Hệ thống cọc, lưới giăng kín vùng bãi triều xã Quảng Minh, huyện Hải Hà Hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm lao động địa phương mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến giao thông thuỷ nội địa.
Cọc giăng kín bãi triều
Hơn 16h ngày trung tuần tháng 12, khi thuỷ triều bắt đầu xuống, PV Báo Giao thông tìm thuê một chiếc thuyền con của ngư dân địa phương để “mục sở thị” bãi thuỷ triều Phú Hải, Quảng Minh, nhưng các chủ thuyền đều từ chối. Phải hỏi đến chủ thuyền thứ 5 tên là Ng.V.T (ở thôn Minh Tân, xã Quảng Minh) mới nhận lời, nhưng cũng tỏ vẻ ái ngại.
Anh T. thật thà: “Chở các chú đi có tiền, ai chẳng muốn. Nhưng có điều, mặt nước ở khu vực này bị cọc, lưới giăng kín, đi vào buổi muộn rất nguy hiểm. Hơn nữa ở đây, mọi người đều quen mặt nhau, chở các chú ra quay phim, chụp ảnh, mai này gặp lại các chủ bãi sẽ khó ăn, khó nói”.
Rồi chúng tôi cũng thuyết phục được anh T. điều khiển chiếc thuyền con dài chừng 5m, rộng hơn 1m, gắn máy loại nhỏ vào bãi triều Quảng Minh. Anh T. vừa chạy thuyền lạng lách tránh các chiếc cọc chừng cổ tay người nằm nấp sát mặt nước, vừa than thở: “Khu vực này đã được giao cho một số hộ nuôi ngao, nghêu. Để tận diệt khai thác thuỷ sản, các hộ cắm cọc, giăng lưới dài hàng cây số, rồi đóng túi ở một số khu vực. Do mắt lưới nhỏ, nên thuỷ hải sản con to, con bé đều mắc lại. Nếu đi nhanh, không quan sát kỹ mà va vào các cọc này thì dễ lật thuyền lắm”.
Anh T. vừa dứt lời thì đầu mũi chiếc thuyền nghe tiếng “bụp, xoẹt xoẹt”, thuyền tròng trành, chao đảo. Anh T. hét to: “Chắc thuyền cắm vào lưới vào cọc rồi. Các chú phải ngồi im, thuyền nhỏ mà nhao lên là ngã hết xuống biển đấy”. Mất gần chục phút loay hoay gỡ mũi thuyền, anh T. có vẻ muốn về, chúng tôi lại phải năn nỉ để anh miễn cưỡng chở tiếp.
Tiếp tục hành trình về phía khu vực cửa Đối tiếp giáp với vùng biển của TP Móng Cái, chúng tôi đã ghi nhận thêm được hàng chục bãi cọc, lưới dài hàng cây số.
Anh T. bảo, vùng biển này vốn có rất nhiều luồng, lạch vào cảng, vào bờ thuận lợi và chỉ mất rất ít thời gian. Nhưng giờ bờ biển bị cắm cọc giăng lưới kín, hầu hết các luồng đều bị chặn, tàu, thuyền bé mò mẫm, lượn lách mới qua được.
“Vào ngày thời tiết tốt còn đỡ, chứ hôm sương mù thì rất khó khăn. Tại đây đã từng xảy ra không ít vụ đâm, va giữa tàu với các bãi lưới, bãi cọc, rồi đã xảy ra cãi vã giữa chủ tàu với chủ bãi cọc”, anh T. lo lắng.
Theo quan sát, nhiều chiếc phao luồng, hải đăng cũng đang bị hệ thống cọc, lưới bủa vây xung quanh. Nếu xảy ra sự cố về tín hiệu ở ngọn hải đăng - “đôi mắt” của người đi biển, mà thuyền phải vượt qua đám cọc này thì chắc chắn sẽ rất rắc rối.
“Bảo kê” hay bất lực?
Túi, lưới mắt nhỏ khiến hải sản bị khai thác theo kiểu tận diệt
Được biết, khu vực bãi triều của xã Quảng Minh rộng trên 2.000ha, là nơi mưu sinh của hàng trăm lao động trên địa bàn huyện Hải Hà, TP Móng Cái. Nhiều năm trước, tại bãi triều này đã từng xảy ra tình trạng lấn chiếm trái phép rồi “phát canh, thu tô”.
Từ khi chính quyền địa phương quy hoạch khu vực này thành 3 vùng gồm khu vực nuôi trồng 410ha, khu vực đánh bắt tự nhiên 1.400ha, số diện tích còn lại dùng cho mục đích khác, người dân thoát khỏi cảnh bị “phát canh, thu tô”. Nhưng đến nay, vùng mặt nước này lại có một số người cắm cọc, giăng lưới, khiến người dân không còn nơi để khai thác tự nhiên nữa.
Để xảy ra tình trạng này là do cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt, bản thân tôi cũng chưa ra kiểm tra thực tế tại khu vực này, nên chỉ nghe báo cáo của xã, lực lượng liên ngành… Ngay trong tuần tới, UBND huyện sẽ cho kiểm tra thực địa, xử lý nghiêm các hành vi theo quy định.
Ông Hoàng Phi Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hà
Anh Tr.V.N (ở thôn Minh Tân, xã Quảng Minh) cho biết: “Bây giờ người ta quây hết bãi triều vậy, ai dám vào mà đánh bắt. Chính quyền địa phương thì chỉ kiểm tra, nhắc nhở. Không những thế, khu vực này còn là nơi tàu, thuyền vào tránh, trú bão của hàng trăm tàu, thuyền.
Nếu để tình trạng này tiếp tục diễn ra, mỗi khi bão lớn đổ bộ về, luồng, lạch bị bít kín như vậy, tàu, thuyền sẽ không kịp vào bờ gây nhiều nguy hiểm. Có tiêu cực gì ở đây không, khi bà con phản ánh nhiều lần, tại sao không cho cưỡng chế, tháo dỡ?”, anh N. nêu vấn đề.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Giang, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho hay, khu vực bãi triều tại xã Quảng Minh, huyện Hải Hà được quy hoạch và giao đất cho 92 hộ dân từ năm 2013 trên diện tích 356ha với mục đích nuôi nghêu, ngao và các loại nhuyễn thể khác.
Gần đây, có 11 hộ đang cắm cọc tre, dùng lưới và túi để khai thác thuỷ sản, vi phạm các quy định về hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn.
“Thực tế, đến thời điểm này, xã đã ra thông báo 3 lần yêu cầu các hộ tự tháo dỡ lưới trái quy định. Nhưng vi phạm vẫn tồn tại vì công việc của xã nhiều, phương tiện phục vụ kiểm tra không có, nên rất khó kiểm soát”, ông Giang nói và cam kết, tới đây địa phương sẽ quyết liệt vấn đề này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận