Bến xuống cấp, phà khó cập bờ
Tuyến phà Đại Lai - Cái Chiên là tuyến đường thủy nội địa duy nhất từ đất liền ra xã đảo Cái Chiên (ở huyện Hải Hà, Quảng Ninh).
Được đưa vào hoạt động từ năm 2016, nhưng do là bến tạm, gia hạn mỗi năm một lần, nên bến phà Đại Lai - Cái Chiên đang bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện mỗi khi ra, vào bến.
Qua quan sát của PV Báo Giao thông, mặt bến phía Đại Lai thuộc khu Quảng Điền, thị trấn Hải Hà, huyện Hải Hà bị lồi lõm, các bờ kè lại bị sóng đánh cho gãy vụn từng mảng. Cả bến phía Đại Lai và Cái Chiên đều không có hệ thống phao giới hạn vùng nước, không có cầu cập xuồng.
Ngoài khu vực nhà chờ xuống cấp, đường xuống cảng bị xói mòn, luồng ra vào bến Đại Lai cũng bị bồi lắng, nên phà không thể hoạt động vào thời điểm nước xuống, khiến người dân, du khách phải đi lại bằng xuồng, ca nô.
Anh Tuấn, một du khách đến từ TP Hải Phòng cho biết, anh và gia đình ra nghỉ dưỡng tại đảo Cái Chiên. Cảnh ở đảo rất hoang sơ, khí hậu trong lành, giá dịch vụ hợp lý. Băn khoăn duy nhất của anh Tuấn khi ra đảo Cái Chiên là tuyến phà Đại Lai - Cái Chiên.
"Mặt bến thì trơn trượt, không có cầu lên xuồng và tàu nhỏ. Chỉ cần sơ ý là có thể ngã văng xuống nền bê tông hoặc rơi xuống nước. Chính quyền địa phương cần xem xét, nâng cấp tuyến phà này để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách", anh Tuấn nói.
Anh Nguyễn Văn Nhưng, nhân viên thuộc Hợp tác xã Vận tải Phượng Hoàng - một trong những đơn vị có phương tiện vận tải tuyến Đại Lai - Cái Chiên cho biết, ở mép nước, cạnh luồng vào, hằng năm, sóng biển đưa cát đùn lên thành đụn, nhưng không ai được phép nạo, vét.
"Vài năm trước, có đơn vị tự ý khơi thông luồng để cho phương tiện vào được phía trong thì đã bị xử phạt vi phạm hành chính 178 triệu đồng.Từ đó đến nay, không ai dám động vào những đụn cát này nữa", anh Nhưng chia sẻ.
Anh Phạm Văn Quảng, người dân ở khu Quảng Điền, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà thì cho biết, người dân sinh sống ở 2 bên đầu bến này đều rất mong mỏi, cơ quan chức năng sớm đầu tư nâng cấp những hạng mục cơ bản như cầu cảng, luồng vào để phà có thể hoạt động thường xuyên được.
Nghiên cứu đầu tư 120 tỷ đồng nâng cấp cảng, bến
Qua tìm hiểu của PV Báo Giao thông, bến Đại Lai - Cái Chiên trước đó là bến tạm để bốc, xếp vật liệu, hàng hóa phục vụ thi công Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà và một số công trình khác tại địa phương.
Tuyến đường thủy nội địa từ huyện Hải Hà ra xã đảo Cái Chiên trước đây xuất phát từ bến Phú Hải, thị trấn Quảng Hà rồi vòng qua Cửa Đại và cập vào phía Nam của xã Cái Chiên. Hành trình này xa mất hơn chục hải lý.
Sau khi các tàu vận tải, vật liệu xây dựng phục vụ thi công ở Đại Lai dừng hoạt động thì bến này được cấp phép hoạt động tạm là bến thủy nội địa theo từng năm. Do là bến tạm, nên hạ tầng bến không được đầu tư đồng bộ, khiến việc đi lại của nhân dân, du khách gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa, bão, ngày biển động.
Một chỉ huy Trạm kiểm soát Biên phòng Quảng Điền, thuộc Đồn Biên phòng Quảng Đức cho biết: Hiện nay, tại khu vực tuyến Đại Lai - Cái Chiên có 2 chiếc phà thuộc Công ty TNHH Long Vũ và Công ty Lâm Ngọc Dương đầu tư và hơn chục xuồng cao tốc đăng ký kinh doanh vận chuyển hành khách tuyến bờ ra đảo Cái Chiên.
"Bến Đại Lai nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà nên không được đầu tư sửa chữa hạ tầng, nạo vét luồng vào. Trong khi đó, khu vực này còn là nơi tránh, trú bão của nhiều phương tiện làm nghề biển của nhân dân địa phương, nên rất cần được đầu tư nâng cấp", vị này cho hay.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hà (Quảng Ninh) cho biết, nhằm khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trên xã đảo Cái Chiên, UBND huyện Hải Hà đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp bến Đại Lai giai đoạn 2024 - 2030.
Theo quy hoạch đang được trình có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh phê duyệt thì dự án cải tạo, nâng cấp bến Đại Lai sẽ có quy mô là bến tổng hợp hàng hóa và hành khách có dài 120m, rộng 15m. Bến có thể cặp được tàu khách dưới 300 ghế và các tàu loại nhỏ.
Ở sau bến sẽ bố trí khu đất để xây dựng hạ tầng dịch vụ gồm bãi chứa hàng hóa, vật liệu rộng 2.500m2, khu nhà chờ khách, văn phòng điều hành rộng khoảng 1.200m2.
Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 120 tỷ đồng, gồm: Xây dựng bến cặp tàu 55 tỷ đồng, bãi chứa hàng hóa và vật liệu 15 tỷ đồng, nạo vét và các công trình đảm bảo giao thông là 10 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 15 tỷ đồng...
"Hiện các thủ tục đang được hoàn thiện và chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi có đủ các thủ tục thì sẽ tiến hành dự án", ông Liêm cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận