Bóng đá

Quầy hàng sân Mỹ Đình lợi dụng tình yêu đội tuyển Việt Nam để kiếm lời?

16/11/2019, 10:58

Những quầy hàng ở sảnh sân Mỹ Đình bán đồ ăn, nước uống với mức giá “cắt cổ” cho CĐV tới cổ vũ tuyển Việt Nam thi đấu.

img
Một quầy hàng trong sân Mỹ Đình. Ảnh Khánh Trình

Tối 14/11, người hâm mộ cả nước hân hoan với thắng lợi 1-0 của tuyển Việt Nam trước đối thủ mạnh UAE. Nhờ thắng lợi này, thầy trò HLV Park Hang-seo đã vươn lên ngôi đầu bảng G với 10 điểm, hơn đội xếp sau là Thái Lan 3 điểm.

Tuy nhiên, niềm vui này không thực sự trọn vẹn khi những quầy hàng ở sảnh sân Mỹ Đình có dấu hiệu kiếm lời bất chính từ người hâm mộ. Cụ thể, một chai nước lọc được bán với giá từ 30 nghìn tới 40 nghìn đồng. Một chiếc bánh mỳ kẹp xúc xúc giá thấp nhất cũng 50 nghìn đồng. Một gói bim bim cũng có giá từ 20-30 nghìn đồng.

Rất nhiều người hâm mộ cảm thấy bức xúc với kiểu bán hàng “chặt chém” này nhưng tâm lý chung đã vào sân thì đều tặc lưỡi chấp nhận. Một điểm đáng chú ý, khi qua cửa kiểm soát an ninh, tất cả chai lọ đều đều bị bỏ lại. Với những người tới sớm, họ phải ngồi ở sân tới 3-4 tiếng đồng hồ. Khoảng thời gian dài như vậy nếu không có nước uống thì rất khó chịu. Thế nên, việc mua nước trong sân gần như là bắt buộc.

Trong sân đã vậy, bên ngoài sân, giá vé gửi xe cũng rất cao. Xe máy trung bình 50 nghìn/lượt còn ô tô có thể lên tới 400 nghìn/lượt. Thực tế, trình trạng này đã diễn ra từ lâu tại sân Mỹ Đình mỗi lần đội tuyển thi đấu. Vậy ai là người cấp phép cho những hàng quán, điểm gửi xe kia hoạt động? Có sự kiểm soát nào về giá hay không?

Ông Nguyễn Việt Tiến, Phó Giám đốc phụ trách Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, cho biết các nhóm kinh doanh đồ ăn, nước uống trong sân vận động đều được sự cho phép của ban quản lý sân thông qua hình thức thuê mặt bằng kinh doanh. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao các quầy hàng này được đội giá sản phẩm gấp nhiều lần, ông Tiến cho biết ban quản lý sân chỉ cho thuê mặt bằng chứ không quản lý hoạt động kinh doanh.

Câu trả lời này rõ ràng cho thấy sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Bởi lẽ, nếu nói như ông Tiến thì các đơn vị kinh doanh có thể mặc sức tăng giá các mặt hàng, thậm chí bán những mặt hàng không được phép bán. Khi xảy ra sự cố, ai là người phải chịu trách nhiệm? Liệu có khuất tất nào trong hoạt động kinh doanh tại sân Mỹ Đình hay không?

Liên quan tới, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, ngày 6/5, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại đơn vị này.

Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp đang thuê đất tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đã gửi đơn đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao... tố cáo khu liên hợp cho thuê đất nhưng không đưa vào sổ sách, thu tiền của doanh nghiệp nhưng không xuất hóa đơn VAT.

Các doanh nghiệp cho biết khu liên hợp đã cho thuê hàng ngàn mét vuông đất nhưng để ngoài sổ sách. Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình cũng đang nợ 314 tỉ đồng tiền thuê đất của Nhà nước và không có khả năng chi trả.

Trước nữa, Kiểm toán Nhà nước cũng có kết luận Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình thực hiện việc cho một số đơn vị thuê đất khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Tài chính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.