện tàu thuyền, yêu cầu các ngành, địa phương theo dõi, kêu gọi các phương tiện đánh bắt cá xa bờ nhanh chóng tìm nơi tránh, trú bão; dừng cấp phép các phương tiện ra khơi, vận chuyển khách du lịch tham quan trên Vịnh và ra các tuyến đảo; vận động người dân chằng buộc, gia cố các bè nuôi trồng thủy sản; di dời người dân trông coi tại các lều trại, bè nuôi trồng thủy sản vào bờ; hỗ trợ nhân dân chằng buộc nhà cửa, di dời người dân tránh xa các điểm có nguy cơ sạt lở đất đá, những khu vực trũng thấp ven biển; đảm bảo an toàn cho lao động tại các khu công nghiệp.

>>>Xem thêm video: Quảng Bình lũ lụt lịch sử, hàng ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong buổi sáng và đầu giờ chiều 18/10 thời tiết tại tỉnh Quảng Ninh vẫn còn hửng nắng, đôi lúc có mưa nhỏ và gió mạnh.

Tại Cô Tô, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã kêu gọi 410 phương tiện, đồng thời tuyên truyền vận động và ký cam kết đối với người, chủ phương tiện tàu, thuyền, lồng bè vào nơi tránh trú bão nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản. 8 khách du lịch còn ở lại trên đảo được đảm bảo chỗ ăn, nghỉ.

Hiện tại các hộ dân khu vực ven biển đã thực hiện chằng chống nhà cửa bằng bao cát, cây gỗ; gần 100% diện tích lúa của Cô Tô đã được thu hoạch. Tại các điểm có nguy cơ bị sạt lở, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã huy động các lực lượng bộ đội, biên phòng, thanh niên tình nguyện, công an, dân quân tự vệ đi gia cố. Vấn đề lương thực thực phẩm và giá cả được quản lý chặt chẽ.

Tại TP. Cẩm Phả, toàn bộ 17/17 tàu khai thác hải sản xa bờ và 183 tàu cá nhỏ vào nơi tránh trú bão an toàn; các lồng bè đang chằng buộc, gia cố; các công ty môi trường tiến hành khơi thông hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương; triển khai di dời 300 người dân ở các lồng bè trên biển khu vực Bến Do về nơi an toàn…Ngoài ra, các công sở, trường học, nhà máy, công trường... triển khai phương án chằng chống bảo đảm an toàn tính mạng cho người và tài sản, máy móc, thiết bị.

Tại Cảng Tuần Châu, toàn bộ tàu du lịch đã được di chuyển đến nơi tránh bão an toàn. Hoạt động du lịch thăm vịnh Hạ Long đã tạm ngừng để đảm bảo tính mạng cho du khách trước cơn bão số 7.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.